Quan niệm về các ngành khối khoa học xã hội khó tìm việc, lương thấp đã… "xưa như trái đất" khi sức nóng tuyển sinh, tuyển dụng những năm gần đây đã giúp nhiều ngành học thuộc nhóm này lên ngôi.
Nhiều ngành học được "trải thảm đỏ"
Điển hình trong nhóm này phải nhắc tới 2 ngành truyền thông đa phương tiện và quan hệ công chúng. Trong mùa tuyển sinh những năm gần đây, nhiều thí sinh quan tâm, lựa chọn nhóm ngành này.
TS Nguyễn Mai Phương, Phó trưởng khoa Truyền thông số, Trường Đại học Gia Định (GDU), cho rằng ngành truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng hiện thu hút nhiều người học và cơ hội việc làm rộng mở.
Với chương trình đào tạo mới, sự kết hợp giữa ngành truyền thông truyền thống với những ứng dụng của công nghệ hiện đại, đã làm "sống dậy" nhóm ngành này. Do đó, những lo ngại về việc làm khi học nhóm ngành khoa học xã hội không còn chính xác.
Giảng viên, sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện trong một tiết học (Ảnh: Trinh Trinh).
Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường lao động TPHCM, từ năm 2015-2025, mỗi năm sẽ cần đến 21.600 người trong nhóm ngành truyền thông - quảng cáo.
Ngoài ra, nhiều trang thông tin tuyển dụng cũng dự báo các vị trí liên quan đến truyền thông số, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), tiếp thị qua công cụ tìm kiếm (SEM), truyền thông mạng xã hội, sáng tạo nội dung và phân tích dữ liệu được các nhà tuyển dụng ưu tiên quan tâm.
Một ngành học khác thuộc khối khoa học xã hội cũng giàu tiềm năng, đó là luật. Mọi lĩnh vực trong xã hội từ kinh tế, văn hóa đến dịch vụ, giải trí đều ít nhiều liên quan đến pháp luật. Bởi vậy, nhu cầu nhân lực ngành này rất lớn.
Luật sư Lưu Phương Nhật Thùy, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết học luật ra, không chỉ làm luật sư, cử nhân luật đảm nhiệm đa dạng vị trí. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong cơ quan, tổ chức nhà nước giữ các vai trò như thẩm phán, kiểm sát viên,...
Ở khối doanh nghiệp trong và ngoài nước, cử nhân luật có thể đảm nhiệm về pháp chế doanh nghiệp, chuyên viên hành chính, chuyên viên nhân sự.
Ngoài ra, các em có thể trở thành luật sư, công chứng viên, trợ lý luật sư, trợ lý công chứng viên làm việc trong văn phòng luật sư, làm việc trong công ty luật. Những em muốn học cao hơn có thể lên thạc sĩ, tiến sĩ, trở thành giảng viên trường đại học...
Một phiên tòa giả định tại trường đại học (Ảnh: Trinh Trinh).
Ngoài 2 ngành trên, TS Đỗ Xuân Biên, Trưởng khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, cũng liệt kê nhiều ngành nổi bật khác như: Quan hệ quốc tế, thương mại điện tử, digital marketing, tâm lý học, quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành,…
Nhân lực chất lượng khối ngành khoa học xã hội được doanh nghiệp sẵn sàng "trải thảm" mời về làm việc với mức đãi ngộ cao. Ông Trần Huấn, giám đốc sáng tạo, một công ty về truyền hình kết nối tại TPHCM cho rằng, ngày nay, nhóm ngành khoa học xã hội không còn lép vế như trước bởi nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khá lớn.
Mức lương dành cho khối ngành này cũng tăng lên tương ứng, sinh viên mới ra trường có năng lực tốt hoàn toàn có thể đạt mức lương 20 triệu đồng/tháng. Chính vì thế, theo ông Huấn năng lực riêng của từng cá nhân mới là nhân tố quyết định mức thu nhập, có những sếp trưởng phòng quan hệ công chúng, truyền thông của doanh nghiệp có mức lương đến hàng trăm triệu đồng/tháng.
Còn theo ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc một agency tại TPHCM tiết lộ, mức lương dành cho sinh viên mới ra trường mảng truyền thông dao động ở mức 10 triệu đồng, có thể tăng sau 2-3 năm kinh nghiệm. Vị trí trưởng phòng quan hệ công chúng, truyền thông của doanh nghiệp có mức lương từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/tháng.
Cử nhân luật làm việc tại văn phòng công chứng, chuyên viên pháp lý… thu nhập khởi điểm từ 8-10 triệu đồng. Nếu giỏi ngoại ngữ, làm pháp chế tại các tập đoàn đa quốc gia, công ty nước ngoài, thu nhập hơn gấp nhiều lần.
Chọn ngành phù hợp với đam mê, năng lực
Tạ Hương Trà, sinh viên năm nhất ngành quan hệ công chúng, Trường Đại học Gia Định, cho hay bản thân có thế mạnh khối khoa học xã hội nhưng lo ngại khó xin việc, lương thấp nên nữ sinh đã chọn học công nghệ thông tin theo định hướng gia đình.
Trải qua 2 năm, Trà mới nhận ra mình chọn sai ngành nên quyết định dừng lại.
"Em thuộc túyp người năng động, hướng ngoại, thích giao tiếp, nên không thể chịu nổi việc ngồi máy tính suốt ngày, chỉ code và code… Chuyển sang học truyền thông, em trở về là chính mình. Em cũng đã tìm được công việc bán thời gian ở một công ty chuyên tổ chức sự kiện", Trà chia sẻ.
Trường đại học tổ chức tư vấn tuyển sinh cho học sinh lớp 12 (Ảnh: Huyên Nguyễn).
TS Mai Đức Toàn, chuyên gia tuyển sinh, hướng nghiệp nhận định: "Mỗi ngành nghề đều có vị trí, vai trò riêng trong xã hội. Không có ngành "hot", chỉ có… người "hot".
Đó là những nhân sự chất lượng, hội tụ đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết, đáp ứng nhu cầu công việc, luôn sẵn sàng đón nhận thử thách, liên tục học hỏi. Những người như vậy, dù ở đâu, lĩnh vực nào cũng không lo thất nghiệp. Bởi tổ chức, doanh nghiệp nào cũng săn đón".
Cũng theo TS Mai Đức Toàn, chỉ khi học ngành mình yêu thích, phù hợp năng lực bản thân, sinh viên mới phát triển toàn diện, có động lực gắn bó lâu dài và sớm xây dựng lộ trình thăng tiến trong nghề nghiệp.
Theo dantri.com.vn