Xây dựng chính quyền điện tử: Hiệu quả bước đầu

Thứ 4, 15.07.2020 | 09:04:07
737 lượt xem

Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ/CP, ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính quyền điện tử (CQĐT) giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh đã tập trung nguồn lực, thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng CQĐT, qua đó đã đem lại những kết quả bước đầu tích cực.

CQĐT là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Tính đến tháng 6/2020, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng CQĐT được các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực triển khai đạt nhiều kết quả nổi bật như: Lạng Sơn là 1 trong 7 tỉnh đã hoàn thành triển khai 30% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4; tỉnh đã hoàn thành xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp cấp tỉnh, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, duy trì, cập nhật khung chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn, phiên bản 2.0; ứng dụng hiệu quả CNTT…

Người dân thực hiện TTHC về lĩnh vực đất đai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Hữu Lũng

Cụ thể, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 cổng thông tin điện tử (CTTĐT) hoạt động tại địa chỉ http://www.langson.gov.vn, 100% cơ quan, ban, ngành thuộc UBND tỉnh đều có trang TTĐT đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin chỉ đạo, điều hành hoạt động của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trên các lĩnh vực… phục vụ khai thác thông tin và công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương, thu hút đầu tư, giới thiệu, quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người Xứ Lạng. Cùng với đó, các cấp, ngành của tỉnh đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan. Toàn tỉnh hiện có 14.411 cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hộp thư điện tử; triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến tại 213 điểm cầu trong toàn tỉnh, phục vụ hiệu quả cho các cuộc họp, hội nghị nhất là công tác chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến huyện được kịp thời, nhanh chóng. Đồng thời, tỉnh cũng đã cấp 1.297 chữ ký số cho tổ chức và cá nhân từ cấp tỉnh, đến cấp xã, phục vụ trao đổi liên thông văn bản điện tử.

Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, Lạng Sơn đã triển khai đồng bộ có hiệu quả phần mềm một cửa điện tử cho 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Bà Phạm Ngọc Thủy, Phó Chánh văn phòng HĐND và UBND huyện Hữu Lũng cho biết: Chính quyền huyện đã tăng cường đưa các TTHC ra thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đẩy mạnh việc thực hiện nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC qua DVCTT.  Theo đó, đến hết tháng 6/2020, cấp huyện đã đã đưa 217/245 TTHC ra thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; 145 TTHC thực hiện qua DVCTT, trong đó có 57 TTHC mức độ 3, 88 TTHC mức độ 4. Ở cấp xã, đã đưa 127/138 TTHC ra thực hiện theo cơ chế một cửa; có 49 TTHC thực hiện qua DVCTT, trong đó 44 TTHC mức độ 3, 5 TTHC mức độ 4.

Để đảm bảo việc giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp được kịp thời, hiệu quả, chất lượng, UBND tỉnh đã thành lập và đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công đi vào hoạt động từ đầu năm 2019; xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh theo hướng tập trung, thống nhất để tiếp nhận, công khai kết quả giải quyết TTHC, cung cấp DVCTT thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận 19.569 hồ sơ, giải quyết 15.799 hồ sơ, số hồ sơ còn lại đang trong quá trình xử lý; hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, 4 là 2.427 hồ sơ, đạt 12,4%.

Bên cạnh đó, một số sở, ngành, địa phương triển khai, ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ TTHC, cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, các thông tin về kinh tế – xã hội nhanh chóng, hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm 2020, các cấp, ngành chức năng đã tổ chức 11 lớp tập huấn sử dụng phần mềm dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cho khoảng 1.500 người là cán bộ, công chức cấp xã.

Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh cho biết:  Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện xây dựng CQĐT,  thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện xây dựng CQĐT theo lộ trình đã đề ra với các nhiệm vụ chính: tiếp tục xây dựng nền tảng ứng dụng CNTT và hoàn thiện thể chế trong xây dựng CQĐT; triển khai thí điểm mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả kết hợp bưu điện văn hóa xã. Đồng thời, đơn vị sẽ tích cực đẩy mạnh triển khai biện pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin theo tiêu chuẩn 4 lớp của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Những kết quả bước đầu trong xây dựng CQĐT là cơ sở, động lực quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 17 của Thủ tướng Chính phủ.


Thùy Dung/baolangson.vn

http://baolangson.vn/xa-hoi/cai-cach-hanh-chinh/298831-xay-dung-chinh-quyen-dien-tu-hieu-qua-buoc-dau.html

  • Từ khóa