Kích hoạt, vận hành Y tế thông minh

Chủ nhật, 26.01.2020 | 09:42:57
538 lượt xem

Năm 2019 có thể được coi là năm có nhiều dấu ấn của ngành y tế khi y tế thông minh phát triển rộng khắp, đó là việc thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh triển khai trong các cơ sở y tế; thực hiện cơ chế một cửa...

Làm cho thủ tục hành chính phục vụ người dân của ngành y tế cũng vì thế mà được đẩy nhanh, rút ngắn thời gian và tiện lợi hơn cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, tại các cơ sở khám chữa bệnh đã đưa vào sử dụng nhiều trang thiết bị ứng dụng trí tuệ nhân tạo; robot định vị... Đồng thời, công nghệ thông tin còn được đẩy mạnh trong kết nối quản lý nhà thuốc, quản lý tiêm chủng.  Cùng với đó, mục tiêu nhân văn - bao phủ sức khỏe toàn dân để mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe từ khi còn khỏe, chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương đã được thực hiện hiệu quả trong năm 2019 nhờ Chương trình “Sức khỏe Việt Nam” được đẩy mạnh.

Người dân và bệnh viện đều hưởng lợi từ y tế thông minh

Y tế là lĩnh vực mà công nghệ 4.0 tác động rõ nét nhất trong năm qua. Cuối tháng 7/2019, Trung tâm Điều hành bệnh viện thông minh đầu tiên của cả nước đã được triển khai tại Bệnh viện K. Đây là mô hình hoàn toàn mới giúp quản trị toàn bộ hoạt động của bệnh viện và được đánh giá là phù hợp với mô hình tự chủ bệnh viện, bởi đa số các bệnh viện hiện nay đều đang triển khai các phần mềm riêng lẻ để quản trị từng hoạt động như quản lý bệnh nhân ra vào, quản lý số lượng bệnh nhân khám bệnh, phần mềm hỗ trợ trực tuyến telemedicine...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với cán bộ Trạm Y tế phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.  Ảnh: Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với cán bộ Trạm Y tế phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.  Ảnh: Đình Nam

TS.BS. Đào Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng, Bệnh viện K cho biết, Trung tâm Điều hành Bệnh viện K được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng với những giải pháp công nghệ thông tin hàng đầu. Trung tâm có nhiệm vụ thu thập, phân tích, hiển thị thông tin về mọi hoạt động của bệnh viện, kết nối đồng bộ các hệ thống trước đây thường hoạt động riêng biệt như: hệ thống quản lý thông tin bệnh viện, quản lý xét nghiệm, quản lý chẩn đoán hình ảnh... và hệ thống camera giám sát an ninh, an toàn. Các thông tin này được thu thập thông qua tối ưu hóa hệ thống thông tin chuyên biệt của bệnh viện và kết nối đồng bộ các hệ thống trước đây thường hoạt động riêng biệt như hệ thống quản lý thông tin bệnh viện HIS (Hospital Information System), hệ thống quản lý xét nghiệm LIS (Laboratory Information System), hệ thống quản lý chẩn đoán hình ảnh RIS (Radiology Information System), hệ thống lưu trữ hình ảnh PACS (Picture archiving and Communication System) và phần mềm Trung tâm pha thuốc tập trung.

Trung tâm điều hành này có thể phân tích và đưa ra dự báo, cảnh báo bệnh trong tương lai hay khuyến nghị giúp tối ưu hóa các dịch vụ của bệnh viện. Đây là một tính năng thông minh nổi bật. Việc phối hợp với nhiều chuyên gia trên thế giới để hội chẩn và theo dõi điều trị bệnh nhân cũng được thực hiện tại đây. Qua đó, giúp Bệnh viện K có nhiều thuận lợi trong quản lý và nâng cao chất lượng chuyên môn, nâng cao mức độ hài lòng của người bệnh, sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị. Ngoài ra, mục tiêu mà Trung tâm Điều hành Bệnh viện K hướng tới là sẽ giúp hoàn thiện mạng lưới ghi nhận ung thư ở Việt Nam. Qua đó, giúp cơ quan quản lý định hướng được xu hướng ung thư, xây dựng các chiến lược phòng bệnh, phát hiện sớm, cải thiện công tác khám bệnh, điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư.

Từ hệ thống camera quan sát khu vực phẫu thuật có thể thấy một kỹ thuật cao, tích hợp trí tuệ nhân tạo và cách mạng 4.0 đang được triển khai. Đó là nội soi với hệ thống robot Da Vinci XI. Bệnh viện K là đơn vị y tế đầu tiên ở Việt Nam trang bị thế hệ robot hiện đại nhất trên thế giới này. Robot này giống như cánh tay hỗ trợ bác sĩ lấy được triệt để nhất khối u mà vẫn đảm bảo bảo tồn tối đa các tổ chức tế bào lành cũng như mạch máu, thần kinh. Nhờ đó, cuộc phẫu thuật diễn ra an toàn hơn, bệnh nhân hồi phục nhanh.

Năm 2019 đánh dấu sự thay đổi về cải tiến chất lượng trong phục vụ người bệnh của  ngành y tế nhờ công nghệ thông tin. Theo PGS.TS. Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), đến nay, 100% các bệnh viện đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện ở các mức độ khác nhau, một số bệnh viện đã bước đầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy; đạt 99,5% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Tại nhiều cơ sở y tế như Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, với những tiện ích trong việc sử dụng thẻ khám chữa bệnh như đặt lịch khám, thông tin bệnh tật, lịch sử khám bệnh và thanh toán không dùng tiền mặt, dù mới triển khai hơn 1 năm, nhưng mỗi tháng có khoảng 3.000 người bệnh khi đến khám đã chủ động làm thẻ trong tổng số khoảng 8.000 người đến khám, điều trị mỗi ngày. Cùng với thẻ khám bệnh, bệnh viện đã phát triển ứng dụng đăng ký khám bệnh trên điện thoại di động. Người bệnh ở nhà đăng ký lịch và chỉ cần đến trước 15 phút để khám. Đặc biệt, với những trường hợp tái khám có thể đặt lịch trước 30 ngày.

Đến nay, có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng QR code tại bệnh viện và giúp người bệnh thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn, thậm chí có thể nhờ người thân thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ xa. Số bệnh nhân thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt chiếm 35% trên tổng số giao dịch thanh toán của bệnh viện.

Bác sĩ Bệnh viện K tiến hành ca phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân ung thư với sự hỗ trợ của hệ thống Robot Da Vinci XI.

Bác sĩ Bệnh viện K tiến hành ca phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân ung thư với sự hỗ trợ của hệ thống Robot Da Vinci XI.

Thiết lập hệ thống sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân

Ngày 12/11/2019, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5349/QĐ-BYT về phê duyệt Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử đến năm 2025. Việc xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử rất có ích cho người dân, có lợi cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn, có tính thời sự cao trong việc xây dựng y tế điện tử, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo PGS.TS. Trần Quý Tường, không phải bây giờ chúng ta mới có ý tưởng xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) cho mỗi người dân. Ý tưởng mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử đã được nung nấu từ rất lâu. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế sớm nghiên cứu, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cách đây nhiều năm. Và trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như hiện nay thì việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử là rất cần thiết, có tính thời sự cao, bảo đảm mọi người dân đều có hồ sơ sức khỏe điện tử từ khi bắt đầu cất tiếng khóc chào đời đến khi mất, càng cần phải sớm thực hiện.

Đối với người dân, hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.

Đối với thầy thuốc, hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân. Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình tốt hơn.

Đối với công tác quản lý, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp ngành y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe lớn của ngành mà việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành y tế có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.

Đối với bảo hiểm y tế, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.

Mục tiêu chung của việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử là bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm Dữ liệu Y tế Quốc gia. Khi người dân đến cơ sở y tế, người thầy thuốc ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ cần 1 click chuột máy tính sẽ hiện ra đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người đó, giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán và điều trị.

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt mang lại nhiều thuận tiện cho cả bệnh viện và người dân.

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt mang lại nhiều thuận tiện cho cả bệnh viện và người dân.

Tăng cường thể lực, tầm soát bệnh sớm: Chăm sóc sức khỏe người dân từ khi còn khỏe

Để hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương 20, 21 về bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1092 ngày 12/9/2018 mang tên Chương trình “Sức khỏe Việt Nam” bởi sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội, là mục tiêu của phát triển bền vững, đồng thời cũng là nhân tố quyết định để đạt được sự phát triển bền vững ở Việt Nam.

“Sức khỏe Việt Nam” đưa ra những chính sách và những chương trình hành động cụ thể để làm sao người Việt Nam được khỏe mạnh, bao gồm chương trình giáo dục nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng ngừa và phát hiện sớm các bệnh mà hiện nay đang là nguyên nhân chính gây tử vong, để chất lượng cuộc sống tốt hơn, đảm bảo thể chất, trí tuệ phát triển hơn và tuổi thọ của người dân Việt Nam cao hơn. Mục đích của chương trình là chăm sóc sức khỏe cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam, làm cho mỗi người Việt Nam khỏe hơn, như Bác Hồ đã nói: “Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”. Đây là một chương trình tổng thể được triển khai trên quy mô toàn quốc nhằm huy động, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức xã hội cùng xây dựng môi trường hỗ trợ, huy động sự tham gia của người dân và cộng đồng, thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Một trong những hoạt động để triển khai Chương trình “Sức khỏe Việt Nam” là tập thể dục, nâng cao thể lực, từ đó góp phần phòng chống bệnh tật, nhất là với những người làm công tác văn phòng tại các công sở. Từ đầu năm 2019, Bộ Y tế là cơ quan công sở đầu tiên ở Việt Nam tiến hành tập thể dục giữa giờ họp. Điều này được đánh giá là rất tốt trong việc nâng cao sức khỏe, phòng các bệnh không lây nhiễm liên quan đến lối sống, vận động.

Thực hiện Chương trình “Sức khỏe Việt Nam”, nhiều bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và người dân đã cùng chung tay với ngành y tế để chăm sóc sức khỏe của mình ngày một tốt hơn, thực hiện sứ mệnh nhân văn, cao cả: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Hàng loạt bộ, ngành đã thực hiện tập thể dục giữa giờ họp, hội nghị, các chương trình tầm soát, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư đã được các bệnh viện, Hội Thầy thuốc trẻ và các đơn vị đồng hành triển khai sâu rộng tại nhiều địa phương nhằm chủ động giúp người dân kiểm tra, tầm soát sức khỏe và phát hiện sớm bệnh.

Cùng với Chương trình “Sức khỏe Việt Nam”, để người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn, thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, năm qua, ngành y tế đã tiếp tục triển khai sâu rộng, nâng cao hiệu quả của y tế cơ sở. Cùng với tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở trên khắp cả nước, các trạm y tế điểm tại 8 tỉnh, thành phố do Bộ Y tế đầu tư xây dựng và nâng cấp đã được đưa vào hoạt động. Bác sĩ tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, huyện đã luân phiên về trạm y tế điểm để thăm khám sức khỏe cho người dân. Danh mục thuốc của trạm y tế được mở rộng, tài chính cho y tế cơ sở cũng được đổi mới dần dần... để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho y tế cơ sở phát huy vai trò là “người gác cổng” trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Người dân cũng vui mừng hơn khi được theo dõi sức khỏe, thăm khám bởi bác sĩ Trung ương, tỉnh ngay tại cơ sở, được quản lý theo dõi các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, COPD ngay tại trạm y tế, không phải vất vả lên tuyến trên thăm khám... Ghi nhận tại một số trạm y tế điểm cho thấy, tỷ lệ người dân đến thăm khám, theo dõi sức khỏe ban đầu đã tăng gấp đôi so với trước khi triển khai xây dựng trạm y tế điểm.

Thái Bình/suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/kich-hoat-van-hanh-y-te-thong-minh-n167851.html

  • Từ khóa