TP Hồ Chí Minh tăng cường tiêm vaccine, quyết liệt dập dịch sởi

Thứ 7, 31.08.2024 | 14:45:28
506 lượt xem

Trước tình trạng dịch sởi lây lan và bùng phát nhanh trên địa bàn, TP Hồ Chí Minh vừa công bố dịch sởi, vừa triển khai quyết liệt công tác phòng, chống, huy động các nguồn lực, chủ động rà soát, kịp thời phát hiện, khống chế ổ dịch và tăng cường tiêm vaccine phòng sởi cho các đối tượng có nguy cơ cao.

Huy động nguồn lực rà soát, phòng, chống dịch

Theo công bố dịch sởi của TP Hồ Chí Minh, số ca mắc sởi tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và vượt tiêu chuẩn công bố dịch sởi do Bộ Y tế quy định. Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến nay là 525 ca. Riêng từ cuối tháng 5 đến ngày 18-8, thành phố ghi nhận 170 trường hợp mắc sởi tại 15 quận, huyện và TP Thủ Đức, trong đó có 57 phường, xã có ca mắc sởi và 10 quận, huyện có 2 phường, xã trở lên có ca bệnh (gồm các huyện: Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và quận 12, quận 6, quận 8, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, TP Thủ Đức).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) công bố, trong tuần thứ 3 của tháng 8-2024, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 85 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 20 ca dương tính. Đây là lần đầu TP Hồ Chí Minh công bố dịch sởi và là địa phương đầu tiên trong nhiều năm nay công bố dịch bệnh này.

TP Hồ Chí Minh tăng cường tiêm vaccine, quyết liệt dập dịch sởi

Trẻ em được phụ huynh đưa đi tiêm vaccine sởi tại Trung tâm tiêm chủng vắc xin VNVC TP Hồ Chí Minh. 

Ngay sau khi công bố dịch sởi trên địa bàn, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương, chủ động triển khai kế hoạch ứng phó với dịch bệnh; hoạt động phòng và kiểm soát lây nhiễm sởi bằng các biện pháp tăng cường tiêm chủng, các cơ sở y tế chủ động thu dung, điều trị những ca nghi sởi và sởi kịp thời, không để chuyển nặng, tử vong, nắm sát tình hình dịch và các ổ dịch để xử trí hiệu quả.

Trong hai ngày 28 và 29-8, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã tổ chức rà soát tình hình dịch sởi trên địa bàn, họp khẩn tìm cách ứng phó với dịch sởi đang lây lan và bùng phát. Các bệnh viện cũng triển khai sàng lọc tập trung bệnh nhân đến khám để phân loại, lấy mẫu huyết thanh, xác nhận ca sởi để tập trung điều trị, báo cáo các ca bệnh lên hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế (phần mềm) theo quy định. Các trạm y tế phường, xã, thị trấn đã phối hợp với các trường học, nhóm trẻ hằng tuần để giám sát, tuyên truyền, phòng, chống dịch sởi, cách ly, điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, thành phố công bố dịch sởi sẽ thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch vì huy động được mọi nguồn lực tham gia phòng, chống sởi. Tuy nhiên, việc công bố dịch sởi trước mắt chưa gây ảnh hưởng đến khách du lịch, người đến thành phố công tác nếu đã được tiêm phòng, có miễn dịch thì không nên quá hoang mang, lo lắng.

Đẩy mạnh tuyên truyền, tiêm chủng vaccine phòng dịch bệnh

Sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B; người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ; bệnh có thể dẫn đến biến chứng nặng thậm chí có thể tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Dịch sởi lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người. Ngành y tế TP Hồ Chí Minh xác nhận trường hợp 3 trẻ tử vong do sởi được xác định chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, bệnh nhân mắc sởi có thể lây cho 12-18 người xung quanh chưa có miễn dịch với sởi. Để ngăn chặn nguy cơ bùng dịch, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng sởi cần đạt 95% để đạt được hiệu quả miễn dịch cộng đồng. Nếu không ngăn chặn kịp thời bằng việc tăng cường tiêm vaccine và các phương pháp phòng bệnh khác sẽ gây lây lan mạnh hơn tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Trong các giải pháp phòng dịch sởi thì tiêm vaccine là giải pháp có tính chủ động, mang lại hiệu quả nhất để ngăn chặn dịch lây lan. Trong cùng ngày công bố dịch sởi, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch chủ động ứng phó với dịch sởi, khẩn trương tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ 1-5 tuổi bất kể tiền sử tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, nguồn lây sởi trong cộng đồng không chỉ là các trẻ nhỏ mắc bệnh sởi mà còn là những trẻ lớn, người lớn mắc bệnh sởi nhưng không có triệu chứng điển hình. 

Tiêm vaccine phòng sởi là biện pháp chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra. Tiêm từ hai mũi vaccine phòng sởi trở lên có hiệu quả lên đến 98%. Đồng hành với chiến dịch phòng, chống sởi của TP Hồ Chí Minh, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã triển khai kế hoạch gồm 200 trung tâm tiêm chủng sẽ phục vụ người dân xuyên thời gian nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9, cung ứng đầy đủ vaccine phòng sởi chính hãng, chất lượng cao cho trẻ em và người lớn tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương trên cả nước.

PGS, TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo HCDC, các trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai hoạt động tăng cường miễn dịch cộng đồng. Tổ chức chiến dịch tiêm phòng sởi bằng vaccine phối hợp sởi-rubella (MR) cho trẻ 1-5 tuổi không kể tiền sử tiêm chủng. Nhằm bảo đảm nguồn cung ứng vaccine, Sở Y tế thành phố đã thực hiện mua sắm 300.000 liều vaccine MR, sau đó phân bổ cho các đầu mối chức năng. Ngành y tế thành phố sẽ triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine phòng sởi từ ngày 31-8 và tổ chức tiêm xuyên kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9, phấn đấu mục tiêu các trẻ em, đối tượng có nguy cơ được tiêm vaccine phòng sởi, bảo đảm an toàn mùa dịch.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/y-te/cac-van-de/tp-ho-chi-minh-tang-cuong-tiem-vaccine-quyet-liet-dap-dich-soi-791854

  • Từ khóa