Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong triển khai công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Thạch Đạn

Thứ 2, 17.06.2024 | 14:34:04
316 lượt xem

Để giải quyết bài toán thiếu nước sinh hoạt, trong năm 2022 - 2023, huyện Cao Lộc đã đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho người dân xã Thạch Đạn. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện công trình đã phải dừng thi công.

Thạch Đạn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Cao Lộc, xã có 6 thôn với gần 700 hộ dân. Cả xã chỉ có 2 dòng suối bắt nguồn từ hồ nước Bản Cưởm và thôn Nà Mon để phục vụ nguồn nước sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Nhiều người dân thôn Nà Mon, xã Thạch Đạn hiện đang sử dụng nguồn nước lấy trực tiếp từ khe dọc về để sử dụng

Ông Lăng Văn Khá, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Đạn cho biết: Do địa hình dốc, suối có chiều dài ngắn và lưu vực nhỏ nên vào mùa khô, lưu lượng nước hạn chế, người dân không chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Trước đây, từ nguồn vốn chương trình 135, xã được đầu tư 4 công trình nước tự chảy nhưng do sử dụng đã lâu lại không được duy tu, bảo dưỡng nên các công trình đã xuống cấp không còn đáp ứng được đầy đủ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân. Hiện, chỉ còn khoảng 200 hộ dân được sử dụng nguồn nước từ các công trình.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn, từ nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và ngân sách huyện, từ năm 2022 đến 2023, huyện Cao Lộc đã xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đặt tại thôn Nà Mon, xã Thạch Đạn.

Công trình gồm bể chứa nước 60 m3, trạm bơm tăng áp, 21 đường tuyến dẫn nước với tổng chiều dài 13.690 m. Đồng thời, sửa chữa đường dẫn nước cũ tại thôn Nà Mon đã bị xuống cấp. Tổng vốn đầu tư công trình khoảng 5,4 tỷ đồng. Công trình dự kiến sẽ cấp nước cho 380 hộ dân 4 thôn: Nà Lệnh, Bản Đẩy, Nà Sla, Nà Mon và các cơ quan trên địa bàn xã với lượng nước bình quân đạt 60 lít/người/ngày đêm.

Vào tháng 5/2023, công trình được khởi công, các nhà thầu đã thực hiện thi công lắp đặt đường ống dẫn nước được 9.600 m, đạt khoảng 70% với khối lượng đường ống dẫn nước qua các thôn Nà Lệnh, Bản Đẩy, Nà Sla và một phần đường ống của thôn Nà Mon. Tuy nhiên đến tháng 8/2023, khi nhà thầu tập kết vật liệu để xây dựng bể đầu nguồn tại thôn Nà Mon thì công trình đã phải dừng thi công cho đến nay.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, công trình phải dừng thi công là do người dân ở thôn Nà Mon không đồng ý với chủ trương xây dựng bể cấp nước tại thôn. Theo ông Đường Văn Bé, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Mon, thôn có trên 100 hộ dân sinh sống chủ yếu trên khu vực đồi cao, với hơn 20 ha đất ruộng 2 vụ. Do lo lắng khi xây dựng công trình mới với dung tích bể chứa lớn sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất, do vậy, khi nhà thầu triển khai xây dựng bể nguồn, hơn 70% số hộ dân trong thôn đã không cho xe chở vật liệu vào thôn.

Qua tìm hiểu thêm, chúng tôi còn được biết, một số hộ dân trong thôn cũng chưa đồng ý  với việc thu tiền nước để chi cho tổ quản lý, vận hành công trình sau này.

Trước tình trạng đó, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với chủ đầu tư, các nhà thầu tổ chức 3 hội nghị đối thoại với người dân tại thôn Nà Mon để nắm bắt tâm tư nguyện vọng. Đồng thời tuyên truyền lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt của chi bộ, các hội, đoàn thể; cử cán bộ xuống từng gia đình giải thích cho người dân hiểu chủ trương của Nhà nước về đầu tư, quản lý, khai thác công trình nước sinh hoạt.

Ông Lô Văn Duy, đại diện Công ty TNHH Long Tuấn (đơn vị thi công) cho biết: Chúng tôi đã cùng với lãnh đạo xã Thạch Đạn họp với người dân trong thôn, trực tiếp đến từng nhà để tuyên truyền người dân hiểu về cách thực hiện, thiết kế, vận hành công trình cấp nước khi đưa vào sử dụng. Với sự quản lý của tổ vận hành, công trình sẽ đảm bảo điều tiết đủ nước cho người dân sinh hoạt và sản xuất.

Đến thời điểm này, thôn Nà Mon chỉ còn 16 hộ chưa đồng thuận. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền xã Thạch Đạn đang tiếp tục tuyên truyền cho các hộ này hiểu rõ về trách nhiệm cũng như lợi ích của công trình, từ đó tạo sự đồng thuận thống nhất cao.

Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Sau khi nắm bắt những vướng mắc trong triển khai xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Thạch Đạn, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, cấp ủy chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà" nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân khi được thụ hưởng công trình, đặc biệt, tập trung tuyên truyền về cơ chế quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì công trình. Đối với kiến nghị của người dân về thu phí sử dụng nước, chúng tôi đề nghị chủ đầu tư cũng như cấp ủy chính quyền xã giải thích rõ cho bà con hiểu, đó là kinh phí để chi trả cho tổ quản lý, vận hành công trình để duy tu, bảo dưỡng cho công trình, tránh tình trạng công trình sau một thời gian hoạt động đã xuống cấp, không phát huy được hiệu quả phục vụ cộng đồng.

Thời gian tới, UBND huyện Cao Lộc sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng và lợi ích của các công trình cấp nước, để các đơn vị tiếp tục triển khai phần việc còn lại, sớm đưa công trình vào hoạt động. Qua đó, góp phần giải quyết bài toán thiếu nước sinh hoạt tại địa phương.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Thạch Đạn được xây dựng với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng đặc biệt khó khăn. Bởi vậy, hiện nay huyện Cao Lộc đã và đang tích cực huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình để xây mới, sửa chữa các công trình cấp nước xuống cấp. Tuy nhiên các công trình này sẽ chỉ phát huy hiệu quả một cách bền vững khi được chính người sử dụng đồng thuận và tích cực bảo vệ, quản lý, khai thác hợp lý.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/tap-trung-thao-go-vuong-mac-trong-trien-khai-cong-trinh-cap-nuoc-sinh-hoat-tai-xa-thach-dan-5011894.html

  • Từ khóa