Đổi mới căn bản giáo dục mầm non, đặt nền móng hình thành, phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam

Thứ 5, 04.04.2024 | 14:38:49
584 lượt xem

Sáng 4/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, chủ trì phiên họp của Ủy ban về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quang cảnh phiên họp.


Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban.

Đây là Phiên họp quan trọng nhằm tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục mầm non; phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi có chất lượng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, đặt nền móng cho việc hình thành phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 của Bộ Chính trị “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, giáo dục đào tạo đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển đất nước.

Trong đó, giáo dục mầm non đã có những bước phát triển quan trọng về quy mô, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hệ thống mạng lưới trường, lớp mầm non không ngừng được củng cố, mở rộng và phát triển đa dạng các loại hình. Tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ và trẻ em mẫu giáo 3 đến 4 tuổi, 4 đến 5 tuổi tăng dần hằng năm.

Các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non dần được quy chuẩn và được đầu tư phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục mầm non nói riêng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được sớm khắc phục; còn những khó khăn, thách thức trước mắt cần sự nỗ lực lớn để vượt qua.

Đổi mới căn bản giáo dục mầm non, đặt nền móng hình thành, phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.

Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. Giáo dục mầm non là bậc học dành cho lứa tuổi nhỏ nhất trong tiến trình phát triển của con người. Xây dựng, phát triển con người cần phải được đặt nền móng từ những năm đầu đời. Mặt khác, Đảng, Nhà nước ta đã xác định giáo dục-đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu; xây dựng và bảo vệ đất nước dựa trên 3 trụ cột (xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), với quan điểm xuyên suốt: con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; nguồn vốn quý nhất, yếu tố quyết định là con người.

Do đó, bậc học Giáo dục mầm non cần tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới căn bản, tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, chuẩn bị nền tảng cho trẻ phát triển toàn diện và sẵn sàng cho việc học tập suốt đời, đóng góp vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao từ sớm, từ xa.

Vừa qua, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; tiếp tục khẳng định các quan điểm của Đảng về chính sách xã hội, trong đó có chính sách về giáo dục để phục vụ cho phát triển con người; đặt mục tiêu đến năm 2030 “Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi...”.

Đổi mới căn bản giáo dục mầm non, đặt nền móng hình thành, phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam ảnh 2

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ủy ban và các đại biểu dự họp phát biểu ý kiến, thảo luận kỹ lưỡng trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, xây dựng; đánh giá toàn diện về giáo dục mầm non thời gian qua: những kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đúc rút những bài học kinh nghiệm để từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp sát thực tiễn, trúng và đúng nhằm hiện thực hoá các chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới, phát triển giáo dục mầm non trong giai đoạn sắp tới.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế, thể hiện mong muốn sự phát triển của nền giáo dục nước nhà phù hợp tình hình, xu thế, hiệu quả hơn; đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện Đề án.

Thủ tướng nhấn mạnh, sự nghiệp giáo dục có vai trò quan trọng đối với sự phát triển đất nước; giáo dục đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị, từ đó, chúng ta phải có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận tổng thể, bao trùm, có tính toàn dân, toàn diện, nhưng phải căn cứ chủ trương của Đảng, Hiến pháp, chính sách pháp luật của Nhà nước hiện hành. Nghị quyết 29-NQ/TW đã khẳng định “Giáo dục đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục đào tạo cùng với phát triển khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục đào tạo là đầu tư phát triển”. Chúng ta phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phục vụ sự phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò, tầm quan trọng của giáo dục đào tạo. Mới đây nhất, Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có đề ra mục tiêu đến năm 2030 "Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi".

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành thể chế pháp luật để thực hiện; chúng ta cũng có Luật Giáo dục đào tạo và các luật liên quan; tuy nhiên, thực trạng còn nhiều bất cập, khó khăn khi thực hiện mục tiêu trên. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, là quốc sách hàng đầu. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Đề án này phải xin cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách để thực hiện được mục tiêu. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tiếp tục hoàn thiện Đề án, đồng thời phải làm rõ căn cứ chính trị, pháp lý, thực trạng hiện nay; thẩm quyền xem xét những vấn đề nội dung, đề xuất là của ai, Chính phủ phải làm gì? Quốc hội phải làm gì, các bộ, ngành, địa phương phải làm gì? Nội hàm phải đổi mới như thế nào? Phải phù hợp quan điểm về đường lối, vai trò, vị trí giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đào tạo và phát triển toàn diện con người; lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực, mục tiêu cho sự phát triển; phù hợp xu thế phát triển của thời đại như phát triển xanh, phát triển số…; phù hợp thực tiễn, hoàn cảnh đất nước trong bối cảnh hiện nay; phổ cập mầm non từ 3-5 tuổi; đổi mới cách huy động nguồn lực thông qua hợp tác công tư là chính.

Thủ tướng yêu cầu vấn đề giải quyết các điểm nghẽn lớn phải làm rõ để có cơ sở đề xuất: đó là thiếu giáo viên; thiếu cơ sở vật chất, tiếp cận giáo dục mầm non chưa bình đẳng, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, người yếu thế. Chúng ta phải phân tích để có giải pháp phù hợp. Giải quyết 3 điểm nghẽn này thì phải có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực con người và vật chất. Do đó, phải rà soát cơ chế, chính sách hiện hành có những gì? Cái gì chưa làm được thì phải điều chỉnh, cái gì chưa có thì phải bổ sung; nhất là cơ chế huy động vật chất như thuế, đất đai, tiếp cận tín dụng; vấn đề xã hội hóa kêu gọi sự đóng góp của người dân; việc huy động nguồn nhân lực thì biên chế thế nào, trong đó biên chế của cơ sở giáo dục của Nhà nước có hạn; vấn đề nâng cao chất lượng nguồn lực là cơ chế gì; chính sách kêu gọi, thu hút giáo viên vào lĩnh vực này ra sao.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện Đề án theo hướng trên; các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cái gì đã chín, đã rõ, được đa số đồng tình, được thực tế chứng minh là đúng thì áp dụng; không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng yêu cầu hồ sơ Đề án phải đầy đủ, rõ thẩm quyền, trách nhiệm, rõ quy trình; các nội dung trình phải rõ, mạch lạc, làm kỹ, làm chắc; quá trình làm nếu vấn đề nào khó thì xin Bộ Chính trị cho chủ trương; Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục chỉ đạo việc này.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/doi-moi-can-ban-giao-duc-mam-non-dat-nen-mong-hinh-thanh-phat-trien-cac-gia-tri-cot-loi-cua-con-nguoi-viet-nam-post803066.html


  • Từ khóa