“Cần thay đổi cách thông tin ca mắc Covid-19 để người dân không chủ quan“

Thứ 2, 13.04.2020 | 14:55:49
432 lượt xem

Theo Chủ tịch Thành phố Hà Nội, cần thay đổi cách làm, bởi nếu không không đồng bộ, không nhất quán, đặc biệt là về thông tin sẽ làm người dân phân tâm

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, đến nay Hà Nội có 117 ca dương tính nhưng theo số liệu của Bộ Y tế là 110 ca nhiễm bệnh… Theo Chủ tịch Thành phố Hà Nội, cần thay đổi cách làm, bởi nếu không  đồng bộ, không nhất quán, nhất là về thông tin sẽ làm người dân phân tâm…

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp sáng 13/4.

Chủ tịch UBND Thành phố dẫn chứng: Như ca bệnh Bộ Y tế công bố chiều 12/4 thì Hà Nội đã thông báo từ chiều 11/4, đáng lẽ, trong sáng 12/4 Bộ cần công bố luôn nhưng lại để đến buổi chiều. Nhân dân không thấy thông tin, rồi báo chí đưa tin sáng không có ca bệnh... Như vậy sẽ dẫn đến chủ quan, không thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

"Nếu những vấn đề phù hợp với khoa học dịch tễ và thực tiễn thì chúng ta cần mạnh dạn sửa ngay."- Chủ tịch UBND Thành phố nói.

Cách ly thôn Liễu Trì, xã Mê Linh nếu có ca dương tính

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, hiện nay ở ổ dịch thôn Hạ Lôi có một số ca nghi ngờ. Dịch bệnh có nguy cơ lây lan sang thôn khác của xã Mê Linh do bệnh nhân 259 đã đi sang thôn thôn Liễu Trì để giao hoa, tiếp xúc với nhiều người. Thôn Liễu Trì sát với thôn Hạ Lôi với hơn 400 hộ dân, khoảng 2.000 người. “Huyện đề xuất mở rộng xét nghiệm các hộ dân ở thôn Liễu Trì, và chuẩn bị phương án có thể cách ly thêm toàn bộ thôn Liễu Trì nếu có trường hợp dương tính tại thôn này”.

Thôn Hạ Lôi chỉ cách thôn Liễu Trì chỉ một con đường.(ảnh minh họa)

Qua thực hiện rà soát chợ hoa Mê Linh, thống kê được hơn 700 người từng đi, đến chợ hoa. Xác định được chợ hoa liên quan chủ yếu đến người dân các xã Văn Khê, Đại Thịnh, Mê Linh. Hiện tất cả số người này được yêu cầu cách ly tại nhà, không được ra khỏi nhà.

Giám sát, xét nghiệm đã tìm ra đầu mối lây lan cộng đồng

Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm khẳng định, công tác giám sát, xét nghiệm đã lần ra đầu mối lây lan dịch trong cộng đồng. Đây là một chiến lược được Hà Nội thực hiện ngay từ đầu là giám sát, phát hiện sớm, xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh.  “Dù không có triệu chứng nhưng khả năng lây lan vẫn còn nguyên nên việc giám sát, phát hiện dựa vào xét nghiệm là phần rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch”, ông Cảm nói.

Qua phân tích dịch tễ học, 110 các ca bệnh của Hà Nội có 68% không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, thoáng qua. Do đó, nếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, khả năng bỏ sót đến 2/3, chỉ có khả năng phát hiện 1/3. Đây là tính chất hết sức phức tạp của dịch bệnh mới này. Trong 110 trường hợp mắc thì có 67% là nữ và 33% là nam. Đây cũng là một đặc điểm và dù số mẫu chưa nhiều nhưng nữ chiếm 2/3 và nam chiếm 1/3.

Ông Cảm cũng khẳng định, test nhanh là công cụ sàng lọc cộng đồng cần thiết, trả lời kết quả nhanh, chi phí thấp, có thể sàng lọc tại cộng đồng. Tuy nhiên, những trường hợp nghi ngờ vẫn phải làm bằng RT-PCR và căn cứ vào dịch tễ để làm cho chính xác.

Đại diện CDC Hà Nội nhấn mạnh: Ở Hà Nội và cả nước đã sang giai đoạn lây lan trong cộng đồng nên chiến lược phòng chống có thay đổi. Giai đoạn đầu ngăn chặn, giai đoạn 2 cách ly, khoanh vùng, bao vây kịp thời. Hiện nay là giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng ở phạm vị hẹp, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống, đặc biệt cách ly, giãn cách ly xã hội thì việc duy trì thành quả rất khó khăn. Việc thực hiện cách ly xã hội cần phải tiếp tục thực hiện, nghiêm túc./.


H.La/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/can-thay-doi-cach-thong-tin-ca-mac-covid19-de-nguoi-dan-khong-chu-quan-1036525.vov

  • Từ khóa