Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ngành tế Lạng Sơn đã từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng hệ thống y tế hoàn chỉnh, vững chắc, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.
Vượt khó đi lên
Trước Cách mạng Tháng Tám, toàn tỉnh chỉ có 1 bác sĩ quân y người Pháp, 2 y sĩ, 5 y tá và 2 nữ hộ sinh, với 1 bệnh viện, 1 bệnh xá và 2 nhà hộ sinh đặt tại thị xã Lạng Sơn và thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định với tổng số khoảng 30 giường bệnh. Hệ thống y tế này chủ yếu phục vụ chữa trị cho quân đội Pháp và những người trong bộ máy cai trị. Việc chữa bệnh cho người dân chủ yếu trong dân gian, do những ông lang bà mế, thầy cúng, thầy mo (kiêm chữa bệnh) với những bài thuốc gia truyền chữa trị. Vì thế, các bệnh như: đậu mùa, bại liệt, sốt rét… tự do hoành hành. Tình trạng “hữu sinh vô dưỡng” (có đẻ mà không có nuôi) cũng khá trầm trọng, nhất là ở vùng cao, vùng hẻo lánh làm cho tỷ lệ tử vong của trẻ em thời kỳ 1930 – 1945 chiếm từ 34 đến 46%.
Cán bộ y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh can thiệp mạch cho bệnh nhân bằng máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA hiện đại
Sau Cách mạng Tháng Tám, ngành y tế đã dần phát triển từ không đến có. Từ năm 1946 đến năm 1954, Lạng Sơn đã đào tạo được 255 y tá, nữ hộ sinh, vệ sinh viên, vận động thành lập được 6 phòng y tế huyện và 195 ban phòng bệnh ở thôn, xã, chiếm 90% số xã trong tỉnh.
Vượt qua những khó khăn do chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ những năm 1965 – 1972 và Chiến tranh Biên giới 1979, y tế Lạng Sơn đã phát triển không ngừng và có sự phát triển vượt bậc, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao; tạo đà để bước vào công cuộc đổi mới.
Hướng tới mục tiêu “Công bằng – Hiệu quả- Phát triển”
Trong tình hình mới như hiện nay, toàn ngành y tế đã có bước phát triển mới về chất, bám sát phương hướng xây dựng một nền y tế đủ mạnh để ngăn chặn dịch bệnh và điều trị hiệu quả; phát triển đồng đều và nâng cao năng lực của cả 3 tuyến y tế (tỉnh, huyện, xã). Hiện nay, ngành đã có trên 4.200 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm trên 28%, cao đẳng 5,2%, trung học chuyên nghiệp 62,5%. Cơ sở vật chất và nhân lực cho các bệnh viện được tỉnh quan tâm. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được xây mới với quy mô 700 giường và đã được đầu tư mua sắm trang thiết bị, đào tạo nhân lực cho các chuyên khoa sâu như: can thiệp tim mạch và thực hiện một số kỹ thuật vượt tuyến, mang lại lợi ích lớn cho người dân; các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh được nâng cấp; các bệnh viện tuyến huyện được củng cố, mở rộng, đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực, hoàn thiện hệ thống y tế điều trị…
Ngoài ra, ngành y tế cũng quan tâm đầu tư, củng cố, kiện toàn hệ thống y tế dự phòng. Qua đó, hệ thống cơ quan y tế dự phòng đã phát huy tốt hiệu quả hoạt động. Qua các đợt phòng, chống dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay đã minh chứng cho công tác y tế dự phòng Lạng Sơn lớn mạnh cả về chuyên môn lẫn phương thức tổ chức phòng, chống dịch đảm bảo ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh.
Bằng những giải pháp chiến lược mang tính căn cơ lâu dài và sự nỗ lực cao của toàn ngành, cuối năm 2020 toàn tỉnh phấn đấu có thêm 26 xã đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn giai đoạn 2011 – 2020 lên 118 xã, đạt tỷ lệ 65,2%; tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng tỷ lệ bác sĩ lên 10,5 bác sĩ/1 vạn dân; đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, nhất là đối với y tế cơ sở, phấn đấu đạt 29,5 giường bệnh/1 vạn dân và nâng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98%.
75 năm hình thành và hoạt động, ngành y tế Lạng Sơn đã phát triển vượt bậc, trở thành chỗ dựa vững chắc để bảo vệ sức khỏe Nhân dân. |
MINH HỒNG/baolangson
http://baolangson.vn/xa-hoi/suc-khoe/309019-y-te-lang-son-75-nam-vi-su-an-toan-cua-cong-dong.html