Bắt đầu “mở sóng” từ năm 1993, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới áp dụng công nghệ 2G (GMS). Tuy nhiên, khi các công nghệ tiên tiến hơn như 3G, 4G và nhất là 5G đang ngày càng trở nên phổ biến, sứ mệnh của mạng 2G đã hoàn tất. Việc sớm “tắt sóng” 2G sẽ giúp tối ưu hạ tầng, nguồn lực cho những mạng di động mới, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Nhân viên kỹ thuật của Viettel lắp đặt trạm thu phát di động (BTS) 4G.
Theo số liệu thống kê, hiện trên cả nước vẫn còn khoảng 15 triệu thuê bao 2G. Để chuẩn bị cho quá trình “tắt sóng” 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã sớm ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất” chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2021, buộc các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.
Xu hướng tất yếu
Ở thời điểm năm 1993 khi mạng 2G chính thức được triển khai tại Việt Nam, 95-97% mạng viễn thông thế giới vẫn là analog. Việc “đi tắt đón đầu” dù gây không ít khó khăn cho ngành bưu chính viễn thông Việt Nam lúc đó, nhưng cũng nhờ quyết định táo bạo này, đã tạo ra bước nhảy vọt đối với sự phát triển của viễn thông trong nước, từng bước đưa nước ta trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân dùng mạng di động lớn nhất toàn cầu.
Nhưng theo dòng chảy thời gian, các thành tựu của khoa học-công nghệ đã lần lượt phát triển thêm nhiều công nghệ mạng di động mới hiện đại, tối ưu hơn, đồng thời đem đến những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, nhất là hỗ trợ internet thông suốt trên các thiết bị thông minh. Đến nay, mạng 4G cũng như 5G đã trở thành mạng di động phổ biến, đáp ứng được yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, toàn diện. Trong khi đó, những thiết bị công nghệ 2G đời cũ đã không còn đáp ứng được yêu cầu trở thành “công dân số” trong thời đại số hóa toàn cầu hiện nay.
Mặt khác, theo nhiều nghiên cứu của các công ty, nhà mạng trên thế giới, mạng 2G có thủ tục đăng nhập/kết nối đơn giản nên đã được xem là “lỗi thời” và chứa nhiều lỗ hổng mà tội phạm mạng có thể lợi dụng để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn giả mạo,... đến thiết bị người dùng qua sóng mạng 2G qua các trạm BTS giả mạo, gây ra không ít thiệt hại đối với người dùng. Về phát triển công nghệ mạng, việc duy trì sóng 2G cũng đang chiếm các băng tần có thể được sử dụng cho việc phát triển sóng mạng 5G hoặc 6G trong tương lai. Do đó, yêu cầu “tắt sóng” mạng 2G đang ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết để bảo đảm quyền lợi cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.
Chuyên gia mạng không dây của Huawei Nguyễn Duy Luân cho biết, “tắt sóng” các công nghệ cũ như 2G, 3G là xu hướng chung của thế giới. Theo thống kê của Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA), đến cuối tháng 6/2023, có 149 nhà mạng đã và đang tắt công nghệ cũ. Nhiều quốc gia như Nhật Bản đã tắt mạng 2G từ tháng 9/2012, Singapore từ tháng 4/2017, hay Đài Loan (Trung Quốc) từ tháng 12/2017.
Chuẩn bị đầy đủ các phương án
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, lựa chọn phương án “tắt sóng” 2G là để thúc đẩy thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Chương trình đặt mục tiêu phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam. Đây là cuộc cách mạng để thúc đẩy chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số một cách nhanh chóng, trở thành động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh, mạnh hơn trong thời gian tới; bởi 100% người dân sử dụng điện thoại thông minh sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, sử dụng nhiều hơn dịch vụ dữ liệu, nhà mạng cũng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.
Theo kế hoạch, tháng 9/2024 tới là thời điểm giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần vô tuyến điện mạng 2G của các nhà mạng trong nước sẽ hết hạn. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều bước chuẩn bị cho quá trình này.
Đơn cử, ngày 27/9/2022, Bộ ban hành Công văn số 4833/BTTTT-CVT về việc định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động này, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch dừng công nghệ di động thế hệ cũ 2G để tối ưu hóa mạng lưới, tiết kiệm chi phí vận hành và dành băng tần cho các công nghệ di động thế hệ mới.
Bên cạnh đó, Bộ đã làm việc với các nhà mạng, yêu cầu cam kết phải triển khai vùng cung cấp dịch vụ thông tin di động mới song song với việc dừng công nghệ 2G để cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn, bảo đảm quyền lợi của khách hàng cũng như tuân thủ các quy định liên quan.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phong Nhã cho biết, Bộ đã tham mưu Chính phủ phê duyệt khoản hỗ trợ các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo để chuyển đổi thiết bị đầu cuối 2G sang thiết bị thông minh. Một số địa phương cũng muốn phổ cập điện thoại thông minh cho người sử dụng thông qua chương trình hỗ trợ, triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến để người dân khai thác, sử dụng.
Về phía các nhà mạng, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom (Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel) Nguyễn Trọng Tính khẳng định, việc “tắt sóng” 2G là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế, mong muốn của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như với nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn hiện nay.
Từ bốn năm trở lại đây, Viettel đã triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi 2G lên 4G của các khách hàng một cách nhanh chóng. Phó Trưởng ban Công nghệ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Nguyễn Phúc Khánh chia sẻ: Từ lúc lưu lượng 2G còn khá cao, VNPT đã xác định chiến lược “tắt sóng” 2G, đưa vào hoạt động xây dựng kế hoạch, phát triển mạng lưới, ưu tiên chỉ còn triển khai 2G kết hợp 3G và 4G. VNPT cũng xây dựng kế hoạch, giải pháp để đến tháng 9/2024 cam kết thực hiện chuyển đổi tất cả thuê bao 2G của mình (hiện còn khoảng ba triệu thuê bao) một cách tối ưu, hướng tới không để người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Theo nhandan.vn