Cuối năm, tình trạng tắc đường trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người dân sinh sống ở Hà Nội. Trước đây, đường chỉ tắc vào giờ cao điểm thì nay, đường có thể tắc bất cứ lúc nào, từ sáng đến tối.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, càng cận kề Tết Nguyên đán, nhiều tuyến đường, phố của TP Hà Nội rơi vào tình trạng ùn tắc kéo dài.
Các tuyến đường, phố thường xảy ra ùn tắc như Nguyễn Trãi (đoạn từ đối diện trường Đại học Hà Nội đến lối xuống hầm chui Thanh Xuân), Nguyễn Xiển, Ngã Tư Sở, Trường Chinh, Láng, Đại lộ Thăng Long đi Khuất Duy Tiến...
Những ngày này, đường Vành đai 3 trên cao thường xảy ra ùn tắc từ sáng đến chiều tối, là nỗi ám ảnh đối với nhiều tài xế khi phải di chuyển trên cung đường này.
Anh Hà Đô (35 tuổi, quê Giao Thủy, Nam Định), chạy ô tô chuyến Nam Định - Hà Nội chia sẻ, nhiều chuyến xe anh đi từ đầu cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ về Nam Định khoảng 80km chỉ mất gần 2 tiếng nhưng để đi hết đường Vành đai 3 trên cao chỉ hơn 10km mà mất hơn 2 tiếng.
Ô tô xếp thành hàng dài nhích từng mét trên đường Vành đai 3 trên cao.
Để thoát ùn tắc, nhiều ô tô đã đi vào làn đường khẩn cấp ở đường Vành đai 3 trên cao.
Làn xe khẩn cấp trên đường Vành đai 3 trên cao chỉ được sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp như xe gặp sự cố, sức khỏe người lái không bảo đảm và một số phương tiện ưu tiên mới được phép đi... Quy định là vậy, song vẫn có rất nhiều người điều khiển phương tiện đi vào làn đường này.
12h ngày 20/1 (thứ bảy), nút giao Khuất Duy Tiến đi Trần Duy Hưng chật kín các phương tiện, ùn tắc kéo dài hàng trăm mét. Những ngày gần Tết ai cũng có nhu cầu đi lại, người thì đi mua sắm, người đi lễ lạt, buôn bán ngày Tết.
Nút giao Đại lộ Thăng Long đi Khuất Duy Tiến (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chiều 20/1, mật độ phương tiện tăng cao, hàng trăm ô tô xếp hàng dài hơn 1km.
Ô tô xếp thành 5-6 hàng nối đuôi nhau trên Đại lộ Thăng Long.
Chờ 5 nhịp đèn tín hiệu nhưng chưa thoát khỏi Đại lộ Thăng Long, anh Trần Minh Hà (36 tuổi, quê Bình Định), tài xế chạy xe container cho biết, khi đường ùn tắc các tài xế cố gắng đi đúng làn đường và chỉ chuyển làn khi thực sự cần thiết để tránh gây ức chế cho những người tham gia giao thông xung quanh và đảm bảo an toàn.
"Chỉ lưu thông một cách tuần tự mới có thể sớm thoát khỏi ùn tắc và đảm bảo an toàn", anh Hà chia sẻ.
Nhiều người đi lên vỉa hè đường Khuất Duy Tiến để thoát tắc.
Những ngày cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, lượng xe cá nhân lưu thông dày đặc hơn cũng là nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường, phố ùn tắc kéo dài.
Dọc theo đường Láng, từ khu Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở mật độ giao thông luôn đông đúc, các phương tiện di chuyển khó khăn.
"Đường tắc từ sáng đến tối, khách muốn vào mua hàng cũng không có chỗ để xe vì vỉa hè quá chật, còn đường thì tắc", anh Trần Văn Toán (38 tuổi, buôn bán tại mặt đường Láng) than thở.
Ngoài phương tiện cá nhân tăng cao, nhiều tuyến đường, phố của Hà Nội bị thu hẹp do có hàng rào thi công hoặc các dự án chỉnh trang đường, vỉa hè cũng là nguyên nhân gây ra ùn tắc.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán. Thời điểm cận Tết, hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách ra, vào Thủ đô diễn ra sôi động, tấp nập sẽ dẫn đến mật độ phương tiện tăng cao gây áp lực không nhỏ cho các tuyến đường, phố ở Hà Nội.
Theo dantri.com.vn