Chạy lụt trong bệnh viện

Thứ 6, 23.10.2020 | 14:27:08
582 lượt xem

Sáu nam bác sĩ trụ chân vững, bấu chặt tay vào thành chiếc máy X-quang. Họ vận hết sức bình sinh, nhấc bổng khối máy nặng hơn một tấn.

Bác sĩ Hồ Giang Nam, 44 tuổi, Trưởng Khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên, luôn nhớ hôm cùng nhân viên y tế chuyển máy móc thiết bị chạy lụt. Lúc ấy mới rạng sáng, chủ nhật ngày 18/10, nước lũ từ hồ Kẻ Gỗ xả ra bắt đầu xâm nhập vào khuôn viên Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên. Đầu tiên, nước tràn từ cổng chính vào tầng một dãy nhà khám bệnh. Hai phút tiếp, nước dâng rất nhanh, khu nội trú sản khoa, ngoại khoa nhanh chóng ngập.

Lúc này, bác sĩ Nam vừa bước ra khỏi phòng làm việc, sau một đêm trực chuyên môn. Chưa kịp vặn mình tập mấy động tác thể dục, anh hốt hoảng nhìn con nước lớn nhanh thấy rõ, rồi nhìn bầu trời mưa vần vũ. "Thôi xong", anh thốt lên. Chạy ngược vào phòng, bác sĩ vơ vội điện thoại, gọi báo cáo tình hình cho lãnh đạo bệnh viện. Dập máy, anh lao về dãy nhà sát lưng khu vực cấp cứu, nơi hàng trăm bệnh nhân và người nhà còn đang say ngủ.

Đẩy cửa phòng trực ban, anh nói với nhóm điều dưỡng: "Bình tĩnh, bệnh viện ngập rồi. Vào gọi bệnh nhân dậy, bỏ đồ lại, đưa tất cả lên tầng hai". Thế là cuộc chạy lũ "mệt nhất trong đời" các nhân viên y tế ở Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên bắt đầu, bác sĩ Nam kể.

Cổng chính Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

Cổng chính Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên trong biển nước, hôm 18/10. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

Một nhóm điều dưỡng túa vào các phòng bệnh, hướng dẫn người nhà sơ tán bệnh nhân lên tầng hai. Trong số bệnh nhân nội trú có 20 người bị gãy tay, chân hoặc chấn thương đầu, ngực, 24 sản phụ mới sinh và thai phụ đang đau đẻ khiến việc di chuyển trở nên khó khăn. Vậy là bệnh nhân nhẹ, có thể tự đi được thì dìu nhau leo cầu thang bộ. Bệnh nhân nặng nằm cáng hoặc ngồi xe lăn, nhân viên y tế và người nhà đẩy lên tầng qua lối đi chuyên biệt của phòng mổ. Trong vòng 15 phút, khoảng 100 bệnh nhân và người nhà đã được sơ tán đến nơi an toàn.

"Mọi người nối sát nhau đi như đàn kiến chạy mưa rào. Bà bầu đau đớn, ì ạch từng bước mà không ai nỡ giục", bác sĩ Nam nói.

Song song, ê kíp trực gồm bác sĩ Võ Tá Trung, phó giám đốc bệnh viện, các bác sĩ Hoàng Bá Sơn, Phạm Văn Tiến cùng bác sĩ Nam, kỹ thuật viên Dương Đình Trung và bác Việt bảo vệ, đã tập hợp thành một nhóm, bàn phương án chạy thiết bị. Nước mấp mé sàn tầng một, họ quyết định cúp điện chủ động nhằm đảm bảo an toàn trước. Sau đó ưu tiên di chuyển các loại máy móc đắt tiền nhất, máy X-quang, hai máy siêu âm, hệ thống máy chủ Internet, máy sấy - hấp dụng cụ mổ, đồ vải... đến thuốc thang, máy tính, hồ sơ giấy tờ... Tất cả được đưa lên tầng cao.

Trang thiết bị được kê lên cao nhất có thể để tránh ngâm nước. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

Trang thiết bị được kê lên cao nhất có thể để tránh ngâm nước. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

Hai máy siêu âm được khiêng lên tầng hai không mấy khó khăn, nhưng khi đụng đến máy X-quang thì cả nhóm chững lại. Máy nặng hơn một tấn, hồi mới lắp đặt phải dùng cần cẩu để di chuyển máy, giờ họ chỉ có 6 người. "Chừ mần răng?" - câu hỏi chưa kịp có đáp án thì dòng nước lũ đã tràn vào làm ướt chân. Bác sĩ Trung quyết định ghép các bàn làm việc lại thành đế, bằng mọi cách kê máy lên cao nhất có thể.

Sáu người đàn ông trụ chân vững, chụm vai, tay bấu chặt vào thành chiếc máy X-quang, hít một hơi căng lồng ngực chờ nhịp đếm.

"Một hai ba lên. Hai ba lên. Hai ba nhấc".

Họ vận hết sức bình sinh, nâng bổng khối máy, đặt vừa vặn lên bàn, cách mặt đất chừng một m. Cứ như thế, họ nhanh chóng di chuyển sang các phòng còn lại, xử lý nốt các loại máy khác. Vừa tạm ổn thì nước đã ngang đùi. Không kịp lau mồ hôi, họ mở bung từng cánh cửa, ôm tất cả những gì có thể, truyền tay nhau xếp tạm lên cầu thang, hoặc kê lên nóc tủ. Nhóm điều dưỡng sắp xếp chỗ trú cho bệnh nhân xong cũng lập tức có mặt hỗ trợ đồng nghiệp.

Nhớ ra dãy phòng khám phía trước còn 10 chiếc máy vi tính chưa cất, hai bác sĩ Nam và Sơn liều mình, tìm đường sang, tiếp cận chúng trước khi nước mon men tới. Bước qua bậc tam cấp cuối cùng xuống sân bệnh viện, nước lút ngực bác sĩ. Họ dìu nhau, bấm chặt 10 đầu ngón chân xuống đất, dò từng bước giữa dòng nước xiết. Mưa vẫn nặng hạt và gió rít ràn rạt.

Mất hơn 15 phút, hai anh đến được bờ bên kia, ướt như chuột lột. Lại hối hả rút phích điện, vừa ôm máy, vừa chạy. Bác sĩ vừa bê được chiếc máy cuối cùng lên bậc thang, sóng nước liền đánh nghiêng ngả chiếc bàn kê máy ra cửa phòng.

12 giờ trưa, đổi lại sự kiệt sức, ướt sũng và đói khát của toàn bộ đội ngũ y tế, hầu hết vật dụng đã ở nơi an toàn. Đáng tiếc là phòng kê máy X-quang, hệ thống máy chủ Internet, máy sấy - hấp, sau đó nước dâng lên cao quá 1,5 m, đánh sập các bàn đang kê máy, nhấn chìm 1/3 thiết bị, hư hại nặng.

Cuộc đua với thiên tai chưa dừng lại thì các bác sĩ bước vào cuộc chiến với tử thần. 7 thai phụ sinh khó, buộc phải mổ cấp cứu. Bệnh viện mất nước, mất điện, không thể siêu âm, các bác sĩ phải "mổ chay" trong tiếng máy phát điện kêu xình xịch. Thiếu ánh sáng, một phẫu thuật viên đứng ở vòng ngoài, dùng đèn pin soi thẳng vào phẫu trường, giúp bác sĩ nhìn rõ, thao tác chính xác.

Các bác sĩ thực hiện một ca mổ đẻ trong điều kiện không có nước, điện chạy bằng máy phát, chiếu sáng bằng đèn pin. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

Các bác sĩ thực hiện một ca mổ đẻ trong điều kiện không có nước, điện chạy bằng máy phát, chiếu sáng bằng đèn pin. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

"Thót tim nhất là một ca sản phụ mắc tai biến nhau cài răng lược. Khi đưa được bé gái nặng 3,2 kg ra khỏi bụng mẹ thì tử cung chảy máu ồ ạt. Chúng tôi buộc cắt bỏ tử cung, cầm máu tích cực mới cứu được người mẹ", bác sĩ Nguyễn Phúc Long, phó giám đốc phụ trách chuyên môn bệnh viện cho hay.

Sau bốn ngày khoảng 300 con người bị cô lập bởi nước lũ, ngày 22/10, nước rút khỏi bệnh viện. Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh đã huy động hàng trăm cán bộ, đoàn viên từ nhiều đơn vị đến hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Họ chia nhau dọn rác, cào bùn, rửa nền, khử trùng, sắp xếp lại phòng ốc.

Các bác sĩ đánh giá do nhiều máy móc quan trọng và hệ thống chống nhiễm khuẩn, hệ thống xử lý nước thải, phần mềm, đường dây công nghệ thông tin... hư hỏng nặng, bệnh viện cần khoảng một tháng để có thể khắc phục, sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân mới.


Thư Anh/vnexpress.net

https://vnexpress.net/chay-lut-trong-benh-vien-4180882.html

  • Từ khóa