Trước vấn nạn du học giả và làn sóng du học gây áp lực về nhà cửa, cơ sở hạ tầng, an ninh, nhiều quốc gia đang siết chặt chính sách với du học sinh.
Thông tin trên vừa được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo về du học diễn ra chiều 31/3 tại Hà Nội. Theo đó, bằng cách này hay cách khác, một số quốc gia như: Úc, Canada, Anh…, đang siết chính sách với du học sinh quốc tế nhằm cắt giảm lượng người nhập cư, giảm áp lực.
Siết chính sách để giảm áp lực
Đầu năm 2024, chính phủ Canada quyết định giới hạn số du học sinh (DHS) đến nước này trong 2 năm tới. Năm 2024, nước này chỉ cấp khoảng 360.000 giấy phép du học mới, giảm 35% so với năm trước, không áp dụng với bậc phổ thông, thạc sĩ, tiến sĩ và những ai đã có giấy phép du học.
Mọi đơn xin giấy phép du học muốn được xét duyệt từ nay cũng phải kèm theo thư chứng thực từ tỉnh, bang sẽ theo học.
Đại diện trường đại học Mỹ tư vấn cho học sinh (Ảnh: M. Huyền).
Bà Trần Phương Hoa, thành viên Hiệp hội tư vấn du học quốc tế, cho biết việc nhập cư vào Canada tăng quá nhanh, dẫn tới cuộc khủng hoảng nhà ở, hạ tầng và chi phí sinh hoạt.
Trước tình trạng này, Chính phủ Canada phải điều tiết, siết chính sách với lao động nhập cư tạm thời và với sinh viên quốc tế. Điều này cho thấy thời gian tới, độ khó sẽ tăng lên với các học sinh khi các em muốn vào các trường đại học ở đây.
Bà Diệu Linh, chuyên gia từ một tổ chức du học cũng cho hay, tại Anh và Úc, tình trạng cũng diễn ra tương tự. "Có lẽ nhiều người vẫn nhớ chuyện sinh viên một số tỉnh thành tại Việt Nam vừa bị cấm đầu năm nay do có tình trạng "du học giả". Trước tình hình này, các quốc gia trên đây có xu hướng siết chính sách bởi lo ngại học sinh không du học thực sự", bà Diệu Linh nói.
Được biết hồi tháng 12 năm ngoái, Úc công bố thắt chặt thị thực du học, cải tổ thị thực lao động nhằm cắt giảm lượng người nhập cư trong những năm tới, xuống còn một nửa.
Tại Anh, nhằm kiểm soát số lượng người nhập cư, bao gồm cả du học sinh, mới đây chính phủ nước này cũng ban hành chính sách hạn chế du học sinh đưa người thân nhập cảnh, không cho phép họ chuyển từ visa sinh viên sang visa làm việc trước khi tốt nghiệp.
Phụ huynh tìm hiểu cơ hội du học cho con em (Ảnh: M. Huyền).
Du học thật vẫn còn cơ hội
Mặc dù nhiều quốc gia đang siết chính sách với du học sinh nhưng theo một số chuyên gia, những sinh viên du học thật vẫn còn cơ hội, đồng thời các em cần có chiến lược khi chuẩn bị hồ sơ nhằm thu hút các trường.
Theo bà Trần Phương Hoa, khi nhiều nước có các chính sách thắt chặt việc xét duyệt hồ sơ, cấp visa, các học sinh, sinh viên nên chú ý thể hiện rõ mình có ý định du học nghiêm túc và có năng lực phù hợp.
Các hồ sơ có bảng điểm học tập khá, giỏi, được nhận vào các đại học uy tín, có tiếng Anh tốt - nộp được chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, sẽ luôn được ưu tiên xét duyệt.
Ngoài ra, các em cũng cần chứng minh được gia đình có thu nhập thường xuyên, điều kiện tài chính vững vàng để có thể hoàn thành hết thời gian học dự kiến.
Về điều này, bà Đinh Mỹ Phương, đại diện đến từ Đại học Rochester (Mỹ) cho rằng, việc các em chuẩn bị hồ sơ tốt ngay từ rất sớm có thể đem đến nhiều lợi thế khi đi du học.
Cũng với góc nhìn trên đây, một chuyên gia tư vấn du học cho hay, trước những chính sách thắt chặt thị thực của một số quốc gia, các em có nguyện vọng du học cần xác định và lên kế hoạch sớm, từ năm lớp 10, 11, để củng cố chắc chắn hơn về năng lực học tập hoặc tìm kiếm các chứng chỉ quốc tế.
Khi nộp hồ sơ du học, ứng viên cần có bài viết nêu rõ và đủ các yếu tố để chứng minh ý định du học nghiêm túc. Học sinh nên tìm hiểu về trường, thể hiện rõ mục tiêu cũng như đánh giá lợi ích mà các khóa học mang lại, điều đó sẽ giúp ứng viên có lợi thế.
"Việc chuẩn bị kế hoạch từ sớm không chỉ giúp ứng viên trúng tuyển trường mong muốn mà còn thể hiện mục đích du học thật sự.
Đặc biệt có lưu ý nhỏ, mặc dù nhiều đại học không yêu cầu nộp các chứng chỉ quốc tế nhưng nếu các em nộp kèm thêm theo, bộ hồ sơ này chắc chắn gây ấn tượng và thu hút hơn so với những hồ sơ không có", chuyên gia này cho biết.
Theo dantri.com.vn