Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

Thứ 3, 14.05.2024 | 09:28:50
603 lượt xem

Những năm qua, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã chủ động đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho trẻ.

Học sinh Trường Mầm non 8/3, thành phố Lạng Sơn tham gia trò chơi dân gian tại Bảo tàng tỉnh

Giáo dục mầm non là bậc học nền tảng đầu tiên, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non có tác động rất lớn đến chất lượng giáo dục ở những cấp học tiếp theo. Những năm qua, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đổi mới, đa dạng phương pháp dạy học, chuẩn hoá trường, lớp.

Đa dạng hình thức giảng dạy

Nhiều năm qua, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới và đa dạng các phương pháp giáo dục như: phương pháp giáo dục sớm tại nhà; phát triển năng lực đặc biệt của trẻ; giáo dục tích hợp; ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy… áp dụng vào chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm".

Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn là trường đạt chuẩn quốc gia, có cơ sở vật chất khang trang, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát. Có dịp được tham gia một tiết học của học sinh lớp 5 tuổi của nhà trường, chúng tôi nhận thấy cô giáo đã kết hợp nhiều phương pháp trong tiết học như: kết hợp tranh, ảnh, hiện vật, đồ chơi… để trẻ dễ dàng quan sát cũng như thực hành theo. Qua đó, trẻ được làm quen với kiến thức về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học… đồng thời được phát huy tối đa khả năng tư duy, sáng tạo của mình.

 Cô Nguyễn Thuỳ Linh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, nhà trường đã linh hoạt trong phương pháp giảng dạy, tổ chức hoạt động cho trẻ học mà chơi, chơi mà học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục. Song song với đó, chúng tôi cử giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Bên cạnh việc thực hiện chương trình giáo dục, các trường mầm non còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế với nhiều chủ đề khác nhau như: tham quan doanh trại quân đội, bé tập làm chiến sĩ, tổ chức ngày hội sách, phiên chợ quê, tham quan bảo tàng... Nhờ vậy, trẻ được tiếp nhận các kiến thức, kỹ năng một cách thoải mái, nhẹ nhàng, vui tươi; tự do thể hiện, sáng tạo, chủ động, tự tin hơn trong giao tiếp, giao lưu với các bạn.

Chị Hoàng Thị Phương, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình có con theo học lớp 5 tuổi Trường Mầm non thị trấn cho biết: Tại trường mầm non con tôi đang theo học, mỗi tháng ít nhất 1 lần các cô sẽ cho các con tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế, từ những việc đơn giản như phân biệt các loại rau, làm bánh trôi, bánh trung thu... Việc tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế giúp con tôi hứng thú và thích đến trường học, con mạnh dạn thể hiện tình cảm của mình, biết cảm thông chia sẻ với người khác hơn, đặc biệt, con đã biết thể hiện cảm xúc phù hợp với mọi người xung quanh.

Tạo môi trường giáo dục thân thiện

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, những năm qua, các cấp, ngành còn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, đồ chơi, thiết bị dạy học cho toàn cấp học mầm non, đáp ứng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Cùng đó, các trường đã thiết kế môi trường giáo dục thân thiện, đảm bảo an toàn về thể chất và tâm lý cho trẻ, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Đến nay, 100% trường đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử và triển khai đến toàn thể cán bộ, giáo viên; tập trung xây dựng trường mầm non xanh, an toàn, thân thiện, lấy trẻ làm trung tâm… giúp trẻ có cơ hội được trải nghiệm, khám phá; thường xuyên phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để tạo sự đồng thuận trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.

Bà Nguyễn Bích Đào, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Văn Lãng cho biết: Năm học này, toàn huyện có 18 trường mầm non với hơn 2.700 trẻ theo học.Thời gian qua, 100% trường mầm non trên địa bàn huyện đã luôn cố gắng duy trì và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là xây dựng môi trường giáo dục sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, lấy trẻ em làm trung tâm với nhiều giải pháp như: quan tâm đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, tăng cường các hoạt động cho trẻ trải nghiệm; phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho trẻ; duy trì, tăng tỷ lệ trẻ được ăn bán trú và nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú; xây dựng thực đơn cân đối, đa dạng, hợp lý theo mùa, tận dụng nguồn thực phẩm của địa phương… Đối với đồ dùng đồ chơi tại một số đơn vị vùng sâu vùng xa, các cô giáo chủ động làm đồ chơi tự tạo, thân thiệt với môi trường.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, trong 5 năm học trở lại đây, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo đảm an toàn cho trẻ đã được thực hiện tốt; công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi luôn được củng cố vững chắc, duy trì hiệu quả. Đơn cử, năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 230 trường mầm non với với gần 65.000 trẻ, số trẻ được đánh giá đạt về chất lượng giáo dục đạt 99,8%, tăng 2,3% so với năm học trước; tỷ lệ trẻ có cân nặng, chiều cao phát triển bình thường duy trì trên 98%. Hiện tại, trong tổng số 230 trường mầm non thì cả tỉnh có 93 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 40,43%).

Bà Nguyễn Ngọc, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT cho biết: Có được kết quả trên là do trong các năm học vừa qua, các trường đều chú trọng vận dụng kiến thức, kỹ năng, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào việc tổ chức hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục mầm non; rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn hóa. Huy động nguồn lực, lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án và nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ chơi, nhất là ưu tiên các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai, duy trì các hoạt động đổi mới phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, hoạt động của trẻ, giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện cả về thể chất và nhận thức…


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/doi-moi-phuong-phap-nang-cao-chat-luong-giao-duc-mam-non-5008343.html

  • Từ khóa