Trao đổi kinh nghiệm thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính

Thứ 7, 01.07.2023 | 08:38:41
818 lượt xem

Sáng 30/6, tại Hà Nội, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp trực tuyến trao đổi kinh nghiệm thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).


Các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; đại diện UBND huyện Cao Lộc và UBND thành phố Lạng Sơn; lãnh đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, ngay sau khi các nghị định, quyết định trên được ban hành, 100% các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung. Đơn cử như: gắn kết việc số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC tại bộ phận “một cửa”; đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống “một cửa” điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin phục vụ xác thực, định danh và đơn giản hoá TTHC trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực tái cấu trúc quy trình, cung cấp 4.421 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 68,9%; 33/51 đơn vị triển khai thực hiện việc giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính; 48/51 tỉnh, thành phố đã thực hiện đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo thời gian thực trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới…

Tại Lạng Sơn, Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh và nhiều văn bản khác làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa thực hiện. Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo tiến độ đề ra và đạt kết quả tích cực. Nổi bật như: 124.706 hồ sơ giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp đã được số hoá lên kho dữ liệu số hoá của tỉnh trong năm 2022; thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại bộ phận “một cửa” giảm xuống trung bình còn tối đa 30 phút/lần đến giao dịch; kết nối thành công Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với phần mềm dịch vụ công liên thông của Bộ Công an để thực hiện liên thông, đồng bộ dữ liệu đối với 2 nhóm TTHC “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng”…

Tại cuộc họp, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã tham luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến và công tác tuyên truyền về TTHC; nâng cao năng suất hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức tại bộ phận “một cửa” các cấp; khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị định 61, Nghị định 107 và Quyết định 468; số hóa và sử dụng kết quả số hóa kết quả giải quyết TTHC; thanh toán trực tuyến qua dịch vụ công quốc gia…

Kết luận cuộc họp, lãnh đạo Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ mong muốn các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, trong đó nghiên cứu áp dụng những cách làm hay, sáng tạo được chia sẻ trong cuộc họp hôm nay phù hợp với thực tiễn đơn vị; đẩy mạnh nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết TTHC đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay; chú trọng công tác tập huấn theo hướng “cầm tay chỉ việc” cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là những người trực tiếp làm việc tại bộ phận “một cửa”.


HOÀNG HIẾU

https://baolangson.vn/xa-hoi/593374-trao-doi-kinh-nghiem-thuc-hien-co-che-mot-cua-mot-cua-lien-thong-trong-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh.html

  • Từ khóa