Đánh giá lưu lượng xe là một phần nguyên nhân gây ra tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Cục Đường bộ đang tính phương án dồn xe tải cỡ lớn và xe khách trên 30 chỗ sang quốc lộ 1.
Trong bối cảnh tai nạn vẫn xảy ra liên tiếp trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức họp trong sáng 27/3 để bàn về việc cấm xe cỡ lớn.
Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Đường bộ Nguyễn Xuân Cường yêu cầu làm rõ 2 nội dung: Có cần thiết phải phân luồng phương tiện giữa cao tốc và quốc lộ hay không? Và nếu phải dồn thì dồn phương tiện nào?
Tư vấn thiết kế Trường Sơn cho biết công tác đếm xe trên cao tốc này đã hoàn tất. Kết quả cho thấy lưu lượng trung bình là 9.599 xe tiêu chuẩn (PCU) trên một ngày đêm. Nếu so với năng lực thông hành theo thiết kế là 9.200-11.000 PCU, cao tốc đã "chớm" ngưỡng mãn tải.
Các đơn vị đã dành ra 3 ngày để đếm lưu lượng xe trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Ảnh: Vi Thảo).
Trong khi đó, lưu lượng trên quốc lộ 1 chạy song hành chỉ khoảng 27.000 PCU (còn dư thừa 6.000 PCU nữa mới mãn tải).
Trên cơ sở chênh lệch lưu lượng, Tư vấn đề xuất cấm xe khách trên 30 chỗ và xe đầu kéo, xe tải nặng từ 6 trục trở lên lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, dồn các phương tiện này sang quốc lộ 1. Nếu lệnh cấm này được thực thi, cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ giảm được 3.477 PCU/ngày đêm.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy xe tải cỡ lớn đang gây ra nhiều phiền toái trong việc vận hành cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Do địa hình cao tốc nhiều đèo dốc, ban đêm có sương mù, xe tải cỡ lớn thường chạy dưới cả tốc độ tối thiểu (có thời điểm chỉ chạy 35-40km/h, trong khi tốc độ tối thiểu quy định là 60km/h).
Tư vấn Trường Sơn phân tích về chênh lệch lưu lượng giữa cao tốc và quốc lộ 1 (Ảnh: Ngọc Tân).
Xe cỡ lớn chạy chậm trên tuyến đường chỉ có một làn xe đã gây nhiều ức chế cho tài xế xe con, dẫn đến nhiều tình huống vượt ẩu gây mất an toàn.
Bên cạnh đó, thiết kế làn dừng khẩn cấp trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn chỉ rộng 2m, trường hợp xe cỡ lớn tấp vào sát lề đường khi gặp sự cố thì phần thân xe vẫn choán làn đường xe chạy, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Đại diện tư vấn nhấn mạnh tình thế "đã thực hiện nhiều giải pháp rồi nhưng tai nạn vẫn xảy ra" và đề cập đến việc cấm xe tải như giải pháp khả dĩ tiếp theo để tăng năng lực lưu thông và giảm tai nạn.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn (trái) và quốc lộ 1 chạy song song (Ảnh: Vi Thảo).
Tại cuộc họp, đại diện Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và Khu quản lý đường bộ II đều thống nhất với đề xuất của tư vấn thiết kế về việc cấm xe cỡ lớn để giảm tải cho cao tốc.
Góp ý vào phương án này, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ nguyên nhân cao tốc Cam Lộ - La Sơn đông xe là do chưa thu phí. Bên cạnh đó, việc công bố nó là "cao tốc" là sự châm trước quá nhiều về tiêu chuẩn kỹ thuật.
"Nếu đối chiếu với đường cấp 3 đồng bằng thì một số tiêu chí còn dưới cả đường cấp 3 đồng bằng", ông Quyền khẳng định.
Lãnh đạo Hiệp hội nhất trí với phương án dồn lưu lượng từ cao tốc sang quốc lộ, nhưng đề xuất không dùng từ "cấm xe" mà chỉ "điều tiết", bởi cao tốc đang giữ vai trò kết nối một số xã không giáp đường quốc lộ.
Về giải pháp công trình phụ trợ, ông Quyền khẳng định cao tốc tối thiểu phải thiết kế hệ thống camera để giám sát giao thông trên tuyến, đặc biệt là giám sát tốc độ. Cần thực hiện đúng tinh thần quản lý khai thác cao tốc: Đó là xe chạy dưới tốc độ tối thiểu phải bị xử lý.
Cục trưởng Cục Đường bộ Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Ngọc Tân).
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam bày tỏ thống nhất với đề xuất cấm xe cỡ lớn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Tuy nhiên, ông chưa quyết ngay việc này mà yêu cầu các đơn vị cho ý kiến lần cuối.
Từ các ý kiến, đề xuất được tổng hợp, Cục Đường bộ sẽ quyết định việc có điều tiết lại giao thông trên tuyến hay không.
Theo dantri.com.vn