Hệ thống kiểm soát áp suất và dẫn khí giúp không khí trong phòng áp lực âm lưu thông một chiều, giảm nguy cơ lây truyền virus.
"Bệnh nhân 17" đang cách ly điều trị tại phòng áp lực âm ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhiều bệnh nhân khác trên cả nước từng hoặc đang ở trong các phòng đặc biệt này.
Phòng cách ly áp lực âm đặt tại Khoa điều trị tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương do đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, Anh, hỗ trợ. Trang thiết bị trong phòng đảm bảo cách ly bệnh nhân đường hô hấp, cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân, ngăn lây nhiễm, bảo vệ nhân viên y tế và môi trường xung quanh.
Phòng cách ly áp lực âm có cấu tạo gồm hai phòng là phòng đệm và phòng chính. Không khí từ bên ngoài đi qua phòng đệm vào phòng chính và ra ngoài qua khu vệ sinh của bệnh nhân. Phòng được đóng pano tường, trang bị hệ thống kiểm soát áp suất và điều khiển nhiệt độ, bộ lọc Hepa, hệ thống dẫn khí, giúp duy trì áp suất âm từ phòng này sang phòng kia.
Các bác sĩ trong trang phục bảo hộ khi điều trị bệnh nhân Covid-19 trước phòng áp lực âm Bệnh viện nhi Trung ương, giữa tháng 2. Ảnh: Lê An. |
Ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện, cho biết phòng cách ly được thiết kế hiện đại với hai lớp cửa. Khi cửa này mở thì cửa kia phải đóng, không thể mở cả hai cùng lúc.
"Không khí chỉ lưu thông một chiều, áp lực âm hút không khí vào bên trong rồi chạy ra ngoài qua màng lọc cực kỳ đặc biệt, lọc được cả virus rất nhỏ", bác sĩ Châu giải thích. Thiết kế này nhằm đảm bảo mầm bệnh không phát tán ra môi trường xung quanh.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết phòng cách ly áp lực âm có hệ thống monitor kết nối từ phòng bệnh ra bên ngoài với thông số bệnh nhân về nồng độ oxy, nhịp thở, nhịp tim... Bệnh nhân cũng có thể trao đổi cùng các y bác sĩ bằng điện đàm khi cần.
Từ bên ngoài, các bác sĩ có thể theo dõi bệnh nhân liên tục qua hệ thống camera. Phòng áp lực âm chỉ sử dụng trong điều trị những ca bệnh nặng, nguy cơ lây nhiễm rất cao, luôn sáng đèn 24 giờ.
Bên trong phòng áp lực âm vẫn có nguy cơ nhiễm khuẩn nên người chăm sóc bệnh nhân phải mặc áo bảo hộ và đeo khẩu trang phòng bệnh.
Lê Phương - Thùy An/vnexpress.net
https://vnexpress.net/suc-khoe/cau-tao-phong-ap-luc-am-cho-benh-nhan-ncov-4065618.html