Gan là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất khi nói đến rượu. Ngay cả khi bạn chỉ thỉnh thoảng uống rượu xã giao hoặc đôi khi uống quá nhiều rượu vang trong ngày nghỉ, rượu vẫn có thể để lại hậu quả.
Nhiều người tự hỏi liệu một tháng không uống rượu có đủ để khôi phục gan của bạn trở lại bình thường hay không? Đúng là việc ngừng uống rượu trong bất kỳ khoảng thời gian nào cũng sẽ có lợi cho tổng thể, một số nghiên cứu cho thấy chức năng gan bắt đầu cải thiện chỉ sau hai đến ba tuần.
Nhưng cần phải giải độc hoàn toàn để có lợi ích nhất và thời gian giải độc phụ thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân.
Chuyên gia về gan TS Christina Lindenmeyer, giải thích rằng: "Điều đó phụ thuộc vào mức độ tổn thương đã xảy ra. Và liệu có bất kỳ biến chứng nào liên quan đến tổn thương hay không?".
Trong tất cả các cơ quan trong cơ thể, gan bị ảnh hưởng nhiều nhất khi nói đến rượu bia (Ảnh: Getty).
Rượu ảnh hưởng đến gan của bạn như thế nào?
Gan của bạn có các enzyme hoạt động như những công cụ đặc biệt giúp chuyển hóa (phân hủy) các chất độc khác nhau xâm nhập vào cơ thể, chẳng hạn như rượu.
Trong thời gian ngắn, rượu được xử lý qua gan của bạn trong khoảng một giờ. Về cơ bản, cảm giác say là khi gan trở nên quá tải để xử lý rượu đúng cách, vì vậy rượu tạm thời tràn vào máu. Đây là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy choáng váng hoặc say sau nhiều lần uống rượu.
Về lâu dài, việc sử dụng rượu kéo dài có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho gan. Gan có một con đường cụ thể mà các chất độc đi theo để được phân hủy, vì vậy nếu theo thời gian, con đường này bị quá tải bởi quá nhiều chất độc, nó có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của gan.
Một số vấn đề sức khỏe và bệnh tật có thể phát sinh ở gan do sử dụng rượu trong thời gian dài, bao gồm bệnh gan nhiễm mỡ, xơ gan, viêm gan do rượu.
Bạn giải độc gan như thế nào?
Nếu gan bị ảnh hưởng do sử dụng rượu trong thời gian dài, có nhiều cách để gan và các bộ phận khác của cơ thể được nghỉ ngơi. Bạn có thể thực hiện động thái giải độc gan thông qua các bước sau:
Ngừng uống rượu
"Kiêng rượu là biện pháp can thiệp và điều trị quan trọng nhất", TS Lindenmeyer lưu ý. Tất nhiên, đôi khi nói thì dễ hơn làm. Nếu bạn là người uống nhiều rượu, bạn có thể cần cai rượu để cơ thể thích nghi. Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng cai rượu nghiêm trọng, hãy nhớ trao đổi với bác sĩ.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Một điều khác giúp gan của bạn phục hồi là dinh dưỡng tốt. Không có chế độ ăn uống kỳ diệu nào cả, nhưng chế độ ăn Địa Trung Hải, có thể giúp lấp đầy một số khoảng trống dinh dưỡng mà bạn có thể gặp phải do sử dụng rượu.
Chế độ ăn này khuyến khích ăn những loại thức ăn như cá, trái cây, rau, đậu, ngũ cốc nguyên hạt. Đồng thời, chế độ này không khuyến khích ăn nhiều thịt, các sản phẩm từ sữa hay đồ ngọt.
"Tối ưu hóa dinh dưỡng thực sự là biện pháp can thiệp quan trọng nhất và có bằng chứng nhất ngoài việc ngừng uống rượu", TS Lindenmeyer chỉ ra. Lý do là khi bị rối loạn chức năng gan, nhiều người có nguy cơ không nhận đủ protein, calo hoặc vitamin.
Ngoài ra, còn có một số loại thực phẩm nhất định như trà, cá và các loại hạt có thể có lợi cho chức năng gan theo nhiều cách. Bạn hãy coi đó là cách thúc đẩy gan của bạn theo đúng hướng. Liệu pháp dinh dưỡng rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng gan và cung cấp cho gan các thành phần cần thiết để tự phục hồi.
Chế độ ăn uống cân bằng đóng vai trò rất quan trọng với sức khỏe của gan (Ảnh: Shutterstock).
Phải mất bao lâu để gan giải độc rượu?
Mốc thời gian giải độc gan phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như:
- Lượng rượu tiêu thụ.
- Tần suất uống rượu.
- Bất kỳ tình trạng sức khỏe nào khác mà bạn có thể mắc phải.
- Tuổi.
- Cân nặng.
"Không có câu trả lời nào đúng với tất cả mọi người. Thời gian này phụ thuộc vào mức độ tổn thương đã xảy ra và bất kỳ biến chứng nào có thể xảy ra", TS Lindenmeyer nói.
Như vậy, việc nghỉ vài tuần sẽ có ích, nhưng bạn càng kiêng rượu càng lâu thì càng tốt. Và nếu gan đã bị ảnh hưởng lâu dài, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn kiêng rượu suốt đời để gan có thể giải độc và phục hồi hoàn toàn.
"Đối với những bệnh nhân bị xơ gan sau khi gan bị tổn thương nghiêm trọng do rượu, ngay cả một ly rượu cũng gây độc cho gan", TS Lindenmeyer cảnh báo.
Thông thường, sau 1 giờ gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (tương đương 10gr cồn nguyên chất), tương đương 220ml bia (2/3 chai nồng độ cồn 5%), tương đương 100ml rượu vang (nồng độ cồn 13,5%), tương đương 30ml rượu mạnh (nồng độ cồn 40%).
Để đào thải hết hoàn toàn một đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất khoảng 2 giờ nữa. Ngược lại, đối với những người có gan yếu hoặc cơ thể chuyển hóa chậm thì việc đào thải cồn sẽ lâu hơn.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội, cho biết, tốc độ đào thải chất cồn của mỗi người là khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
"Vấn đề ở đây không phải là uống bao nhiêu để không may bị thổi nồng độ cồn không lên hay để phạt ít tiền nhất mà đã uống đồ uống có cồn thì không tự lái xe. Đây là biện pháp rất tốt để tránh hiện tượng uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn cho chính mình và cho người xung quanh", PGS Thịnh nói.
Theo ông, có người uống 1-2 hớp đã say, có người phải uống rất nhiều nên không có con số chung cho tất cả. Chúng ta chỉ cần hiểu đơn giản là đã uống rượu bia thì không tự lái xe.
"Nếu tối, chúng ta uống 1-2 lon bia tại nhà thì sáng hôm sau thường sẽ không còn cồn vì cơ thể phân hủy ngay, trừ trường hợp uống quá nhiều", PGS Thịnh phân tích.
Theo Healthline, rượu bia là một chất gây nghiện có "tuổi thọ" ngắn trong cơ thể. Khi rượu đã đi vào máu, cơ thể bạn sẽ chuyển hóa một lượng rượu nhất định mỗi giờ, tùy thuộc vào từng cá nhân và các yếu tố khác như kích thước và trọng lượng gan.
Cơ thể bạn chuyển hóa rượu bia với tốc độ không đổi, khoảng một ly mỗi giờ. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi phần nào dựa trên loại rượu bạn uống, sức khỏe thể chất hoặc khuynh hướng di truyền của bạn.
Dấu hiệu cảnh báo gan đang bị quá tải
Nếu uống rượu vượt quá mức khuyến cáo, bạn có thể đang gây tổn thương cho gan. Lúc đầu, bạn có thể khó nhận ra nếu cơ thể bạn đang gửi cho bạn bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào cho thấy nó đang bị quá tải.
Sau đây là một số dấu hiệu phổ biến cho thấy gan của bạn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do rượu:
- Vàng da.
- Sưng chân và mắt cá chân.
- Nước tiểu sẫm màu.
- Đau bụng.
- Buồn nôn hoặc mệt mỏi mãn tính.
- Ngứa da.
- Cảm giác lú lẫn liên tục.
- Chảy máu đường tiêu hóa.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, rượu nên được tiêu thụ ở mức độ vừa phải, nghĩa là một ly mỗi ngày đối với nữ và hai ly đối với nam giới. Nếu bạn duy trì mức trung bình này (hoặc ít hơn), thì tác hại do rượu gây ra rất có thể là tối thiểu.
Mặt khác, uống rượu quá độ thường được định nghĩa là bốn ly đối với phụ nữ và năm ly đối với nam giới trong vòng hai giờ. Và ngay cả những lần uống rượu quá độ thỉnh thoảng cũng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe gan của bạn theo thời gian.
Nhìn chung, việc tạm ngừng uống rượu một tháng không nhất thiết sẽ giải độc hoàn toàn gan của bạn, nhưng nếu bạn có xu hướng uống quá nhiều rượu, bạn có thể thấy những cải thiện nhỏ về sức khỏe như giảm viêm gan và tăng mức năng lượng.
Cũng giống như khi bị gãy xương hoặc nhiễm trùng, cơ thể cần thời gian để chữa lành, gan làm việc quá sức cũng vậy.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/phai-mat-bao-lau-de-gan-dao-thai-het-ruou-20240804193736034.htm