Với quyết tâm tạo lập chỗ ở cho người thu nhập thấp, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhất là tại các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp.
Nhà ở dành cho công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. (Ảnh NGỌC HÙNG) |
Nhiều tháng nay, anh Nguyễn Văn Thành, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh rất phấn khởi trước thông tin về dự án xây dựng 720 căn nhà ở xã hội tại Dự án Khu nhà ở đô thị Kim Hoa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh.
Anh Thành chia sẻ, vợ chồng anh đã tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin dự án, gồm chín tòa nhà, quy mô 720 căn hộ, mỗi căn hộ diện tích 62 đến 69m2. Dự án được quy hoạch, thiết kế hiện đại và đồng bộ với đầy đủ công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng, hệ thống công viên, cây xanh, kết nối thuận lợi với Quốc lộ 2, đường vành đai 4, dự kiến sẽ bàn giao căn hộ trong quý IV/2024.
Mặc dù giá bán căn hộ chưa được chủ đầu tư công bố, nhưng anh Thành dự đoán sẽ thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại, nhờ được thành phố hỗ trợ nhiều chính sách liên quan đất đai, thuế phí, vốn vay ngân hàng để hỗ trợ chỗ ở cho các công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp đang phải thuê nhà trọ giá cao để sinh sống, lao động.
Mới đây, tại Khu đô thị mới Thanh Lâm-Đại Thịnh 2, huyện Mê Linh, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị đã khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội CT-05 và CT-06, với tổng số 280 căn. Các căn hộ tại dự án được thiết kế thông thoáng có diện tích từ 57,5m2 đến 66,5m2, rất phù hợp nhu cầu, khả năng tài chính của công nhân.
Đáng chú ý, dự án được hưởng hệ thống dịch vụ tiện ích, công viên cây xanh, cảnh quan như siêu thị, trường mầm non, khu để xe tập trung trong nhà và ngoài trời, khu tập thể dục thể thao, khu sinh hoạt cộng đồng.
Đại diện Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh cho biết, Khu công nghiệp Quang Minh thu hút gần 18.000 lao động làm việc, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, nhiều năm nay, việc giải quyết chỗ ở cho công nhân lao động còn nhiều khó khăn.
Phần lớn công nhân lao động phải thuê nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng, với giá thuê nhà, điện sinh hoạt, nước sạch cao. Vì thế, Ủy ban nhân dân huyện và chủ đầu tư chủ động phối hợp các cấp, ngành để hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội. Các dự án nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không chỉ góp phần giải quyết chỗ ở cho công nhân Khu công nghiệp Quang Minh, mà còn thu hút người lao động Khu công nghiệp Kim Hoa, Khu công nghiệp Phúc Thắng (thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đến sinh sống.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian qua, thành phố đã tập trung hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở được duyệt, cơ bản đáp ứng nhu cầu về nhà ở, góp phần nâng cao điều kiện, chất lượng sống cho người dân Thủ đô. Công tác đầu tư xây dựng nhà ở, khu nhà ở xã hội đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã gắn với chỉnh trang, phát triển đô thị.
Nhà ở xã hội được đầu tư với nhiều hình thức đa dạng từ các nguồn lực xã hội, như đầu tư phát triển mới các dự án nhà ở xã hội độc lập; dành diện tích đất, diện tích sàn nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội; nghiên cứu thí điểm xây dựng năm khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và cho học sinh, sinh viên đều chưa đạt so với mục tiêu kế hoạch đưa ra.
Giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phát triển mới khoảng 1.215.000m2 sàn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với giá phù hợp khả năng chi trả của các hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất; đồng thời chuẩn bị đầu tư từ một đến hai khu nhà ở xã hội tập trung và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết từ hai đến ba khu. Cùng với đó, thành phố đẩy nhanh thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị; yêu cầu chủ đầu tư phải bố trí ít nhất từ 20 đến 25% quỹ đất của dự án để xây dựng nhà ở xã hội.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tang-nguon-cung-nha-o-xa-hoi-post791179.html