Chủ động phát hiện bệnh lao, nâng cao hiệu quả điều trị

Chủ nhật, 24.03.2024 | 08:49:43
1,026 lượt xem

Lao là bệnh lý nguy hiểm, lây lan chủ yếu qua đường hô hấp với tốc độ nhanh. Vì thế, để tránh các trường hợp nặng, phát hiện bệnh muộn lây lan cho cộng đồng, những năm qua, ngành y tế và Chương trình chống lao tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp chủ động phát hiện bệnh nhân lao, nâng cao hiệu quả điều trị, tạo nền tảng tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Người dân đến khám sàng lọc bệnh lao tại Trạm Y tế xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng

Bác sĩ Nguyễn Sơn Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết: Việc sàng lọc, phát hiện sớm bệnh nhân lao không chỉ hạn chế nguy cơ lây lan mà còn góp phần nâng cao hiệu quả điều trị. Do đó, là cơ quan thường trực của Chương trình chống lao tỉnh, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn luôn chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, phát hiện chủ động bệnh nhân lao và lựa chọn một số trung tâm y tế huyện để triển khai; ứng dụng các kỹ thuật cao để xét nghiệm và phát hiện sớm bệnh lao tại cộng đồng. Từ đó các tuyến chủ động phát hiện các bệnh nhân lao, kịp thời đưa vào quản lý điều trị.

Để công tác phát hiện chủ động được thực hiện tốt, hằng năm, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã phối hợp tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ liên quan đến chương trình chống lao cho cán bộ y tế từ tỉnh đến cơ sở. Từ năm 2023 đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức được 8 lớp tập huấn cho hơn 500 lượt cán bộ y tế các tuyến về các nội dung như: quản lý ca bệnh lao kháng thuốc, kỹ thuật xét nghiệm vi sinh cơ bản, cấp cứu ngừng tuần hoàn và xử trí phản vệ, hướng dẫn kế hoạch nhu cầu thuốc lao mua sắm tập trung thanh toán từ nguồn bảo hiểm y tế 2024 - 2025…

Y sĩ Hoàng Văn Bé, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Quang Trung, huyện Bình Gia kể: Thường xuyên được tham gia đào tạo, tập huấn, tôi được cập nhật những kiến thức mới phục vụ công tác truyền thông. Hằng tháng, chúng tôi tiến hành tuyên truyền lồng ghép khoảng 10 cuộc cho trên 700 lượt người nghe tại các buổi họp thôn để tư vấn sàng lọc lao cho người dân đến khám, chữa bệnh tại trạm, đồng thời chủ động nắm bắt những trường hợp có nguy cơ cao để vận động sàng lọc lao; phối hợp với y tế tuyến tỉnh lập hồ sơ quản lý, tư vấn điều trị kịp thời cho người mắc lao tránh lây lan ra cộng đồng. Nhờ đó, tỷ lệ người mắc lao khỏi bệnh trên địa bàn đạt 100%.

Cùng với xã Quang Trung, công tác truyền thông được thực hiện rộng rãi ở tất cả các huyện, thành phố. Từ năm 2023 đến nay, cán bộ phụ trách chương trình chống lao trên địa bàn toàn tỉnh đã tuyên truyền qua các buổi họp thôn, thảo luận nhóm, tư vấn trực tiếp được trên 530 lần cho hơn 5.000 người; tổ chức thăm 285 gia đình; treo hơn 200 băng rôn, pa nô, phát 1.107 tờ rơi với các nội dung dấu hiệu nhận biết bệnh lao và cách phòng bệnh, điều trị bệnh lao...

Đi đôi với tập huấn, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã phối hợp với TTYT các huyện hướng dẫn cán bộ trạm y tế các xã, nhân viên y tế thôn, bản thực hiện sàng lọc, giám sát sàng lọc, xử lý thông tin với những nhóm đối tượng nguy cơ cao (người sống cùng nhà với bệnh nhân lao, người già trên 60 tuổi, người hút thuốc lá, người mắc bệnh nền, bệnh hô hấp mãn tính…).

Để nâng cao hiệu quả sàng lọc, điều trị, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã đề xuất với Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia trang bị máy móc, thiết bị hiện đại; tăng cường đào tạo chuyên môn sâu cho các bác sĩ và cung ứng, quản lý và phân phối thuốc, vật tư tiêu hao theo quy định. Theo đó, đơn vị đã được phân bổ một số trang thiết bị hiện đại như: máy chụp X-quang cố định kỹ thuật số, máy thở chức năng cao, máy điện tim 12 kênh, máy X-quang di động xách tay… Gần đây nhất tháng 3/2024, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn được Bệnh viện Phổi trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia bàn giao hệ thống xe chụp X-quang kỹ thuật số lưu động do Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống lao giai đoạn 2021 - 2023 tài trợ. Nhờ đó, đơn vị đã thực hiện thành công các kỹ thuật cao như: chụp cắt lớp vi tính, nội soi phế quản, xét nghiệm GeneXpert…

Với những máy móc hiện đại đó, hằng năm, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn phối hợp với các cơ sở y tế trong tỉnh áp dụng “chiến lược 2X” (tổ chức khám bằng phương pháp chụp X-quang phổi và xét nghiệm GeneXpert) để phát hiện chủ động bệnh nhân lao, đưa vào quản lý và điều trị sớm. Riêng từ năm 2023 đến nay, “chiến lược 2X” được triển khai tại 5 huyện, thành phố (Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Lãng, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn), khám và xét nghiệm cho 8.454 người, thu nhận và đưa vào điều trị 757 bệnh nhân, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ bệnh nhân mắc lao đưa vào điều trị giảm là một dấu hiệu đáng mừng, khẳng định Lạng Sơn đang tiến gần tới mục tiêu chấm dứt bệnh nhân lao vào năm 2035.

Người dân đến khám sàng lọc lao tại Trạm Y tế xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng

Bệnh nhân D.V.Đ, thôn Bình Hạ, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn bộc bạch: Tháng 12/2023, sau khi khám sàng lọc tại Trạm Y tế xã, tôi mới biết mình bị nhiễm lao. Sau đó, từ cuối tháng 12/2023 đến tháng 3/2024, tôi điều trị bệnh lao tại Trung tâm Y tế Bắc Sơn. Nhờ phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, sức khỏe tôi nhanh hồi phục và hạn chế được nguy cơ lây lan bệnh cho người thân, bạn bè.

Với những cách làm trên, công tác phát hiện chủ động và điều trị bệnh nhân lao đã đem lại những kết quả tích cực. Riêng năm 2023, toàn tỉnh có 374 bệnh nhân có bằng chứng vi khuẩn học mới đăng ký điều trị đã khỏi bệnh, đạt 91,2%, vượt 6,2% so với kế hoạch đề ra. Số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc giảm từ 15 người năm 2022 xuống còn 10 người với tỷ lệ điều trị thành công đạt 93,3%, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ ở y tế để làm tốt công tác phát hiện sớm bệnh nhân lao, nâng cao hiệu quả điều trị, góp phần giảm tỷ lệ tử vong do lao, tiến gần tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/chu-dong-phat-hien-benh-lao-nang-cao-hieu-qua-dieu-tri-5003427.html

  • Từ khóa