Nhằm hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên, những năm qua, công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học được chú trọng, đẩy mạnh. Các mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý được tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng cơ sở giáo dục.
Tư vấn tâm lý cho học sinh tại Trường tiểu học Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh VŨ NGA) |
Theo PGS, TS Phạm Mạnh Hà, Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), thời gian gần đây, các hành vi, cảm xúc, khó khăn tâm lý liên quan học sinh, định hướng nghề nghiệp, bạo lực, bắt nạt ngày càng trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến học tập, chất lượng cuộc sống của học sinh. Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu về sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên cho thấy một tỷ lệ đáng kể cần được quan tâm, hỗ trợ và can thiệp.
Giám đốc điều hành tổ chức Good Neighbors International tại Việt Nam Đào Thiên Lý chia sẻ: Tại Việt Nam, theo khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc năm 2018, có 29% số người được khảo sát (từ 11 đến 24 tuổi) đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần và chưa đến 20% trong số họ đang nhận được sự hỗ trợ và điều trị phù hợp.
Từ đó nhận thấy, việc thành lập mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong nhà trường có vai trò rất quan trọng phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp các trường hợp học sinh gặp phải các vấn đề ảnh hưởng học tập và cuộc sống. Mặt khác, các em tiếp cận được các cơ hội học tập, hướng nghiệp phù hợp và phát triển bản thân, giảm tỷ lệ học sinh bị stress, hình thành thái độ sống tích cực, thiết lập mối quan hệ chan hòa với những người chung quanh.
Tư vấn tâm lý đã được trường học coi trọng hơn. Nhiều trường ngoài công lập đã dành nguồn kinh phí lớn để tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cũng như cung cấp dịch vụ công tác xã hội, đồng thời bố trí chuyên gia làm nhiệm vụ này. Tại các trường công lập, hoạt động này chưa được duy trì thường xuyên và hiệu quả chưa được như mong muốn.
Bên cạnh đó, nhận thức về tầm quan trọng của công tác xã hội trong trường học của đội ngũ các bộ quản lý, giáo viên ở một số đơn vị trường học chưa cao; giáo viên phụ trách công tác xã hội trường học hiện tại phần lớn là những giáo viên thiếu tiết được phân công kiêm nhiệm, không có chuyên môn sâu về công tác xã hội và công tác tư vấn tâm lý.
TS Đặng Thị Huyền Oanh, Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Một số trường học đã có phòng tư vấn tâm lý hoặc phòng công tác xã hội nhưng chưa thật sự phát huy được vai trò. Học sinh còn e ngại khi tìm kiếm sự giúp đỡ; phần lớn giáo viên không có chuyên môn về công tác xã hội nên không thể đánh giá, ghi nhận hết tất cả vấn đề học sinh gặp phải để có định hướng hỗ trợ phù hợp... Sự phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh ở những trường vùng sâu, vùng xa nhằm phát hiện nguy cơ học sinh rơi vào hoàn cảnh đặc biệt để can thiệp, trợ giúp vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, xây dựng và triển khai mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội trường học nhằm hỗ trợ cho những học sinh, phụ huynh có tính ứng dụng cao, được nhân rộng là điều cần thiết và cấp bách.
Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Văn Đạt cho biết: Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo thực hiện nhiệm vụ về công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường; phối hợp các bộ, ban, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai hội thảo, tập huấn, khảo sát, biên soạn tài liệu hướng dẫn, xây dựng các ấn phẩm truyền thông cho công tác này.
Cũng theo ông Đạt, trình độ chuyên môn và kỹ năng của giáo viên, cán bộ cốt cán thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường có vai trò quyết định và cần phải được nâng cao. Vì vậy, các cán bộ, giáo viên cần thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, áp dụng phù hợp, hiệu quả những nội dung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập huấn, triển khai.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tu-van-tam-ly-cho-hoc-sinh-sinh-vien-post806009.html