Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Ghi nhận sau hơn nửa nhiệm kỳ hoạt động

Thứ 6, 05.01.2024 | 08:41:17
671 lượt xem

Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã đi được hơn nửa nhiệm kỳ hoạt động, đến nay đã tham gia nhiều ý kiến phát biểu cũng như chất vấn sôi nổi trên nghị trường. Cùng với đó, Đoàn ĐBQH và các đại biểu còn tích cực đổi mới các hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT), tăng cường hoạt động giám sát, tạo niềm tin trong cử tri và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đăng ký phát biểu ý kiến tại hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu tổ chức tại Ai Cập (tháng 6/2022) 

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các ĐBQH tỉnh đã nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đại biểu, thực hiện tốt công tác tổ chức, bầu trưởng đoàn, phó trưởng đoàn và cho ý kiến đối với các nhân sự dự kiến cơ cấu vào các vị trí lãnh đạo cấp cao trong bộ máy nhà nước (nhiệm kỳ 2021 – 2026). Tính đến thời điểm hiện tại, Đoàn ĐBQH tỉnh gồm có 5 đại biểu; 100% đại biểu đều có trình độ đại học trở lên, trong đó có 2 đại biểu trình độ Tiến sĩ; 5/5 đại biểu có trình độ lý luận chính trị cao cấp; 5/5 đại biểu tham gia Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; 1 đại biểu nữ tham gia nhóm Nghị sĩ nữ của Quốc hội.

Tích cực tham gia xây dựng các dự án luật

Trong hơn nửa nhiệm kỳ qua, công tác tham gia xây dựng các dự án luật được Đoàn ĐQBH tỉnh rất chú trọng. Trên cơ sở nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện. Đoàn phân công từng ĐBQH theo lĩnh vực chuyên ngành phụ trách, phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức lấy ý kiến đối với các dự án luật; thường xuyên cải tiến phương pháp tổ chức, cách thức lấy ý kiến nhằm huy động được nhiều cơ quan, tổ chức, chuyên gia tham gia.

Trước khi tham gia kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu luôn có sự chuẩn bị rất nghiêm túc, kỹ càng. Đoàn cũng phân công các ĐBQH nghiên cứu chuyên sâu để có những ý kiến tham gia đóng góp vào các dự thảo Luật tại các kỳ họp. Nhiều ý kiến có chất lượng, sát với thực tiễn cuộc sống, mang tính phản biện cao đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, giải trình, chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua.

Không chỉ tham gia bàn sâu về các dự án luật được trình, tại các kỳ họp, ĐBQH tỉnh còn thẳng thắn, tâm huyết nêu ý kiến và đề xuất thêm các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho sự phát triển của tỉnh. Từ năm 2021 đến hết năm 2023, Quốc hội khoá XV đã tổ chức được 4 kỳ họp bất thường và 6 kỳ họp thường kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia các kỳ họp đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm, đóng góp ý kiến xây dựng 28 dự án luật thông qua và 27 dự án luật cho ý kiến, 68 nghị quyết và nhiều chủ trương chính sách phát triển kinh tế – xã hội khác.

Cử tri thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng nêu kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV

Đơn cử như tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (2 đợt, kéo dài từ ngày 22/5 đến ngày 24/6/2023), các ĐBQH tỉnh đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu và tham gia phát biểu 30 lượt ý kiến góp ý vào các dự thảo luật và một số nội dung quan trọng (trong đó, có 11 lượt ý kiến phát biểu thảo luận trực tiếp tại hội trường, 19 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ). Các ĐBQH trong đoàn đã có 3 lượt chất vấn, tranh luận tại hội trường. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, có 14 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường; 13 ý kiến phát biểu tại tổ; 1 lượt chất vấn). Ý kiến chất vấn, tranh luận của ĐBQH tỉnh đã phản ánh được những vấn đề bức xúc của xã hội, những vấn đề còn hạn chế trong quản lý, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV (tháng 11/2023), tôi đã tham gia phát biểu nhiều ý kiến tại tổ và trên hội trường, trong đó có ý kiến tranh luận với đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa về việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn sách giáo khoa. Tôi cho rằng thời điểm này không nên giao cho Bộ GD&ĐT biên soạn bộ sách giáo khoa mà nên tập trung nghiên cứu, lựa chọn 1 bộ sách giáo khoa và sử dụng có hiệu quả bộ sách giáo khoa được lựa chọn. Việc lựa chọn nên trên cơ sở các bộ sách giáo khoa hiện tại đã có để đảm bảo phù hợp với năng lực giảng dạy của giáo viên và năng lực học tập của học sinh tại từng địa phương. Ý kiến tranh luận đã nhận được sự hưởng ứng đồng tình của nhiều đại biểu dự họp và ý kiến giải trình của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Theo đó, về ý kiến biên soạn sách giáo khoa, Bộ trưởng cho rằng, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần làm là thẩm định chất lượng các sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới. Về vấn đề được giao, bộ sẽ có đánh giá tổng thể, sâu sắc về vấn đề này và sẽ có đề đạt phương án với Quốc hội.

Tăng cường giám sát và tiếp xúc cử tri

Không chỉ tích cực tham gia xây dựng các dự án luật, sôi nổi phát biểu trên nghị trường, Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH cũng tăng cường giám sát và tổ chức các hoạt động TXCT, thông tin kịp thời những nội dung được bàn và quyết định tại các kỳ họp đến với cử tri và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Nét mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri là bên cạnh hình thức TXCT trước và sau kỳ họp tại đơn vị ứng cử, Đoàn ĐBQH tỉnh còn tổ chức các buổi TXCT theo chuyên đề, đối tượng; tiếp cử tri tại nơi làm việc, nơi cư trú của ĐBQH; tổ chức cho ĐBQH luân phiên TXCT ở các huyện, thành phố. Qua đó đã kịp thời nắm bắt, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri ở nhiều nội dung và trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 15 cuộc TXCT, với tổng số trên 4 nghìn đại biểu cử tri tham dự, trong đó có 4 cuộc TXCT chuyên đề. Qua các cuộc TXCT đã có 300 lượt cử tri phát biểu; tổng hợp, phân loại trên 500 kiến nghị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có 200 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương, 300 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan ở địa phương.

Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, Đoàn ĐBQH đã thường xuyên theo dõi, giám sát kỹ lưỡng các cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý các kiến nghị, bức xúc của cử tri; đồng thời, đưa ra những kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết thấu đáo các vấn đề mà cử tri quan tâm.

Ông Nguyễn Văn An, cử tri thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng cho biết: Tại buổi TXCT của Đoàn ĐBQH tỉnh trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV, tôi và một số cử tri trên địa bàn đã nêu ý kiến đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh, các cấp, ngành quan tâm xử lý dứt điểm các loại tội phạm liên quan đến hoạt động gọi điện thoại xưng danh các cơ quan chức năng Nhà nước nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; xem xét sửa đổi một số khoản của Thông tư 02 của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030; việc thực hiện dự án khu dân cư trung tâm huyện Hữu Lũng còn chậm gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh; việc xử lý vi phạm xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp; tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn… Qua theo dõi diễn biến các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp thứ 6, chúng tôi thấy nhiều nội dung đã được ĐBQH tỉnh tổng hợp và nêu ý kiến tại thảo luận tổ và trên nghị trường, qua đó giúp củng cố thêm niềm tin của cử tri đối với các ĐBQH tỉnh.

Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh xác định công tác giám sát là một trong những nội dung rất quan trọng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với HĐND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức giám sát trên địa bàn tỉnh được 16 cuộc chuyên đề theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, căn cứ thực tế địa phương và những vấn đề bức xúc được cử tri và nhân dân quan tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh đã lựa chọn 4 chuyên đề phù hợp để tổ chức giám sát tại địa phương. Tất cả các cuộc giám sát đều được tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.

Đồng chí Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận những kết quả đạt được và phát hiện kịp thời những hạn chế, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện; bất cập trong cơ chế chính sách của Nhà nước, của tỉnh. Từ đó, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nhằm phát huy hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn. Từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 12/2023, qua giám sát, khảo sát, đoàn đã tổng hợp 87 ý kiến, kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương; 75 ý kiến, kiến nghị gửi UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh xem xét giải quyết. Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh còn thực hiện hiệu quả công tác giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp nhận khoảng 161 lượt văn bản của bộ, ngành trung ương về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn gửi đến trước và sau các kỳ họp Quốc hội; đồng thời tiếp nhận, tổng hợp đối với 16 văn bản của các sở, ngành tỉnh về việc trả lời kiến nghị của cử tri do Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến. Đoàn đã tổng hợp, thông báo đến các cơ quan liên quan và cử tri của tỉnh được biết theo quy định.

Qua nửa nhiệm kỳ hoạt động, với nhiều nỗ lực, cố gắng của Đoàn ĐBQH tỉnh, mỗi cá nhân ĐBQH, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn khóa XV đã để lại nhiều dấu ấn đối với cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của cử tri..


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/635297-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-ghi-nhan-sau-hon-nua-nhiem-ky-hoat-dong.html

  • Từ khóa