Thực hiện nếp sống văn minh Xây dựng hình ảnh đẹp tại các di tích

Thứ 3, 26.12.2023 | 14:55:00
954 lượt xem

Để góp phần thực hiện hiệu quả việc xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ những hình ảnh không đẹp tại các di tích, những năm qua, các cấp, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng.

Trưởng Ban thường trực tại di tích Thuỷ Cung, thành phố Lạng Sơn hướng dẫn một số quy định cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn khi tham quan di tích

Toàn tỉnh hiện có 335 di tích nằm trong danh mục kiểm kê của tỉnh, trong đó có 163 di tích kiến trúc nghệ thuật hay còn gọi là các di tích tín ngưỡng tâm linh (đền, đình, chùa…). Theo phong tục dân gian, mỗi năm hai lần, người dân đến các cơ sở thờ tự này để tham quan, vãn cảnh, cầu xin tài lộc với quan niệm “đầu năm xin lộc, cuối năm trả lễ”. Vì vậy, số lượng người dân, du khách đổ về các di tích tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh dịp này rất đông.

Chuyển biến tích cực

Những năm 2016 trở về trước, tại các di tích vẫn còn xuất hiện tình trạng sử dụng vàng mã tràn lan, rải tiền lẻ, người ăn xin chèo kéo khách tham quan, cùng đó, nhiều di tích xuống cấp, vấn đề vệ sinh môi trường không được đảm bảo và gặp khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư, khai thác để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Trước thực trạng đó, ngày 20/12/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 63/QĐ-UBND về quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, các huyện, thành phố trong tỉnh đã thành lập ban quản lý (BQL) di tích cấp huyện, xã để chỉ đạo, phát huy vai trò, tính chủ động trong công tác giữ gìn, phát huy giá trị các di tích. Nhờ đó, việc thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Du khách tham quan, lễ bái tại di tích đền Quỷ Môn Quan, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng

Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), trong thời gian qua, BQL các di tích đã xây dựng quy chế hoạt động, nội quy bảo vệ di tích cũng như hướng dẫn Nhân dân, khách tham quan và hành lễ nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ di tích, cảnh quan, môi trường; thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội; những bất cập, tiêu cực từng bước được đẩy lùi, cụ thể đến nay trên 90% số di tích đã hạn chế việc thắp hương, đốt vàng mã tràn lan, giải tiền lẻ, ăn xin…

Đầu tháng 12/2023, chúng tôi có dịp trở lại thăm di tích đền Mẫu Đồng Đăng, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Tại đây, theo quan sát của phóng viên, các ban thờ không có tình trạng rải tiền lẻ tràn lan, phía trước cổng không còn hình ảnh người ăn xin chèo kéo xin tiền du khách.

Bà Đỗ Thị Thúy, Thủ nhang, Phó Trưởng BQL di tích đền Mẫu Đồng Đăng cho hay: Trung bình mỗi năm, di tích thu hút hơn 10.000 lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Để thực hiện nếp sống văn minh của người dân, du khách khi đến tham quan tại di tích, chúng tôi đã bố trí các thành viên trong BQL thường trực, nhắc nhở người dân và du khách, đồng thời, lắp đặt hệ thống loa để tuyên truyền người dân, du khách chấp hành nội quy tại di tích. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với bộ phận chuyên môn của UBND thị trấn thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh những biểu hiện sai phạm về sử dụng và khai thác giá trị di tích…

Không riêng di tích đền Mẫu Đồng Đăng, những năm qua, việc thực hiện nếp sống văn minh đã được các di tích trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện. Đặc biệt, Lạng Sơn có hơn 200 lễ hội đặc sắc, trong đó hầu hết lễ hội được tổ chức tại các điểm di tích tiêu biểu như: Chùa Bắc Nga (Cao Lộc); đền Kỳ Cùng – Tả Phủ, chùa Tam Thanh, chùa Thành (thành phố Lạng Sơn); chùa Tân Thanh (Văn Lãng); đền Bắc Lệ (Hữu Lũng), hội Ná Nhèm tổ chức tại đình Làng Mỏ (Bắc Sơn)… đã và đang thực hiện tốt nếp sống văn minh tại các di tích, trở thành điểm thu hút rất đông người dân và du khách trên mọi miền đất nước đến tham quan, vui hội và chiêm bái.

Công tác thực hiện nếp sống văn minh luôn được BQL các di tích tổ chức lễ hội chủ động thực hiện. Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, Trưởng BQL di tích chùa Bắc Nga cho biết: Từ đầu năm 2018, UBND xã đã thành lập BQL di tích với 8 thành viên, trong đó có 5 thành viên thuộc UBND xã. Ban đã xây dựng quy chế hoạt động riêng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đặc biệt, dịp lễ hội hằng năm chúng tôi phối hợp phân công nhiệm vụ từng thành viên, từ công tác quy hoạch các điểm bán hàng đến đảm bảo an ninh trật tự… trong đó, công tác vệ sinh môi trường được giao cho thanh niên ở các thôn và các trường học thực hiện, nhờ đó những năm gần đây, dù lượng khách đổ về đông với lượng rác thải lớn, nhưng ngay khi lễ hội kết thúc chúng tôi đã tiến hành dọn dẹp và trả lại môi trường sạch đẹp cho di tích.

Từ việc thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích góp phần xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng du khách. Anh Hoàng Văn Dũng đến từ Hà Nội cho biết: Tôi đã đi lễ chùa Tam Thanh và đền Bắc Lệ từ năm 2019. Dịp cuối năm 2023, tôi có quay trở lại các di tích và rất ấn tượng về việc thực hiện nếp sống văn minh tại đây. Mặc dù cuối tuần khách lên đây khá đông nhưng chính quyền xã đã có sự chuẩn bị, điều tiết tốt nên không xảy ra tình trạng tắc đường, an ninh trật tự được đảm bảo. Du khách đến vãn cảnh di tích đều được nhắc nhở tuân thủ theo các quy định và họ đều có ý thức giữ vệ sinh môi trường.

Sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành

Một trong những yếu tố tạo nên bước chuyển tích cực này là công tác tuyên truyền, vận động được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai với nhiều giải pháp hiệu quả.

Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương và cộng đồng đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, hằng năm, sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, địa phương, các ban quản lý di tích và các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan triển khai thực hiện hiệu quả một số nội dung như: thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn; đảm bảo di tích thường xuyên được bảo vệ; mở cửa để phục vụ Nhân dân và khách tham quan; có nội quy hướng dẫn bảo vệ, phát huy giá trị di tích, thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa tại di tích; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường tại di tích được thực hiện đúng quy định…

Được biết, từ năm 2017 đến nay, Sở VHTT&DL đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền, lồng ghép về thực hiện nếp sống văn minh tới 11/11 huyện, thành phố cho hàng nghìn lượt người.

Cùng với đó, ngành văn hoá đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích, cao điểm trong dịp lễ hội. Được biết từ năm 2017 đến nay, ngành VHTT&DL đã tổ chức gần 30 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với gần 100 lượt di tích.

Thành phố là địa bàn tiêu biểu trong thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích. Ông Trần Lệnh Trưởng, Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Thành phố hiện có 28 điểm, khu di tích; trong đó có 18 di tích kiến trúc nghệ thuật là các cơ sở tín ngưỡng. Nhằm đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích này, thời gian qua, phòng đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường thành lập và kiện toàn BQL di tích, ban thường trực tăng cường quản lý các hoạt động tại di tích, hướng dẫn niêm yết và tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các điểm di tích…

Cùng với thành phố, hiện nay, BQL di tích cấp huyện đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý và thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích cũng như tích cực thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tuyên tuyền qua loa đài, in tờ rơi… để vận động nhân dân và du khách chấp hành quy định tại các điểm di tích. Đến nay, gần 100% các di tích là các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh đều có ban khánh tiết hoặc người đại diện hướng dẫn người dân và du khách. Đồng thời, trên 95% các di tích được niêm yết quy định, quy tắc ứng xử chung xây dựng quy định văn minh tại các di tích…

Với sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương, vai trò trách nhiệm của các ban quản lý, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại các di tích trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã diễn ra lành mạnh, phù hợp với nếp sống văn minh.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/633072-thuc-hien-nep-song-van-minh-xay-dung-hinh-anh-dep-tai-cac-di-tich.html

  • Từ khóa