Học trò nghèo vùng cao Lào Cai đang phải vượt khó giữa đại dịch Covid-19 qua những bài học "chuyền tay".
Không có máy tính, chẳng có thiết bị di động thông minh, thậm chí có nơi không có cả điện lưới và sóng 3G, hàng nghìn học trò nghèo vùng cao Lào Cai đang phải vượt khó giữa đại dịch Covid-19 để ôn luyện kiến thức qua những bài học “chuyền tay” được gửi đi từ chính thầy cô của mình.
Khoảng 2 tuần nay, các thầy cô giáo Trường PTTH Bán trú THCS xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát phân công nhau soạn đề ôn luyện phát gửi trực tiếp cho học sinh làm tại nhà. Em nào nhà gần thì gửi trực tiếp, nhà xa quá thì nhờ qua trưởng thôn, bí thư chi bộ cơ sở. Cứ thế các bài học được “chuyền tay” đến các em, dù thô sơ nhưng không còn cách nào khác vì 90% học sinh của trường không đủ điều kiện tiếp cận với internet.
Em Hầu Dì Chà - học sinh THCS Trịnh Tường vừa học bài vừa giúp bố mẹ thổi cơm. |
Thầy Nguyễn Quang Chung, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, đề ôn luyện phát cho học sinh là dạng đề tổng hợp các môn cơ bản, mỗi tuần sẽ phát một lần, bài mới phát đi cũng là lúc thu về bài cũ để đánh giá, chất lượng thu về cũng không cao nhưng “méo mó có hơn không”.
“Hiệu quả thực sự không thể bằng được khi các em học tập trên lớp, thời gian nghỉ dài nên cũng có những phần kiến thức các em đã quên. Cơ bản chúng tôi vẫn tập trung củng cố, ôn tập lại kiến thức để khi bước vào học chính thức các em không bỡ ngỡ”, thầy Chung cho biết.
Theo em Hầu Dì Chà, học sinh lớp 9A3, bản thân em và nhiều học sinh vùng cao khác gia đình đều làm nông nghiệp nên lúc ở nhà các em phải dành khá nhiều thời gian phụ giúp bố mẹ. Trong quá trình giải bài tập thầy, cô giáo giao, nhiều nội dung cần giảng giải thêm lại không tự tra cứu được vì không có internet, muốn hỏi cũng không biết hỏi ai đành phải bỏ trống.
“Chỉ buổi tối em mới có thời gian để học bài cô giáo phát cho, những bài khó thì em hỏi anh nhưng nhiều bài anh cũng không giải được”, Chà tâm sự.
Hiện nay, ngoài internet, tại Lào Cai còn triển khai việc dạy học qua truyền hình tiếp sóng từ trung ương. Một số huyện, thành thị còn tự thiết kế bài giảng phát trên kênh truyền hình địa phương và tận dụng phát bài giảng qua cả hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Tuy nhiên, các hình thức này cũng hạn chế vì thiếu sự tương tác, khung giờ phát cố định cũng khó đảm bảo việc học sinh không bỏ lỡ khi bản thân các em đang tuổi ăn tuổi chơi và vướng bận không ít việc gia đình.
Bài tập "chuyền tay" để học sinh ôn luyện tại nhà vẫn đang là giải pháp tối ưu cho vùng cao. |
Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, đối với các nhà trường ở vùng cao quả thực là rất nan giải, giỏi lắm chỉ được 20 – 30% có thể tiếp cận với học trực tuyến, học qua truyền hình, đến cả các trường ở ngay thị trấn cũng còn đang khó. Trước mắt, giải pháp giao bài kiểu “chuyền tay” về cho học sinh ôn luyện tại nhà vẫn đang tối ưu, thầy cô còn có thể phần nào đánh giá được chất lượng tự học, dù rằng phải mất nhiều công sức.
“Ngay sau khi học sinh quay lại, các nhà trường phải rà soát lại toàn bộ phần kiến thức, học sinh chưa tiếp cận được hoặc còn rỗng thì sẽ phải tổ chức dạy lại”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết thêm, trái ngược với các trường vùng cao, những trường ở khu vực trung tâm của tỉnh Lào Cai, nhất là ở thành phố, nhờ điều kiện thuận lợi hơn nên đã dần thích nghi và triển khai khá tốt việc học tập tại nhà cho học sinh qua truyền hình và internet, một số trường duy trì được tỷ lệ tuyệt đối 100%, bắt đầu đưa kiến thức mới vào chương trình. Đây là dịp tốt để nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học để các cơ sở giáo dục bắt kịp xu hướng của kỷ nguyên công nghệ 4.0./.
An Kiên/VOV.VN