Hữu Lũng: Ngăn chặn bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc

Thứ 6, 24.05.2024 | 14:27:34
482 lượt xem

Từ ngày 24/4 đến ngày 2/5, trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã xuất hiện bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc. Trước thực tế đó, cơ quan chuyên môn của huyện đã tích cực thực hiện các giải pháp ngăn chặn, khống chế ổ bệnh ngay trong diện hẹp.

Ngày 24/4, tại thôn Hạ, xã Yên Sơn có 9 con bò của 2 hộ dân có triệu trứng loét miệng, chảy nước dãi, sốt, nghi mắc bệnh LMLM. Ông Vy Văn Mùa, thôn Hạ, xã Yên Sơn cho biết: Nhà tôi có 5 con bò, tối 24/4, gia đình phát hiện các con bò có triệu trứng loét miệng, chảy nước dãi, sốt nên tôi đã báo trưởng thôn để thông tin với thú y xã. Đồng thời, gia đình tôi thực hiện các biện pháp vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, cổng ra vào và theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình bệnh trên đàn bò. 

Người dân xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng phun tiêu độc khử trùng tại khu vực chăn nuôi 

Ông Vi Ba Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã báo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Sáng 25/4, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với UBND xã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm, kết quả 9 con bò của 2 hộ dân trên đều dương tính với vi rút LMLM tuýp O. Tính đến ngày 2/5, thôn có tổng số 33 con gia súc của 9 hộ dân bị mắc bệnh LMLM. Trước diễn biến đó, UBND xã đã phối hợp với cơ quan chức năng khoanh vùng, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống bệnh, trong đó, tập trung tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc xin LMLM bao vây khu vực phát sinh bệnh, cử cán bộ theo dõi gia súc bị bệnh và vận động các hộ dân có gia súc bị bệnh ký cam kết không thả rông gia súc, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình bệnh trên bò... nhằm hạn chế tối đa khả năng lây lan mầm bệnh ra môi trường xung quanh.

Ngay sau khi xuất hiện các ổ bệnh, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với chính quyền xã khoanh vùng, xử lý ổ bệnh, tránh lây lan ra diện rộng. Ông Nông Khắc Tạo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Nhận được tin báo, chúng tôi đã cử cán bộ phối hợp với chính quyền cơ sở và các hộ chăn nuôi tiến hành khoanh vùng, quản lý chặt chẽ ổ bệnh, hướng dẫn người dân phác đồ điều trị con bị bệnh và cách ly con khỏe. Đồng thời, tiến hành thống kê tổng đàn có nguy cơ bị bệnh tại xã có dịch và các xã lân cận để tiêm vắc xin bao vây ổ bệnh. Cụ thể, trung tâm đã phối hợp UBND xã tiêm phòng vắc xin cấp bao vây ổ bệnh được 251/322 con trâu, bò và 100 con dê, cấp 66 lít thuốc sát trùng cho người dân phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và những nơi có nguy cơ cao. Cùng đó, người dân cũng chủ động mua 450 kg vôi bột rắc xung quanh chuồng trại, cổng ra vào.

Nhờ sự phản ứng nhanh, kịp thời của người dân, chính quyền cơ sở và các cơ quan liên quan, tình hình bệnh LMLM được khống chế, không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh. Hiện nay, toàn huyện có trên 10.800 con trâu, bò, 475 con ngựa, trên 12.900 con dê, cừu... Theo nhận định tình hình của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, hiện nay, thời tiết mưa ẩm thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút phát tán ra môi trường và lây lan rất cao. Do vậy, mặc dù ổ bệnh được khống chế nhưng để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, các đơn vị liên quan cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đảm đúng quy trình kỹ thuật, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.

Để phòng, chống dịch bệnh LMLM, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, bên cạnh các biện pháp của ngành chức năng, người dân cần tiếp tục chủ động vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi thường xuyên, bổ sung nguồn thức ăn, tăng đề kháng cho đàn gia súc... qua đó, giúp phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Bệnh LMLM gia súc là bệnh truyền nhiễm xảy ra ở loài động vật móng guốc chẵn như: trâu, bò, dê, cừu... Bệnh lây lan mạnh, gây ra bởi loài vi rút thuộc họ Picornaviridae, giống Aphthovirus. Vi rút có 7 tuýp là: A, O, C, Asia 1, SAT 1, SAT 2, SAT 3. Khi nhiễm bệnh, nhiệt độ cơ thể của gia súc khá cao (khoảng 40°C), gia súc kém ăn, tiết nước bọt nhiều, ở vùng miệng, vùng chân và vú xuất hiện các mụn nước. Nếu bệnh phát triển mạnh, không chữa trị kịp thời, gia súc sẽ yếu, khó thở và chết.



Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/huu-lung-ngan-chan-benh-lo-mom-long-mong-tren-dan-gia-suc-5009460.html

  • Từ khóa