Từ 1/10 đến 24/11, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận 28 ca bệnh Whitmore (còn gọi là bệnh ăn thịt người), bệnh nhân chủ yếu ở tỉnh Quảng Nam, còn lại là ở Nghệ An, Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng.
Từ 1/10 đến 24/11, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận 28 ca bệnh Whitmore (còn gọi là bệnh ăn thịt người), bệnh nhân chủ yếu ở tỉnh Quảng Nam, còn lại là ở Nghệ An, Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng. Số ca bệnh tăng đột biến khi trong 9 tháng của năm nay chỉ ghi nhận 4 ca bệnh này.
Bệnh nhân ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đang được chăm sóc tại Bệnh viện Đà Nẵng
Bệnh Whitmore (Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong môi trường tự nhiên gây ra. Bệnh rất ít gặp, không bùng phát thành dịch, tuy nhiên bệnh cảnh thường tiến triển nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, nhất là với những người đang mắc bệnh mạn tính.
Bệnh cảnh lâm sàng của bệnh Whitmore đa dạng phức tạp như sốt với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng... dễ chẩn đoán nhầm với bệnh khác.
Bệnh Whitmore thường gặp vào mùa mưa, từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Thời gian ủ bệnh thường từ 1 đến 21 ngày. Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận mạn tính và ung thư có nguy cơ tử vong cao hơn khi nhiễm vi khuẩn này.
Mặc dù bệnh ít gặp và không lây lan trực tiếp từ người sang người, các địa phương đang tăng cường công tác phòng tránh bệnh Whitmore để hạn chế khả năng mắc bệnh, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao./.
Thành Long/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/da-nang-ghi-nhan-28-ca-benh-whitmore-trong-vong-2-thang-820049.vov