Triển khai các biện pháp sàng lọc chủ động nhằm sớm đẩy lùi bệnh lao

Thứ 3, 14.01.2025 | 09:17:07
133 lượt xem

Khi cơ thể nhiễm vi khuẩn lao, nếu không điều trị thì vi khuẩn lao có thể nhân lên, phát bệnh khi cơ thể yếu đi và người bệnh trở thành nguồn lây cho những người xung quanh. Xác định rõ những mối nguy hiểm của bệnh đối với cộng đồng, những năm qua, ngành y tế tỉnh đã triển khai chiến lược khám, sàng lọc lao chủ động tại cộng đồng để phát hiện, điều trị sớm người bệnh lao.

Bác sĩ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn tư vấn cho người dân xã Trung Thành, huyện Tràng Định sau khi khám sàng lọc bệnh lao (ngày 5/10/2024)

Bệnh viện Phổi là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý Chương trình phòng chống Lao quốc gia trên địa bàn tỉnh. Bác sĩ Nguyễn Sơn Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Lạng Sơn chia sẻ: Thay vì người dân có triệu chứng đến khám để phát hiện lao (sàng lọc thụ động) như trước đây, hiện nay đã có thêm phương pháp sàng lọc phát hiện chủ động tại cộng đồng bằng chiến lược 2X (chụp X-Quang ngực và xét nghiệm GeneXpert phát hiện vi khuẩn lao). Cùng với với khám sàng lọc, cán bộ y tế tư vấn cho người dân các dấu hiệu, cách phát hiện và phòng chống lao, từ đó góp phần khống chế sự lây nhiễm bệnh lao ở cộng đồng.

Để triển khai phát hiện lao chủ động, hằng năm, Bệnh viện Phổi đã duy trì mạng lưới chống lao tại 11 huyện, thành phố và tại tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Các cơ sở này thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác truyền thông phòng chống bệnh lao; rà soát, tổng hợp danh sách các đối tượng có nguy cơ cao như: người trên 60 tuổi; người có các triệu chứng nghi lao như ho kéo dài, sốt, sụt cân; người mắc bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD); người sử dụng rượu, bia, thuốc lá thường xuyên… để khám phát hiện chủ động.

Cùng đó, cán bộ, nhân viên làm công tác chống lao thường xuyên được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để sàng lọc, điều trị, quản lý tốt bệnh nhân lao. Trong năm 2024, đơn vị đã tổ chức 5 lớp cho hơn 600 lượt cán bộ các tuyến về triển khai phần mềm Hệ thống thông tin quản lý bệnh lao phiên bản mới; hỗ trợ cán bộ các tuyến trong quá trình triển khai, nhập dữ liệu ca bệnh lên phần mềm; truyền thông bệnh lao cho y tế thôn bản...

Y sĩ Lành Hương Lan, cán bộ phụ trách Chương trình phòng, chống lao, Trung tâm Y tế huyện Văn Quan thông tin: Trong năm 2024, chúng tôi đã phối hợp rà soát, sàng lọc lao chủ động cho hơn 2.000 người có nguy cơ cao. Qua sàng lọc chủ động, toàn huyện đã phát hiện và đưa vào quản lý, điều trị 9 ca bệnh lao. Đến nay, tất cả bệnh nhân đều tuân thủ điều trị và sức khoẻ ổn định.

Kết quả trong năm 2024, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã phối hợp tổ chức khám phát hiện chủ động bệnh lao, lao tiềm ẩn tại Trại Tạm giam Công an tỉnh và 4 huyện: Cao Lộc, Chi Lăng, Tràng Định, Văn Quan với tổng số 9.900 người, tăng 855 người so với năm 2023. Qua sàng lọc đã phát hiện 108 trường hợp có vi khuẩn lao được đưa vào quản lý, điều trị.

Ông H.V.N (60 tuổi, ở xã Đại Đồng, huyện Tràng Định) chia sẻ: Tôi ho có đờm suốt 2 tuần kèm theo mệt mỏi, ăn uống kém, làm việc nặng lại khó thở. Sau khi làm xét nghiệm sàng lọc miễn phí tại Trạm Y tế xã Đại Đồng, tôi được phát hiện mắc bệnh lao. Cán bộ y tế đã tư vấn, chuyển tôi đến Bệnh viện Phổi điều trị. Sau gần 2 tháng, đến nay, sức khỏe của tôi đã ổn định và được xuất viện.

Thời gian tới, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm sàng lọc chủ động, phát hiện lao trong cộng đồng tập trung vào những nhóm có nguy cơ cao để phát hiện sớm bệnh lao và điều trị kịp thời, góp phần ngăn chặn nguồn lây bệnh lao trong cộng đồng, tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035. 


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/sang-loc-chu-dong-giai-phap-huu-hieu-day-lui-benh-lao-5034739.html

  • Từ khóa