An toàn vệ sinh thực phẩm mùa lễ hội: Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng kiểm tra

Thứ 2, 19.02.2024 | 09:22:09
949 lượt xem

Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, trên địa bàn tỉnh diễn ra gần 300 lễ hội. Đây cũng là dịp các dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn uống và mua sắm cho du khách du xuân trở nên sôi động. Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) mùa lễ hội xuân 2024, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về VSATTP.

Các quầy hàng ăn uống tại lễ hội lồng tồng xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn chế biến đồ ăn phục vụ nhu câu của du khách 

Lễ hội lồng tồng xã Quảng Lạc được tổ chức vào ngày 5 tháng Giêng (tức ngày 14/2/2024) là lễ hội đầu tiên trên địa bàn thành phố Lạng Sơn thu hút khá đông khách tham quan. Để đảm bảo VSATTP trong thời gian diễn ra lễ hội, công tác quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được UBND xã Quảng Lạc đặt lên hàng đầu.

Ông Phạm Đình Duy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc cho biết: Ngay từ trước Tết Nguyên đán, chúng tôi đã thành lập đội kiểm tra liên ngành về đảm bảo ATTP, tăng cường kiểm tra những mặt hàng người dân tiêu thụ nhiều trong dịp lễ hội như đồ ăn uống nhanh, các loại thực phẩm đóng gói… đồng thời tuyên truyền người dân phải kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, bán hàng có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo VSATTP và giữ gìn vệ sinh khu vực kinh doanh.

Từ đầu tháng 1/2024 đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra 2.186 cơ sở, trong đó có 1.354 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 656 cơ sở dịch vụ ăn uống, gần 180 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Qua kiểm tra, có 1.945/2.186 cơ sở chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP, chiếm gần 89% tổng số cơ sở kiểm tra; 118 cơ sở chưa chấp hành nghiêm túc các quy định khi kinh doanh. Các đoàn kiểm tra đã tịch thu và tiêu hủy một số mặt hàng thực phẩm hết hạn sử dụng, thực phẩm không rõ nguồn gốc như: chân gà, xúc xích, sữa…, xử phạt vi phạm trên 330 triệu đồng.

Hòa mình vào dòng người tham gia lễ hội lồng tồng xã Quảng Lạc, chúng tôi nhận thấy trên 30 quán ăn, quầy hàng được Ban tổ chức lễ hội bố trí cách xa trục đường giao thông. Nhìn chung, các quán này thực hiện tốt các quy định về đảm bảo VSATTP. Khu vực chế biến đồ ăn được sắp xếp gọn gàng, che đậy cẩn thận. Người chế biến thức ăn đã đeo khẩu trang, găng tay, dụng cụ chế biến thức ăn sạch sẽ.

Bà Nguyễn Thị Xuân ở xã Quảng Lạc chia sẻ: Tôi thường xuyên bán hàng ăn uống, đồ chơi tại các lễ hội. Khi được các cơ quan tuyên truyền, tôi chủ động mua các loại thực phẩm như xúc xích, nước ngọt… tại cửa hàng có địa chỉ cụ thể. Khi chế biến, tôi đeo khẩu trang và che đậy thức ăn cẩn thận.

Vào những ngày này, tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc có rất đông du khách thập phương đến tham quan và đi lễ đầu năm. Đặc biệt là ngày 10 tháng Giêng, trên địa bàn thị trấn sẽ diễn ra lễ hội xuân, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, du khách từ Trung Quốc đến du xuân. Ông Trần Duy Hiệu, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 cho biết: Xung quanh khu vực Đền Mẫu Đồng Đăng có 8 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Sau kỳ nghỉ tết, chúng tôi chỉ đạo cán bộ kiểm tra các cơ sở này về việc kinh doanh hàng hóa đảm bảo đúng nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và VSATTP. Đối với dịch vụ bán hàng ăn trên đường phố, trong ngày diễn ra lễ hội chúng tôi tăng cường kiểm tra các điều kiện về dụng cụ bảo quản, chế biến thức ăn, nguồn gốc thực phẩm… Trong quá trình kiểm tra kết hợp tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm VSATTP cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo kiểm tra liên ngành về VSATTP tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 2.549 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 1.335 quầy hàng kinh doanh thức ăn đường phố. Trong các ngày diễn ra lễ hội, số lượng quầy hàng kinh doanh thức ăn đường phố sẽ tăng lên đáng kể, mang tính chất thời vụ. Các loại thực phẩm tiêu thụ lớn trong dịp lễ hội gồm: bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, các loại thực phẩm chế biến, bao gói sẵn ăn ngay, các quán bún phở…

Nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và người kinh doanh về vấn đề VSATTP, trong tháng 1/2024, lực lượng chức năng trong tỉnh đã tổ chức 113 buổi tuyên truyền trực tiếp đến trên 780 lượt người, treo trên 200 băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, phát trên 2.000 tờ gấp cho 4.000 lượt người dân về các kiến thức, quy định của pháp luật về ATTP. Qua đó, nhận thức của người tiêu dùng, chủ các cơ sở kinh doanh ngày càng được nâng cao, chấp hành khá tốt các quy định trong bảo đảm VSATTP.

Theo ông Nguyễn Nam Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh, các lễ hội trên địa bàn tỉnh bắt đầu diễn ra từ ngày mùng 3 tháng Giêng. Hiện nay, 212 đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP từ cấp tỉnh đến cấp xã bắt đầu ra quân kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhất là loại hình dịch vụ thức ăn đường phố tại lễ hội xuân. Cùng đó, đoàn cũng giám sát việc thực hiện kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định… Đến nay, trong tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các đợt kiểm tra tại lễ hội, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm để đảm bảo an toàn sức khỏe cho du khách và Nhân dân trên địa bàn.

Mùa lễ hội xuân trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều nhất vào tháng Giêng và kéo dài hết tháng 3, tháng 4 âm lịch. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp cũng như ngành chức năng, người dân, du khách cũng cần tự nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của mình, không sử dụng những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác… để có một mùa lễ hội vui tươi, an toàn.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/van-de-hom-nay/644779-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-mua-le-hoi-day-manh-tuyen-truyen-tang-kiem-tra.html

  • Từ khóa