Ngày Xuân vui hội lồng tồng làng Khòn Lèng

Chủ nhật, 06.02.2022 | 16:05:41
1,023 lượt xem

Đến thành phố Lạng Sơn những ngày xuân đầu năm, du khách sẽ được đắm mình với các lễ hội truyền thống, trong số đó phải kể tới lễ hội lồng tồng làng Khòn Lèng, khối 7, phường Tam Thanh. Đây là lễ hội khá đặc sắc, được duy trì đều đặn và mang trong mình nhiều dấu ấn của văn hóa Tày.

Làng Khòn Lèng thuộc khối 7, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, có diện tích hơn 30 ha, gồm trên 460 gia đình với hơn 2.000 nhân khẩu thuộc 6 dân tộc (Tày, Nùng, Kinh, Hoa, Hmông, Mường) cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Tày chiếm hơn 50%. Về lịch sử tên gọi của làng, cuốn sách “Ai lên Xứ Lạng” của nhóm tác giả Hà Văn Thư – Hoàng Nam  – Vi Hồng Nhân – Vương Toàn giải thích: Cái tên Khòn Lèng có người nói rằng nơi đây xưa còn hoang vắng, là bãi chăn trâu bò và ăn cơm lèng (cơm trưa) của trẻ trong vùng, về sau quen gọi là Khòn Lèng”.  Người dân trong làng đa số làm nông nghiệp, ngoài ra còn trồng hoa, rau để bán tăng thu nhập cho gia đình. Đồng bào Tày nơi đây có một tục lệ độc đáo, khác với những vùng khác đó là hằng năm, trước khi cúng tất niên, các cụ cao tuổi trong làng thường ra suối lấy nước về thắp hương ở miếu rồi sau đó vẩy xung quanh làng với quan niệm để trút bỏ đi những điều xui xẻo của năm cũ.

Người dân rước lễ vật xuống nơi tổ chức lễ hội tại chân núi Tô Thị

Nếu người Mông được biết tới với lễ hội gầu tào, người Thái với lễ hội hoa ban, người Mường với lễ hội pồn pông…thì người Tày lại được biết tới với lễ hội lồng tồng. Theo các tài liệu văn hóa ghi chép lại, lồng tồng hay lồng thồng trong tiếng Tày có nghĩa là xuống đồng, đây là dịp ăn mừng thắng lợi thu hoạch mùa màng kết thúc của bản làng cùng với đó cầu mong mùa sau sẽ bội thu hơn, mọi người trong làng sẽ no đủ. Lễ hội lồng tồng gắn liền với việc thờ cúng thần Nông – một vị thần được xem là cai quản nông nghiệp của người Tày, khối 7, phường Tam Thanh hiện nay vẫn có một ngôi miếu thờ thổ công và thần Nông, hằng năm, vào ngày 16 tháng Giêng, người dân trên địa bàn lại tổ chức lễ hội để tạ ơn thần Nông, lễ hội diễn ra đặc sắc và mang đậm nét văn hóa truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Thành, Khối trưởng khối 7, phường Tam Thanh cho biết: Để chuẩn bị cho lễ hội, trước nửa tháng, mọi công việc đã được triển khai, khối tổ chức họp và phân công cho từng người, ai vào việc của người đó, những người tham gia phục vụ và biểu diễn lễ hội đều là người dân trên địa bàn, họ tập hợp lại và cùng tập với nhau tạo nên sự gắn bó cộng đồng.

Lễ vật dâng cúng cho thần Nông được dân làng chuẩn bị bao gồm lợn quay (nựa mu sliêu), xôi ngũ sắc (khẩu nua đăm đeng), bánh chưng Tày (pẻng đéc), bánh bỏng (khẩu sli), mâm quả, vàng mã…; tất cả đều được chuẩn bị cầu kỳ và chu đáo. Ngoài ra, một số trò chơi cũng được chuẩn bị như ném còn, đẩy gậy, kéo co, đánh yến,…đều là những trò chơi dân gian đặc trưng của đồng bào Tày nơi đây.

Ngai thờ thần Nông được người dân rước xuống nơi tổ chức lễ hội

Ngày chính hội (16 tháng Giêng), từ sáng sớm, bà con cùng nhau tập hợp ở nhà văn hóa chuẩn bị lễ vật để dâng cúng lên thần Nông và thổ công, người thì quay lợn, người thì nấu xôi ngũ sắc, người thì sắp xếp mâm ngũ quả,…tất cả tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi đầu năm.

Đúng 12 giờ, đoàn rước các mâm lễ được đưa xuống miếu làng để “xin phép” thổ công cho dân làng được mở hội, đi đầu là đoàn sư tử với tiếng trống rộn ràng vui tươi tiếp sau các nam thanh nữ tú mặc trang phục truyền thống của người Tày bưng các mâm lễ đi nối theo nhau vừa tạo không khí trang trọng lịch sự vừa tái hiện sự thành kính đối với thần linh, tiếp đó là đội múa chầu tay cầm quạt tay cầm xóc nhạc diễn xướng những điệu múa mang tính tâm linh; đi sau là Pú Mo – nhân vật đại diện cho làng gửi những thông điệp tới các vị thần linh. Cuối cùng là các cụ cao tuổi và bà con Nhân dân trong làng, đoàn rước tạo không khí rộn ràng, phấn khởi cho một năm mới nhiều hy vọng.

Đến miếu, đoàn sư tử cùng với đoàn múa chầu phối hợp thể hiện các động tác múa chào mừng, các mâm lễ được đưa vào trong dâng lên thổ công, lúc này, ông Pú Mo sẽ đọc lời khấn: Hôm nay ngày lành tháng tốt, dân làng chúng con có chút lễ mọn tâm thành, dâng lên thổ công cai quản đất đai của làng Khòn Lèng và để xin cho chúng con được tổ chức lễ hội; sau lời khấn, ông sẽ báo cho dân làng biết thổ công đã “chấp thuận” cho làng mở hội, tiếng trống sư tử, tiếng hát then, tiếng xóc nhạc lại vang lên và hòa quyện vào nhau tạo nên âm hưởng vô cùng đặc sắc, đây là một trong những phần quan trọng của lễ hội. Sau khi việc trình báo thổ công đã xong, đoàn rước chính của hội rước bát nhanh thần Nông từ nhà văn hóa xuống chân núi Tô Thị, đây là không gian chính tổ chức lễ hội.

Đoàn rước lễ khởi hành với thứ tự chỉnh tề trang nghiêm, đi đầu là đội nam nữ hát lượn giao duyên và đoàn sư tử múa chào mừng, tiếp sau đó là ngai thờ đặt bát hương thần Nông – đối tượng được thờ cúng chính trong lễ hội, cùng với đó những mâm lễ sản vật đặc trưng của người Tày nào xôi ngũ sắc, nào lợn quay, nào các loại hoa quả, nào khoai nào sắn,…được các cô gái trong tà áo chàm thành kính bưng đi phía sau, cuối cùng là các cụ ông, cụ bà, đội văn nghệ tay cầm đàn tính, tất cả tạo nên không khí rộn ràng vui tươi của mùa lễ hội, đoàn rước đi đến đâu, các nhà đều chuẩn bị một mâm lễ bày ở ngoài sân để dâng cúng, họ tin rằng thông qua những lễ vật đó các vị thần thánh sẽ đem tới thật nhiều tài lộc cho gia đình trong năm tới.

Đội văn nghệ khối 7, phường Tam Thanh biểu diễn hát then tại lễ hội lồng tồng làng Khòn Lèng năm 2019

Đặc sắc nhất là phần tế lễ, múa chầu và hát lượn mời mẹ con nàng Tô Thị xuống cùng vui hội, phần này do một bà hát lượn giỏi nhất trong làng thực hiện, nội dung lời hát thể hiện sự ngưỡng mộ nàng Tô Thị và mời mẹ con Tô Thị “xuống” vui hội cùng dân làng. Đội tế lễ gồm các cụ cao niên trong làng, tay bê khay rượu, hương,… do Pú Mo dẫn đầu, Pú Mo thay mặt Nhân dân làng Khòn Lèng đọc lời khấn tạ ơn thần Nông năm qua đã phù hộ cho mùa màng bội thu bản làng no ấm và cầu mong năm tới lại càng thịnh vượng hơn. Tiếp phần lễ, đoàn người gồm đại biểu, nông dân trong làng do sư tử dẫn đầu ra cánh đồng gần đó tiến hành nghi thức cày ruộng và tra hạt đầu tiên của năm với ngụ ý năm nay sẽ được mùa bội thu.

 Sau phần lễ là phần hội với những trò chơi như: kéo co, tung còn, đánh yến,…mang đậm bản sắc của người Tày Lạng Sơn. Đoàn sư tử, đoàn người hát lượn sẽ biểu diễn xung quanh sân lễ hội tái hiện cảnh náo nức của bà con tại các làng các bản rủ nhau trẩy hội. Khi lễ hội kết thúc, mọi người cùng nhau hưởng những miếng “lộc thánh”, qua đó sự gắn kết cộng đồng lại càng được thể hiện rõ nét.

Có thể nói, đến với lễ hội Lồng Thồng nói chung, lễ hội làng Khòn Lèng nói riêng là đến với những điều mộc mạc, bình dị nhất của quê hương Xứ Lạng. Lễ hội mang nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc tại làng Khòn Lèng, để cầu mùa, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người người, nhà nhà được no ấm, hạnh phúc…

Bà Hoàng Thị Hường, người dân khối 7, phường Tam Thanh cho biết: Mỗi năm đến lễ hội, tôi và gia đình phấn khởi lắm. Trong dịp này, không chỉ bà con trong khu dân cư được tụ họp, cùng tổ chức và tham gia các hoạt động của lễ hội mà chúng tôi còn được đón họ hàng, bạn bè về chơi hội. Đây cũng là dịp để chúng tôi giới thiệu, quảng bá về những nét đẹp văn hóa truyền thống của Xứ Lạng đến người thân, bạn bè trong và ngoài tỉnh.

Ở thành phố Lạng Sơn, lễ hội chùa Tam Thanh và lễ hội lồng tồng làng Khòn Lèng là hai trong những lễ hội tiêu biểu nhất trên địa bàn, luôn thu hút đông đảo bà con và du khách thập phương tham dự. Điều đặc biệt là lễ hội còn gắn với những di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Lạng Sơn như: chùa Tam Thanh, núi Tô Thị… Lễ hội này sẽ là một trong những tài nguyên di sản văn hóa đặc sắc, góp phần tạo nên sức hút của du lịch thành phố Lạng Sơn.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/van-hoa/474292-vui-hoi-long-tong-lang-khon-leng.html

  • Từ khóa