Bên cạnh kết quả học tập, việc một đứa trẻ có tính cách thế nào, về sau này trở thành người như thế nào, phần nhiều lại dựa vào sự giáo dục ở trong gia đình.
Cha mẹ là người thầy đầu tiên và quan trọng hàng đầu xuyên suốt chặng hành trình học làm người của con. Sự bền bỉ của trẻ, năng lực giải quyết vấn đề, tính cách, khả năng hợp tác, thích ứng... đều là những câu chuyện thuộc về giáo dục cách làm người. Câu chuyện ấy bắt đầu từ giáo dục trong gia đình.
Giáo dục trong gia đình đòi hỏi cha mẹ dạy dỗ, uốn nắn con thông qua lời nói và việc làm cụ thể của chính cha mẹ.
Những bài học không thuộc về kiến thức hàn lâm, nhưng vô cùng quan trọng trong quá trình học làm người. Đó là bài học về lòng biết ơn, về sự tôn trọng người khác, những quy tắc ứng xử cơ bản trong cuộc sống hàng ngày...
Những bài học này rất quan trọng bởi sẽ giúp trẻ trở thành con người có tính cách tốt, có văn hóa ứng xử, để sau này hòa nhập tốt khi đi làm, khi bước ra cuộc đời rộng lớn.
Bên cạnh kết quả học tập, việc một đứa trẻ có tính cách thế nào, về sau này trở thành người như thế nào, phần nhiều lại dựa vào sự giáo dục ở trong gia đình.
Vì nhiều lý do, cha mẹ đôi khi còn chưa nhìn nhận đúng đắn và xứng tầm về vai trò của giáo dục trong gia đình. Cuộc sống áp lực và bận rộn khiến nhiều bậc phụ huynh rơi vào trạng thái mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần. Khi trở về nhà với con sau một ngày làm việc, cha mẹ có thể cũng đã cạn năng lượng, họ không thể quan tâm thấu đáo tới con cái.
Trong thời đại hiện nay, cha mẹ cũng cần học hỏi, rèn luyện không ngừng để có thể cập nhật thời cuộc, giáo dục con cái, giữa những biến động đổi thay trong đời sống xã hội. Về cơ bản, giáo dục trong gia đình đòi hỏi ở cha mẹ 6 yếu tố cơ bản:
Cha mẹ là người thầy đầu tiên và quan trọng hàng đầu của con cái (Ảnh minh họa: Adobe Stock).
Cha mẹ đồng hành cùng con
Trong quá trình đồng hành của cha mẹ và con, điều con cái cần nhất từ cha mẹ là tình yêu thương và sự dạy bảo, uốn nắn đúng cách. Cha mẹ cần giúp con sớm gây dựng những thói quen lành mạnh, có tính cách, lối ứng xử tốt.
Điều ảnh hưởng mạnh nhất tới việc học của con ở trường chính là chất lượng đời sống trong gia đình. Nếu có vấn đề xảy ra trong gia đình, con trẻ nhiều khả năng sẽ gặp những vấn đề trong việc học tập, sinh hoạt tại nhà trường.
Cha mẹ của những học sinh có thành tích học tập tốt thường là những bậc phụ huynh biết cách lên kế hoạch cho công việc và cuộc sống một cách hiệu quả. Cha mẹ càng chỉn chu, có trách nhiệm, ứng xử tốt, con cái càng có khả năng trở thành học sinh ưu tú, toàn diện, được thầy yêu bạn mến ở trường học.
Tri thức hàn lâm và văn hóa ứng xử là hai khái niệm khác biệt. Cách cha mẹ ứng xử với người thân trong gia đình và người xung quanh là những bài học trực quan đầu tiên cho con về cách sống, cách hành xử.
Trẻ nhỏ rất cần có người đồng hành trong quá trình trưởng thành. Bên cạnh người thân trong gia đình, trẻ cần có bạn bè cùng trang lứa đồng hành trên chặng đường phát triển. Hãy quan sát cách con kết bạn, các bạn bè mà con gắn bó, cách con duy trì tình bạn thân thiết... Con cần học cách hòa hợp với bạn bè xung quanh, biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt.
Cha mẹ làm gương cho con
Con cái luôn quan sát cách hành xử của cha mẹ và học hỏi từ đó. Hành động đúng đắn có tính chất làm gương quan trọng hơn những lời dạy bảo sáo rỗng. Chính qua cách hành xử của cha mẹ, con cái có những khái niệm đầu tiên về nhân cách, về những giá trị cần được đề cao.
Cha mẹ là những hình mẫu đầu tiên của con, giúp con hình thành nên hệ giá trị tốt đẹp mà con đề cao. Đó là khía cạnh quan trọng của giáo dục trong gia đình. Chẳng hạn, muốn con cái ham đọc sách, ham tìm hiểu tri thức, vậy cha mẹ có phải người ham đọc sách, ham học hỏi không?
Nếu cha mẹ muốn con học cách sử dụng điện thoại chừng mực, không "nghiện" điện thoại, vậy cha mẹ có biết đặt điện thoại xuống khi ở bên gia đình, con cái không? Cha mẹ muốn con có tính cách ôn hòa, từ tốn, nhẫn nại, vậy cha mẹ có dễ dàng nổi nóng, mất kiểm soát không?
Việc một đứa trẻ có tính cách thế nào, về sau trở thành người như thế nào, phần nhiều dựa vào sự giáo dục ở trong gia đình (Ảnh minh họa: Adobe Stock).
Cha mẹ thấu hiểu con cái
Qua thời gian, con cái sẽ có những sự thay đổi, cha mẹ cần chủ động tìm hiểu để hỗ trợ con. Một sứ mệnh quan trọng của cha mẹ là nhìn ra thiên hướng của con từ sớm. Nhiệm vụ này không dễ dàng, đòi hỏi sự cẩn trọng và tinh tế trong quan sát.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tạo điều kiện phù hợp để con trải nghiệm và nhận ra thiên hướng của bản thân. Sự phát hiện chính xác về thiên hướng chỉ có được thông qua các trải nghiệm thực tế, để con nhận ra mình thích gì, có năng lực thực sự ở lĩnh vực gì.
Việc tìm ra thiên hướng, thế mạnh của con là cả một quá trình. Trong quá trình ấy, thiên hướng, cảm hứng của con cũng có thể thay đổi. Điều này đòi hỏi cha mẹ và con cái cùng liên tục trải nghiệm, để con tìm hiểu, khám phá về chính mình. Đó cũng là hành trình của sự phát triển và trưởng thành.
Cha mẹ tôn trọng con cái
Nhà giáo dục nổi tiếng người Italy Maria Montessori (1870-1952) cho rằng cha mẹ không nên định hình áp đặt lên sự phát triển của con cái: "Sự hỗ trợ tuyệt vời nhất mà cha mẹ có thể đem lại cho con chính là để con tự do theo đuổi điều mình muốn làm theo cách của con, bởi con tự hiểu về bản thân mình hơn cha mẹ".
Cha mẹ hãy tôn trọng thiên hướng riêng của con, bởi có thể thiên hướng của con không giống như những kỳ vọng của cha mẹ.
Đương nhiên, tôn trọng con không có nghĩa là cha mẹ phải nghe theo mọi ý kiến của con, nhưng trong quá trình cùng con tìm ra thiên hướng, thế mạnh, cha mẹ nên cẩn trọng lắng nghe con, đón nhận những ý kiến đúng đắn, kiên nhẫn phân tích để giúp con nhận ra những quan niệm còn chưa đúng đắn.
Việc tổ chức những cuộc họp gia đình một cách thường xuyên chính là cách để đảm bảo trẻ có quyền tham gia đóng góp ý kiến trong đời sống gia đình. Bằng cách này, con cái có thể cùng cha mẹ giải quyết nhiều vấn đề trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đây chính là sự tôn trọng chân thành nhất mà cha mẹ có thể dành cho con.
Giáo dục trong gia đình là nền tảng cho sự phát triển xuyên suốt trong cuộc đời một con người (Ảnh minh họa: Adobe Stock).
Cha mẹ động viên, cổ vũ con
Sự động viên, cổ vũ này có ý nghĩa nhất vào những thời điểm khi con phạm lỗi hoặc gặp vấn đề khó khăn, trục trặc trong học tập, sinh hoạt. Lúc này, cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề từ phía cha mẹ có thể giúp con trở nên lạc quan, tự tin hơn, vượt qua tình huống khó, cải thiện chính mình.
Cách nhìn nhận quá tiêu cực, khắt khe, thiếu cảm thông, độ lượng của cha mẹ có thể khiến con bi quan, chán nản. Sự động viên, cổ vũ của cha mẹ có ý nghĩa nhất vào thời điểm trẻ đi qua vấp váp, khó khăn, thử thách.
Cha mẹ "trưởng thành" cùng con
Trong thời đại hiện nay, thế giới xung quanh chúng ta không ngừng thay đổi, việc nuôi dạy con cái cũng trở nên khó khăn hơn. Để cha mẹ có thể đồng hành bên con một cách hiệu quả, chính cha mẹ cũng cần không ngừng học tập và phát triển bản thân, để nắm bắt kịp thời những đổi thay của thời đại.
Cha mẹ có thể coi con cái như tâm điểm trong cuộc sống của mình, nhưng sau cùng, con cái vẫn cần học cách sống độc lập. Nếu cha mẹ luôn xoay quanh con, khiến con mất đi khả năng tự lập, đó là một sự tai hại gây nên bởi yêu thương không đúng cách.
Cha mẹ cần dành sự quan tâm đúng mức cho con cái, nhưng đừng từ bỏ hoàn toàn những thú vui riêng của bản thân. Việc mỗi cá nhân trong gia đình đều có thú vui riêng lành mạnh để theo đuổi là một nét đẹp trong cuộc sống, giúp nâng đỡ tinh thần mỗi người và sẽ có ích về lâu dài cho sự trưởng thành và cuộc sống sau này của trẻ.
Theo dantri.com.vn