Thông tin nhiều cử nhân tốt nghiệp ngành khoa học máy tính ở nước ngoài khó xin việc làm đang khiến dư luận đặt câu hỏi tại Việt Nam còn là ngành "hot" hay không, ra trường có dễ kiếm việc.
Khoa học máy tính là ngành học được quan tâm trong những năm gần đây khi điểm chuẩn tuyển sinh luôn dẫn đầu vào nhiều cơ sở giáo dục lớn như: Đại học Bách khoa Hà Nội (29,42/30 điểm); Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM (28,05/30 điểm); Trường Đại học Công nghệ Hà Nội (27,25/30 điểm); Trường Đại học Công nghệ thông tin TPHCM (27,1/30 điểm); Trường Đại học Bách khoa TPHCM (79,84/100 điểm)...
Điểm chuẩn cao bởi ngành học được coi là "chìa khóa" để bứt phá trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, Chuyển đổi số, Đô thị thông minh bền vững trên thế giới và ở Việt Nam, luôn nằm trong top không lo thất nghiệp.
Khoa học máy tính nằm trong top ngành có điểm chuẩn tuyển sinh cao nhất hiện nay (Ảnh: Tuấn Vinh).
Tuy nhiên, từ cuối năm 2023, tại nhiều quốc gia trên thế giới xuất hiện thông tin cử nhân khoa học máy tính "thất sủng". Nguyên nhân bởi nhu cầu tuyển dụng giảm trong khi số sinh viên theo ngành này đông hơn, khiến khả năng tìm việc chính thức hoặc thực tập ngày càng khó.
Về cơ hội việc làm của ngành học này tại Việt Nam, TS Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật Máy tính, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng về gốc rễ, các ngành về công nghệ thông tin, khoa học máy tính, phân tích dữ liệu... vẫn còn "hot" tại Việt Nam.
Với kinh nghiệm hàng chục năm làm công tác đào tạo, ông nhận định nhiều kỹ sư học nhóm ngành này tại Việt Nam có tư duy rất tốt, ở mức khá giỏi trên toàn thế giới nên các tập đoàn lớn vẫn tìm kiếm nhân tài người Việt để mời tham gia làm việc hoặc chia sẻ làm thêm (outsource).
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận trong khoảng thời gian 1-2 năm qua do những ảnh hưởng chung của việc tái cấu trúc lại các tập đoàn công nghệ lớn nên ảnh hưởng đến thị trường lao động. Song, nhìn chung, các công ty liên quan tới lĩnh vực công nghệ thông tin, lập trình, xử lý dữ liệu và giải thuật vẫn phát triển tốt.
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) trong một buổi học về triển khai dự án IT với SCRUM (Ảnh: Trương Dũng).
TS Minh Sơn dự báo, sau khi tái cấu trúc các tập đoàn lớn trong vòng 2 năm, bắt đầu từ 2025 lĩnh vực liên quan tới công nghệ thông tin, khoa học máy tính... sẽ phát triển trở lại.
Dù vậy, theo vị trưởng khoa, công việc trong lĩnh vực này sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi công nghệ. Trong khi, Việt Nam chủ yếu lại sử dụng công nghệ nhiều hơn nên chúng ta sẽ vất vả để chạy theo các nước thay đổi công nghệ.
"Vì thế, ở tầm vĩ mô, phải xây dựng được hệ sinh thái, phát triển được nguồn lực công nghệ. Trong đó, cần chú ý đến công nghệ phần cứng và hình thành ra được các công nghệ phần mềm riêng để không bị dẫn dắt nhiều bởi các nước lớn và nền công nghệ lớn", TS Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật Máy tính, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, nói.
Với sinh viên, để có cơ hội việc làm tốt, ông Sơn cho rằng cần chú ý tới năng lực, nhanh nhạy và học tập liên tục. Công nghệ thay đổi từng ngày từng giờ, đối với ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính từ 3-5 năm phải học tập để thay đổi.
Đồng quan điểm, ThS Lê Anh Tiến, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Chatbot Việt Nam, thừa nhận tại một số quốc gia, ngành học này đang bị "thất sủng". Ông cũng cảnh báo trong bối cảnh đất nước đang trong xu hướng 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) lên ngôi, do đó, người học cũng cần tính toán bối cảnh 4-5 năm sau khi ra trường.
"Việc đổ xô đi học khoa học máy tính nhưng sau 5 năm nữa, bước tiến của AI sẽ như thế nào, liệu rằng có bão hòa nguồn nhân lực, nhu cầu xin việc nhiều nhưng nhu cầu cần người ít. Điều này cần được dự báo từ sớm", ông Tiến bày tỏ.
Vị giám đốc nhấn mạnh ngành khoa học máy tính "hot", việc làm tốt, lương cao cũng đồng nghĩa với yêu cầu về chất lượng, năng lực nhân sự, không phải ai vào học cũng có thể làm được việc.
Chia sẻ về giải pháp việc làm, TS Lê Đình Phong, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Hoa Sen, khuyên sinh viên cần tích lũy kiến thức, phát triển tư duy liên ngành.
Ông cho rằng công nghệ thông tin đang là lĩnh vực quan trọng, gắn liền với mọi mặt trong đời sống vì thế nếu ai có tư duy tốt, biết nắm bắt cơ hội sẽ không lo thất nghiệp.
"Khi robot ra đời, nhiều người nói sẽ thay thế một số công việc hiện nay, tuy nhiên, robot không thể thay thế hoàn toàn con người. Ngày nay, quan trọng nhất của các bạn khoa học máy tính cần xác định mình nên đi vào lĩnh vực nào cụ thể, có bạn đi theo kỹ thuật phần mềm, có bạn sẽ đi theo hướng ứng dụng vào liên ngành", ông Phong nói.
Ông Phong gợi ý rằng, ứng dụng liên ngành là hướng đi quan trọng; đồng thời, giải quyết những lo lắng về bão hòa nhân lực công nghệ thông tin.
"Công nghệ thông tin giống như nền tảng để các ngành khác phát triển. Các bạn phải biết hướng mình vào lĩnh vực nào để phát huy năng lực của mình cũng như hỗ trợ cho lĩnh vực đó đi lên", TS Lê Đình Phong, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Hoa Sen nói.
Theo dantri.com.vn