Giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho học sinh

Thứ 5, 02.05.2024 | 14:36:53
906 lượt xem

Những năm qua, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, trong đó có học sinh sinh viên luôn được các trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các em.

Toàn tỉnh hiện có hơn 209.000 học sinh, sinh viên. Với số lượng đông đảo, thời gian qua việc giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các trường học trong tỉnh. Theo đó, công tác giáo dục truyền thống trong nhà trường không chỉ được giảng dạy trong các bộ môn Đạo đức hay Giáo dục công dân mà còn được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo, hiệu quả như: tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi, hội diễn; phối hợp với các đoàn thể của xã, phường, thị trấn tổ chức giao lưu, nói chuyện chuyên đề nhân dịp các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của tỉnh của đất nước để các em hiểu hơn về truyền thống cách mạng, những công lao đóng góp to lớn của thế hệ cha anh đi trước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tạo động lực để các em phấn đấu vươn lên trong học tập.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hữu Lân, huyện Lộc Bình thăm quan tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng tỉnh

Tiêu biểu như tại Trường THPT Cao Lộc, huyện Cao Lộc, để giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử dân tộc, ngày 18/12/2023 nhà trường đã phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự Huyện tổ chức buổi tuyên truyền kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam cho hơn 1.400 học sinh toàn trường. Tại đây các em học sinh đã được nghe giới thiệu về truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam, được xem phim tư liệu về lịch sử hình thành, quá trình phát triển, thành tích trong chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Quân khu I. Em Hoàng Thị Hà, lớp 10A10 chia sẻ: Qua buổi tuyên tuyền đã giúp em có thêm hiểu biết về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc… Qua đó giúp em thấy được trách nhiệm của mình cần phải nỗ lực học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.

Một trong những hoạt động có ý nghĩa và gây ấn tượng sâu sắc với học sinh là hoạt động ngoại khóa, giáo dục truyền thống tại các điểm di tích. Đơn cử tại Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng, huyện Chi Lăng, chỉ tính riêng từ đầu tháng 4/2024 đến nay, đã có 6 đoàn với gần 1.000 học sinh các trường trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập. Cô giáo Nguyễn Thanh Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh cho biết: Ngày 7/4 vừa qua nhà trường đã tổ chức cho 210 học sinh khối 10 đến thăm quan, học tập tại Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng. Tại đây các em được nghe thuyết minh và xem hiện vật tái hiện lại lịch sử những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của cha ông ta trên mảnh đất Chi Lăng. Buổi trải nghiệm đã tạo không gian mở, giúp học sinh tìm hiểu về những di sản văn hóa, lịch sử của địa phương một cách hiệu quả nhất, đồng thời góp phần hiệu quả khơi dậy lòng tự hào dân tộc ở học sinh.

Không chỉ tham quan ở điểm di tích, việc giáo dục truyền thống còn được thực hiện thông qua các hoạt động như: nhận chăm sóc khu di tích lịch sử, đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà và giúp đỡ các gia đình chính sách, các gia đình thương binh, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng; tham gia tu sửa, quét dọn nghĩa trang liệt sĩ; ... Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành giáo dục tỉnh, từ đầu năm học 2023 – 2024 đến nay, các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hơn 100 hoạt động với gần 5.000 lượt đoàn viên, học sinh tham gia tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ và và dọn dẹp vệ sinh các khu di tích lịch sử. Ngoài ra, để giáo dục truyền thống cho học sinh, các trường còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương; tổ chức hành trình về nguồn, tham quan các địa chỉ đỏ, di tích cách mạng, thu hút hơn 100.000 lượt đoàn viên, học sinh tham gia.

Bên cạnh các hoạt động trên, trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo đã tích cực chỉ đạo các nhà trường đưa lịch sử địa phương, truyền thống cách mạng vào giảng dạy tại các giờ ngoại khoá. Qua đó chuyển tải, khơi dậy niềm yêu thích để học sinh hứng thú, tự giác tìm hiểu, trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của địa phương. Cô Bùi Thu Trang, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Tràng Định cho biết: Qua những bài học bổ ích trong chương trình giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương, các em học sinh đã có cách nhìn và hiểu sâu sắc về lịch sử quê hương.

Với nhiều cách làm hiệu quả, phù hợp, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng, góp phần giúp thế hệ trẻ học sinh khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường hiểu đúng, tự hào và trân trọng về truyền thống cách mạng; rèn luyện bản lĩnh chính trị, sống có lý tưởng. Từ đó, thúc đẩy các em có thêm niềm tin, động lực phấn đấu, sống tốt đẹp, trở thành những con người có ích cho xã hội, biết yêu từng tấc đất quê hương.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/giao-duc-truyen-thong-khoi-day-niem-tu-hao-dan-toc-cho-hoc-sinh-5006849.html

  • Từ khóa