Hiện nay, tình hình bệnh dại trên cả nước đang diễn biến phức tạp, trong đó, trên địa bàn tỉnh có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trước thực tế đó, cơ quan chức năng và đơn vị liên quan đã và đang tích cực triển khai các giải pháp phòng bệnh dại ở động vật.
Người dân tiêm vắc xin phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến với 27 ca mắc và tử vong, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, gần đây, xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10 - 15 ngày.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 944 người tiêm vắc xin phòng dại, tăng 85 người so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, ngày 5/1/2024, tại huyện Cao Lộc đã ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại. Nguyên nhân do bị chó của nhà cắn, trong khi đó chó không tiêm vắc xin phòng dại, sau khi bị chó cắn, người bị cắn không đi tiêm phòng dại, đến khi phát bệnh, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì đã không thể cứu chữa.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trước hết là do việc quản lý đàn chó, mèo nuôi chưa được triệt để, trên địa bàn tỉnh, chó, mèo được nuôi nhiều ở khu vực nông thôn nên tình trạng thả rông vẫn còn phổ biến, một số người dân còn chủ quan, khi bị chó cắn không đi tiêm phòng…
Theo bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm do vi rút dại gây nên. Bệnh lây từ động vật bị dại (chủ yếu là chó, mèo) sang người qua nước bọt ở vết cắn, vết xước, vết liếm trên da, niêm mạc bị tổn thương. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khi bị bệnh dại thì tử vong 100% mà không có thuốc điều trị. Vì vậy, khi bị chó, mèo cắn, người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, xử lý vết thương và tiêm vắc xin phòng dại đúng, kịp thời và đây là cách duy nhất để tránh khỏi bệnh dại, tuyệt đối không được sử dụng thuốc đông y để điều trị bệnh dại. Để phòng, chống bệnh dại, ngay từ đầu năm, trung tâm đã tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về sự nguy hiểm, cách phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người, trong đó có bệnh dại. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Thú y giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn và các ổ bệnh dại.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ước tính có trên 129.000 con chó, mèo. Các loại động vật này được nuôi thả rông phổ biến ở khu vực nông thôn, công tác quản lý còn lỏng lẻo, việc tiêm phòng dại cho chó, mèo chưa được người nuôi thực sự quan tâm, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp. Ông Ngô Văn Chanh, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng cho biết: Nhà tôi có nuôi 1 con chó, nghĩ chó nhà cũng lành, chưa cắn người bao giờ nên tôi chưa tiêm phòng dại cho chó. Vừa qua, gia đình tôi đã được cán bộ, thú y viên xã tuyên truyền về nguy cơ cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh dại nên tới này, tôi sẽ tiêm phòng đầy đủ cho chó để phòng bệnh dại.
Trước thực tế đó, việc chủ động tăng cường phòng, chống bệnh dại rất cần được quan tâm. Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Để ngăn ngừa bệnh dại, chúng tôi đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản số 543/SNN-CNTY ngày 20/3/2024 gửi UBND các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dại động vật, đồng thời, ngay từ đầu năm 2024, chi cục đã lên kế hoạch xây dựng vùng an toàn bệnh dại chó, mèo tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan và thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, trong đó, tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích trong việc xây dựng vùng an toàn bệnh dại, tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, biện pháp phòng chống bệnh dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại… Ngoài ra, cũng ngay từ đầu năm, chi cục cũng đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về tiêm phòng dại cho chó, mèo. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã tiêm phòng dại cho 1.011 con, đạt 2,2% so với kế hoạch và đạt khoảng 35% tổng đàn.
Như vậy, hiện nay, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo đạt thấp (trong khi yêu cầu phải đạt từ 75% tổng đàn trở lên thì phòng ngừa dịch bệnh mới hiệu quả). Để phòng chống bệnh dại, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo, tăng cường việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó được quy định tại văn bản số 02/VBHN-BNNPTNT ngày 28/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Hơn hết, người dân cũng cần nâng cao nhận thức trong phòng, chống bệnh dại, chủ động quản lý, tiêm phòng đàn vật nuôi của gia đình.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/ngan-ngua-benh-dai-lay-phong-la-chinh-5004182.html