Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020, chiều cao trung bình của thanh niên ở nam 168,1 cm tăng 3,7 cm so năm 2009, nữ 156,2 cm tăng 2,6 cm.
Hiện, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chiều cao của thanh niên người Việt chỉ thua Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Khảo sát tầm vóc lần này được Bộ Y tế tiến hành trên thanh niên sinh vào những năm 2000, thời điểm nền kinh tế Việt Nam có những phát triển mạnh, các chương trình chăm sóc sức khỏe được thực hiện đầy đủ hơn so với giai đoạn trước. Năm 2020 là thời điểm mà những đứa trẻ này đến tuổi trưởng thành.
Ông Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, cho rằng mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên giai đoạn 1955-1995. Như vậy, tầm vóc người Việt đã có sự vươn lên đáng kể so với 10 năm trước, theo ông Sơn.
"Ở khu vực Đông Nam Á, người Việt Nam đang cao hơn so với người Indonesia, Campuchia, Lào và Đông Timor", ông Sơn nói.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, thành quả tăng trưởng tầm vóc "đáng khích lệ" này đạt được nhờ Chương trình Sức khỏe Việt Nam, bước đầu triển khai hiệu quả.
Đến nay, một số quốc gia ghi nhận chiều cao người dân tăng nhanh. Nghiên cứu của NCD Risk Factor Collaboration, trong vòng một thế kỷ từ năm 1896 đến năm 1996, chiều cao trung bình của phụ nữ Hàn Quốc tăng 20 cm, tương đương 14%, trong khi nam giới chỉ tăng 9%. Ở Philippines, trong 100 năm, chiều cao của nam giới tăng khoảng 5%, còn nữ tăng 1%.
Tại Trung Quốc, năm 1985 chiều cao trung bình của thanh niên nữ 19 tuổi là 157,4 cm, nam 167,6 cm. Tới năm 2019, các con số tương ứng lần lượt là 163,5 cm và 175,7 cm. Nam giới Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng chiều cao nhanh nhất thế giới, nữ giới xếp thứ ba.
Trẻ em gái ở Hàn Quốc, Việt Nam, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Trung Á, cùng với trẻ em trai ở trung và tây Âu có những thay đổi, phát triển cơ thể lành mạnh nhất trong 35 năm qua. Những nhóm trẻ này có sự tăng trưởng chiều cao hơn nhiều so với chỉ số khối cơ thể.
Ở quy mô toàn cầu, mức tăng trưởng chiều cao trung bình của cả nam và nữ là như nhau: khoảng 5%, song có sự khác biệt đáng kể ở mỗi quốc gia.
Chiều cao trung bình của nam đạt 168,1 cm, tăng 3,7 cm; nữ đạt 156,2 cm, tăng 2,6 cm, so với năm 2009. Ảnh: Giang Huy.
Ông Sơn nhận định thành quả này đến từ những can thiệp Việt Nam đã triển khai liên tục hơn 20 năm qua "chứ không phải là thành tích trong ngắn hạn". Tầm vóc của con người ảnh hưởng mạnh nhất là ở giai đoạn 1.000 ngày đầu đời (9 tháng mang thai và hai năm đầu đời), giai đoạn tuổi dậy thì và giai đoạn tiền học đường.
Đặc biệt, chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được triển khai từ năm 1998 do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) chủ trì, can thiệp về dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi, can thiệp bổ sung vitamin A, phòng chống thiếu máu cho phụ nữ mang thai, dinh dưỡng học đường... Từ năm 2000 đến nay, các số liệu của chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em liên tục cho thấy dinh dưỡng của trẻ nhỏ cải thiện theo hướng tích cực sau mỗi năm.
"Kết quả điều tra mới nhất cũng cho thấy tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 19,6%, được coi là mức thấp theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới", ông Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, cần tiếp tục đầu tư, triển khai các biện pháp can thiệp để duy trì liên tục đà tăng trưởng tầm vóc người Việt trong những năm tới, tránh tình trạng đầu tư ngắn hạn, bỏ quên các chương trình sức khỏe khi thành công bước đầu.
Lê Nga - Thục Linh/vnexpress.net