Các thành phần dinh dưỡng và hoạt chất quý giá cùng nhau tạo ra lợi ích sức khỏe đa dạng của gừng.
Gừng là một loại gia vị không thể thiếu trong căn bếp người Việt. Vị cay của gừng không chỉ tạo nên hương vị đặc trưng, mà còn ẩn chứa công dụng chữa bệnh.
Gần đây, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Cells chỉ ra rằng, Exosome trong gừng sẽ làm tăng vi khuẩn có lợi và giảm vi khuẩn có hại trong ruột, từ đó cải thiện chức năng hàng rào ruột và tăng cường sức khỏe đường ruột. Điều này bổ sung thêm bằng chứng mới về lợi ích của gừng.
Theo Aboluowang, mỗi ngày uống một bát nước gừng ấm sẽ hỗ trợ điều trị 6 loại bệnh:
Biếng ăn
Gừng là một loại gia vị không thể thiếu trong căn bếp người Việt (Ảnh: Getty).
Gingerol trong gừng có thể kích thích dây thần kinh vị giác của lưỡi và các thụ thể trên niêm mạc dạ dày.
Việc này hỗ trợ xử lý tắc nghẽn đường tiêu hóa, thông qua phản xạ thần kinh và kích thích tiết dịch tiêu hóa, từ đó thúc đẩy quá trình tiêu hóa và tăng cảm giác thèm ăn.
Đau dạ dày
Chất zingiberene có trong gừng có thể kích thích niêm mạc dạ dày tổng hợp và giải phóng pepsinogen nội sinh, có tác dụng bảo vệ tế bào, từ đó bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi bị tổn thương.
Ngoài ra, gừng có thể tác động lên hệ thần kinh giao cảm và phế vị, kích hoạt trực tiếp chức năng dạ dày, kích thích cơ trơn dạ dày.
Sỏi mật
Gingerol có trong gừng có thể ức chế sự tổng hợp prostaglandin, làm giảm tương đối sự hình thành chất nhầy trong mật và có tác dụng nhất định trong việc ức chế sỏi mật.
Cơ chế này cũng có thể tăng cường chức năng của vỏ thượng thận và bảo vệ gan.
Lão hóa
Sau khi được cơ thể tiêu hóa và hấp thu, gingerol trong gừng có thể tạo ra superoxide dismutase chống lão hóa, từ đó ức chế sản xuất và lắng đọng sắc tố lipofuscin trong cơ thể.
Cơ chế này làm chậm quá trình lão hóa tế bào.
Nhiễm khuẩn
Trong gừng có một số thành phần kháng khuẩn, có tác dụng ức chế nhất định đối với vi khuẩn gram âm, nấm men, nấm mốc, trực khuẩn thương hàn, Vibrio cholerae, Escherichia coli, Penicillium...
Nghiên cứu của Trường Đại học New South Wales năm 2016 đã tìm thấy mối liên kết giữa việc tiêu thụ gừng và giảm nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm răng miệng.
Các nhà khoa học đã theo dõi một nhóm tình nguyện viên và phát hiện ra rằng, những người tiêu thụ gừng thường xuyên ít có khả năng mắc bệnh viêm nhiễm răng miệng hơn so với những người không tiêu thụ.
Xơ vữa mạch máu
Khi uống nước gừng ấm vào buổi sáng có thể làm giảm nhanh hàm lượng triglyceride và cholesterol trong mạch máu, từ đó có thể ngăn ngừa động mạch bị xơ vữa.
Nghiên cứu của Trường Đại học Maryland đã chỉ ra rằng, việc tiêu thụ gừng có thể giúp làm giảm mức độ cholesterol và triglyceride trong máu.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện một thử nghiệm trên một nhóm tình nguyện viên và phát hiện ra, việc sử dụng gừng hàng ngày có thể giúp giảm mức độ cholesterol và triglyceride, từ đó giúp ngăn chặn sự phát triển của một số bệnh lý tim mạch.
Đối với những người già, tính co giãn của mạch máu dần mất đi. Vì vậy, thói quen này vào mỗi sáng sẽ đặc biệt có ích cho sức khỏe của mạch máu.
Không phải ai cũng ăn được gừng
Gừng có tính nóng và không thích hợp với một số người:
- Người có thể chất âm hư thường có lòng bàn tay dễ đổ mồ hôi.
- Người da khô và hay nóng miệng.
- Có các triệu chứng khó chịu khi ăn gừng.
- Nên ăn ít gừng khi bị viêm phổi, u phổi, loét dạ dày, viêm túi mật, viêm gan cấp tính hoặc trĩ.
- Những người dùng thuốc chống đông máu cần kiểm soát chặt chẽ lượng gừng ăn vào.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/mot-coc-nuoc-gung-moi-ngay-chua-6-loai-benh-20240729074720462.htm