Trong tuần, Hà Nội ghi nhận thêm 265 ca mắc sốt xuất huyết, 16 ổ dịch. Kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn cho thấy chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) TP Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 23/8 đến ngày 30/8), toàn thành phố ghi nhận 265 ca mắc sốt xuất huyết, 34 ca mắc tay chân miệng và 2 ca ho gà.
Trong đó, số mắc sốt xuất huyết phân bố tại 29 quận, huyện. Một số đơn vị có nhiều bệnh nhân như Đan Phượng, Hà Đông, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy. Như vậy, từ đầu năm đến nay, TP có hơn 2.500 ca mắc, không có trường hợp nào tử vong.
Gần đây, số mắc sốt xuất huyết của Hà Nội có xu hướng gia tăng (Ảnh minh họa: T.X).
Trong tuần, TP phát sinh thêm 16 ổ dịch sốt xuất huyết tại Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Phúc Thọ, Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Từ đầu năm đến nay TP ghi nhận 120 ổ dịch, còn 30 ổ dịch đang hoạt động.
CDC Hà Nội nhận định, thời tiết nắng nóng kèm theo mưa nhiều hiện nay là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh. Số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng, một số ổ dịch kéo dài, tiếp tục ghi nhận bệnh nhân.
Kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn cho thấy chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ. Vì thế, dự báo số mắc có thể gia tăng trong thời gian tới.
Trong tuần các địa phương đã tổ chức 18 chiến dịch vệ sinh môi trường, kiểm tra phòng chống dịch tại hơn 136.000 hộ gia đình và 731 khu vực trường học, công cộng, xử lý gần 20.000 dụng cụ chứa nước có bọ gậy.
Ngoài ra, số ca mắc tay chân miệng phần lớn là ca bệnh tản phát, không ghi nhận ổ dịch phức tạp. Dự báo số mắc có thể gia tăng trong thời gian tới khi các trường mầm non và tiểu học tiếp nhận trẻ đi học trở lại.
Hiện tại, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như TPHCM. Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận 2 ca mắc sởi, thời gian tới có thể ghi nhận ca bệnh.
Trong tuần tới, Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và cơ sở khám chữa bệnh nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, tổ chức điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Đồng thời, các đơn vị tổ chức điều tra, xử lý kịp thời, triệt để ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để các ổ dịch bùng phát rộng. Ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động cho trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch.
Các đơn vị chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai hoạt động đáp ứng phù hợp, kịp thời.
Hà Nội cũng tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhằm phát hiện sớm ca mắc/nghi mắc để áp dụng biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
Trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết dengue, Bộ Y tế lưu ý các cơ sở y tế xem xét chỉ định nhập viện trong các trường hợp sau:
- Sống một mình.
- Nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng.
- Gia đình không có khả năng theo dõi sát.
- Trẻ nhũ nhi.
- Dư cân, béo phì.
- Phụ nữ có thai.
- Người lớn tuổi (≥60 tuổi).
- Bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...).
Theo dantri.com.vn