Khi phát hiện người thân bị đột quỵ, không được cho người bệnh uống thuốc, ăn hay uống nước gì, hãy gọi 115 và chờ sự giúp đỡ.
Phó giáo sư Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo 3 việc tuyệt đối không được làm đối với bệnh nhân đột quỵ não.
Không được cho người bệnh uống thuốc, kể cả aspirin. Thuốc này là chất làm loãng máu, song không được cho người bệnh uống aspirin hay bất kỳ một loại thuốc nào khác. Cục máu đông chỉ là một trong vô số nguyên nhân dẫn dến đột quỵ não. Đột quỵ não cũng có thể do một mạch máu vỡ trong não gây ra. Vì vậy, khi không biết người thân thuộc loại đột quỵ nào thì tuyệt đối không cho họ uống bất kỳ loại thuốc nào.
Không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì. Tránh đưa thức ăn hoặc nước uống cho người bị đột quỵ não. Bởi vì bệnh nhân đột quỵ não thường không tỉnh táo và có thể có rối loạn nuốt. Do đó, cho người bệnh ăn hoặc uống có thể dẫn đến tình trạng nghẹn, gây sặc dẫn đến suy hô hấp và hệ quả là viêm phổi.
Không cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện. Các triệu chứng đột quỵ não rất khó để nhận biết ngay từ đầu. Người bệnh có thể nhận ra có gì đó không ổn, nhưng không nghi ngờ đột quỵ não. Nếu bạn phán đoán người bệnh đang bị đột quỵ não thì tuyệt đối không để người bệnh tự đi xe đến viện mà hãy gọi 115 và chờ sự giúp đỡ.
Một bệnh nhân khám tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh:Đỗ Hằng.
Bác sĩ Tôn cho biết, đột quỵ não có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến viện trong giờ vàng. Thời gian vàng để dùng thuốc tiêu sợi huyết là 4-5 giờ từ khi khởi phát. Cơ hội để can thiệp lấy huyết khối chỉ trong 6-8 giờ đầu.
Tế bào não sẽ chết chỉ trong vài phút nếu không được cấp máu hoặc oxy. Đối với đột quỵ thiếu máu não, khi mạch máu lớn trong não bị tắc, cứ mỗi giây trôi qua có 32.000 tế bào não chết và cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não ra đi và mỗi giờ trôi qua, số tế bào não chết tương ứng mất đi 3,6 năm tuổi thọ của người bình thường.
"Nếu đến viện càng sớm, tỷ lệ điều trị thành công càng cao", bác sĩ Tôn nói.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 230.000 ca mắc mới đột quỵ, trong đó gần 50% số ca đột quỵ sẽ tử vong, 90% để lại di chứng do hầu hết bệnh nhân đột quỵ đều đến viện khi đã qua khung giờ vàng.
Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ đến viện trước 6 giờ trung bình khoảng 3,5%, riêng các bệnh viện lớn như Bạch Mai, tỷ lệ này 5-7%.
Các triệu chứng cần nghĩ ngay tới đột quỵ là méo miệng một bên, nói ngọng, thất ngôn, yếu liệt hoặc tê bì tay chân một bên, mất thị lực đột ngột một hoặc hai mắt...
Lê Nga/vnexpress.net
https://vnexpress.net/ba-dieu-tuyet-doi-khong-lam-khi-dot-quy-4211595.html