Viện kiểm sát: Bị cáo Tất Thành Cang quanh co, chối tội

Thứ 3, 04.01.2022 | 14:42:31
557 lượt xem

Theo đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Tất Thành Cang quanh co, chối tội, khai báo không thành khẩn nên cần phải có mức án nghiêm khắc để răn đe.

Ngày 4/1, phiên tòa xét xử bị cáo Tất Thành Cang  - cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM và Tề Trí Dũng - cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO),  cùng đồng phạm bước vào phần tranh luận.

Viện kiểm sát: Bị cáo Tất Thành Cang quanh co, chối tội - 1

Bị cáo Tất Thành Cang bị dẫn giải tới tòa. (Ảnh: Hải Long).

Không có vùng cấm

Mở đầu phần tranh luận, đại diện Viện KSND TPHCM phát biểu về quan điểm vụ án và đề nghị mức hình phạt đối với từng bị cáo.

Theo đại diện Viện kiểm sát, thời gian qua trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung liên tục xét xử các vụ án xâm phạm tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí mà những người thực hiện hành vi phạm tội là lãnh đạo chủ chốt. Hành vi sai phạm gây thất thoát hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng….

Cơ quan công tố xác định việc đưa vụ án Tất Thành Cang và đồng phạm ra xét xử là cần thiết, không có vùng cấm.

Viện kiểm sát: Bị cáo Tất Thành Cang quanh co, chối tội - 2

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng xét xử vụ án này là không có vùng cấm. (Ảnh: Hải Long).

Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa có đủ căn cứ xác định công ty SADECO là công ty con của IPC (100% vốn Nhà nước), với tỷ lệ góp vốn của IPC là 74,8%.

Ngày 26/3/2015, IPC bán đấu giá vốn góp tại SADECO, công ty Eximland là nhà đầu tư mua trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của SADECO), với giá 26.100 đồng/cổ phần.

Tháng 9/2016, công ty Nguyễn Kim mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại SADECO. Vốn điều lệ của SADECO tại thời điểm tháng 10/2016 là 170 tỷ đồng (tương ứng với 17 triệu cổ phần), trong đó vốn của IPC chiếm 44%, vốn của Thành ủy chiếm 16,7%, nhóm Nguyễn Kim chiếm 30,8% và các cổ đông khác chiếm 8,5%.

Theo quy định khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn văn phòng Thành ủy tại SADECO phải thực hiện đấu giá.

Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại Thành ủy, Văn phòng Thành ủy TPHCM, IPC và SADECO đã đồng ý phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần, không thông qua thẩm định giá và đấu giá, gây thất thoát cho Công ty SADECO 1.103 tỷ đồng.

Ông Tất Thành Cang phải chịu trách nhiệm đầu vụ

Với vai trò là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, phụ trách trực tiếp Văn phòng Thành ủy (chủ sở hữu vốn Thành ủy), ông Tất Thành Cang phải nắm rõ quy định việc bán cổ phần phát hành thêm để tăng vốn điều lệ của SADECO phải thực hiện đấu giá và thẩm định giá trị.

Tuy nhiên, ông Tất Thành Cang vẫn phê duyệt "đồng ý" chủ trương phát hành cổ phần mà không chỉ đạo phải đấu giá để chọn cổ đông chiến lược là sai, gây thất thoát cho tài sản Nhà nước hơn 669,6 tỷ đồng, gồm vốn của UBND TPHCM hơn 485 tỷ đồng, tương đương 44%; vốn của Thành ủy TPHCM hơn 184 tỷ đồng, tương đương 16,7%.

Viện kiểm sát: Bị cáo Tất Thành Cang quanh co, chối tội - 3

Ông Tất Thành Cang bị xác định có vai trò đầu vụ. (Ảnh: Hải Long).

Tại phiên tòa, bị cáo Cang thừa nhận mình có bút phê đồng ý nhưng cho rằng hành vi của mình là đúng. Đại diện Viện kiểm sát cho rằng có đủ căn cứ xác định ông Cang đã phạm vào tội vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Cáo trạng, truy tố bị cáo Cang với vai trò đầu vụ là đúng người, đúng tội.

Cơ quan công tố xác định bị cáo Tất Thành Cang quanh co, chối tội, khai báo không thành khẩn nên cần phải có mức án nghiêm khắc. Tuy nhiên, Viện kiểm sát cũng ghi nhận cho ông Cang một số tình tiết giảm nhẹ như quá trình công tác có nhiều đóng góp.

Viện kiểm sát: Bị cáo Tất Thành Cang quanh co, chối tội - 4

Các bị cáo nghe Viện kiểm sát luận tội. (Ảnh: Hải Long).

Ngoài sai phạm trong việc phát hành 9 triệu cổ phần, Tề Trí Dũng với sự giúp sức của Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng Giám đốc SADECO) và các cá nhân liên quan đã lợi dụng quyền hạn, duyệt chi nhiều khoản tiền từ quỹ thù lao khen thưởng của công ty trái quy định rồi chiếm hưởng hơn 4,6 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, bị cáo Tề Trí Dũng thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm của mình. Đại diện cơ quan công tố xác định bị cáo Dũng giữ vai trò chính và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.

Viện Kiểm sát xác định bị cáo Dũng thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu. Đối với số tiền tham ô bị cáo khai không sử dụng mục đích cá nhân nhưng đã tự nguyện nộp lại đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt.

Viện kiểm sát: Bị cáo Tất Thành Cang quanh co, chối tội - 5

Bị cáo Tề Trí Dũng bị xác định có vai trò chính. (Ảnh: Hải Long).

Bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc cùng một số bị cáo bị truy tố về tội tham ô tài sản thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cho rằng mình không phạm tội này. Viện Kiểm sát xác định căn cứ vào hồ sơ và diễn biến tại phiên tòa có đủ căn cứ xác định cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội.

Các bị cáo lại trong vụ án, đại diện cơ quan công tố đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu...

Từ những nhận định trên, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang mức án từ 12 -14 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Bị cáo Tề Trí Dũng bị đề nghị mức án từ 20 - 22 năm tù về tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 2 năm tù treo đến 21 năm tù.


Xuân Duy/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/phap-luat/vien-kiem-sat-bi-cao-tat-thanh-cang-quanh-co-choi-toi-20220104094702103.htm

  • Từ khóa