Đa dạng hình thức tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình

Thứ 5, 21.07.2022 | 00:00:00
650 lượt xem

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể tỉnh ngày càng quan tâm đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ). Từ đó, góp phần đưa Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) vào cuộc sống.

Luật HNGĐ năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Để triển khai thực hiện luật đồng bộ, hiệu quả, ngày 30/1/2015, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức thi hành Luật HNGĐ trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), trong đó, xác định việc triển khai thi hành Luật HNGĐ là nhiệm vụ thường xuyên. Từ khi ban hành luật đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 20 nghìn hội nghị, hội thảo, tọa đàm tuyên truyền về Luật HNGĐ cho 900 nghìn lượt cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Hội LHPN tỉnh (thứ hai từ trái sang) tuyên truyền Luật HNGĐ cho hội viên phụ nữ huyện Bắc Sơn

Ông Dương Công Luyện, Trưởng Phòng PBGDPL, Sở Tư pháp cho biết: Công tác tuyên truyền, PBGDPL về HNGĐ đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó nội dung tuyên truyền tập trung vào: nguyên tắc cơ bản của chế độ HNGĐ; quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình; trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với HNGĐ; vận động Nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về HNGĐ, phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc… Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ và người dân đã có chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong mối quan hệ HNGĐ.

Nổi bật, các cơ quan, đơn vị đã đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền Luật HNGĐ như: tuyên truyền lồng ghép trong sinh hoạt chi, tổ, hội, họp thôn/tổ dân phố; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, giao lưu các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc… Tiêu biểu như Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức PBGDPL được hơn 2.400 cuộc, trong đó có lồng ghép truyên truyền Luật HNGĐ, với hơn 58.000 lượt hội viên tham dự, cấp phát hơn 5.000 tờ rơi pháp luật. Hiện nay, hội phụ nữ cơ sở đang duy trì hơn 300 mô hình, câu lạc bộ về gia đình như: Gia đình hạnh phúc; Bình đẳng giới – phòng, chống bạo lực gia đình; Truyền thông, tư vấn pháp luật; Phòng, chống mua bán người; Phòng, chống xâm hại trẻ em… góp phần thực hiện tốt công tác gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.

Chị Hoàng Thị Nhung, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Phong Thịnh, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn cho biết: Tôi thường xuyên được các cấp hội tuyên truyền về Luật HNGĐ. Tháng 4/2022, tôi được tham gia chương trình giao lưu các CLB gia đình hạnh phúc do Hội LHPN tỉnh, huyện tổ chức. Chương trình rất bổ ích, ý nghĩa, giúp chúng tôi nâng cao hiểu biết pháp luật về HNGĐ, bình đẳng giới, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc.

Cùng đó, UBND cấp huyện, đặc biệt cấp xã còn lồng ghép tuyên truyền trong thực hiện thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, xác định tình trạng hôn nhân. Theo số liệu của Sở Tư pháp, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 5.300 cặp đăng ký kết hôn. Chị Ngọ Thị Bạch, công chức tư pháp – hộ tịch phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trung bình hằng năm, UBND phường cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho khoảng 100 trường hợp. Khi các cặp vợ chồng đến làm thủ tục, chúng tôi đã lồng ghép tuyên truyền về Luật HNGĐ. Đặc biệt từ năm 2019, khi triển khai thực hiện xây dựng chính quyền thân thiện, hằng năm, phường tổ chức lễ trao giấy chứng nhận kết hôn cho khoảng 20 cặp. Việc này đã thể hiện tinh thần tôn vinh ý nghĩa hôn nhân, khẳng định trách nhiệm của công dân trong thực hiện Luật HNGĐ, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền Luật HNGĐ được thực hiện thông qua hoạt động hòa giải cơ sở, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Hiện nay, 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, các tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh đã hoà giải thành 1.308/1.860 vụ việc, đạt tỷ lệ 71%. Trong đó, có 235 vụ việc tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, HNGĐ. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thực, ý thức chấp hành pháp luật về pháp luật nói chung và HNGĐ nói riêng cho Nhân dân.

Qua việc tích cực tuyên truyền, phổ biến  Luật HNGĐ đã mang lại kết quả tích cực, góp phần xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ HNGĐ, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Từ đó, xây dựng gia đình ấm no, tự do, bình đẳng, hạnh phúc bền vững. Đơn cử năm 2021, TAND hai cấp trong tỉnh thụ lý 1.324 vụ án ly hôn (giảm 459 vụ so với năm 2020); toàn tỉnh xảy ra 114 vụ bạo lực gia đình (giảm 7 vụ so với năm 2020).


Dương Duyên/baolangson.vn

https://baolangson.vn/phap-luat/514830-da-dang-hinh-thuc-tuyen-truyen-luat-hon-nhan-va-gia-dinh.html

  • Từ khóa