Cảnh báo lừa đảo qua cài ứng dụng VNeID giả

Thứ 5, 05.10.2023 | 16:06:07
930 lượt xem

Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục có diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Nổi lên gần đây là phương thức lợi dụng việc lực lượng công an ra quân hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VneID, các đối tượng đã tạo các phần mềm giả mạo, sau đó giả danh công an yêu cầu người dân cài đặt để chiếm quyền điều khiển điện thoại di động rồi chiếm đoạt tài sản trong ứng dụng ngân hàng điện tử.


Cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh trao đổi thông tin, nắm tình hình trên không gian mạng

Ngày 9/9/2023 vừa qua, ông H.V.P (nhân vật đã được đổi tên), thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng đã đến Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an tỉnh trình báo sự việc ông bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 900 triệu đồng. Theo đơn trình báo, vào đầu tháng 9/2023, ông P nhận được cuộc gọi của một người đàn ông với số điện thoại 0949.477.154, tự xưng là Công an huyện Chi Lăng, yêu cầu ông P đến trụ sở để hướng dẫn cài đặt định danh điện tử mức độ 2. Do đi làm ở xa nên ông P được người đàn ông trên yêu cầu kết bạn zalo và hướng dẫn thao tác cài đặt từ xa.

Theo đó ông P được hướng dẫn cài đặt ứng dụng có biểu tượng VNeID (ứng dụng giả mạo). Sau đó điện thoại của ông P bị thay đổi phông chữ và loạn cảm ứng. Trong quá trình dùng điện thoại, khi vào ứng dụng Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á trên điện thoại, ông P được yêu cầu thay đổi mật khẩu đăng nhập, ông đã đến ngân hàng để nhờ nhân viên thay đổi mật khẩu. Sau đó ông đã dùng mật khẩu mới để đăng nhập ứng dụng ngân hàng trên điện thoại. Đến buổi tối cùng ngày, khi ông P vào ứng dụng ngân hàng để chuyển khoản thì phát hiện tài khoản mất hết tiền, tổng cộng gần 900 triệu đồng. Khi kiểm tra ông phát hiện tài khoản của mình đã chuyển khoản đến tài khoản ngân hàng Vietcombank chia làm 3 giao dịch với lần lượt số tiền là: hơn 370 triệu đồng; gần 500 triệu đồng và gần 1 triệu đồng.


Lực lượng Công an tỉnh hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID tại Phố di bộ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Phòng PA05, Công an tỉnh đã phát hiện 49 vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với số tiền khoảng 17,4 tỷ đồng; tiếp nhận 10 đơn trình báo liên quan đến hình thức giả danh công an, viện kiểm sát… để lừa đảo, với tổng số tiền nạn nhân bị chiếm đoạt là trên 9,1 tỷ đồng. Trong đó có 1 vụ thông qua hình thức lừa cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo.

Thượng tá Hoàng Gia Định, Trưởng Phòng PA05, Công an tỉnh cho biết: Các đối tượng đã lợi dụng việc lực lượng công an ra quân hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử để tạo phần mềm giả mạo rồi lợi dụng uy tín của lực lượng công an để gọi điện thoại vận động người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản trên VNeID (giả mạo). Sau đó, hướng dẫn người dân tự thực hiện trên điện thoại di động để không cần phải trực tiếp đến cơ quan công an. Khi đã tạo được lòng tin, đối tượng sẽ yêu cầu người dân cấp quyền cho ứng dụng như truy cập danh bạ, vị trí, trợ năng (Accessibility)… để chiếm quyền kiểm soát điện thoại. Với quyền truy cập trợ năng, các đối tượng sẽ dễ dàng đọc được mã OTP trong giao dịch chuyển tiền. Sau khi có được thông tin, các đối tượng sẽ đăng nhập ứng dụng ngân hàng điện tử và chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng khác để chiếm đoạt. Đặc điểm dễ nhận biết điện thoại di động đã bị chiếm quyền điều khiển như: không truy cập được cài đặt ứng dụng, phông chữ trên điện thoại bị thay đổi, điện thoại thường xuyên tự bật sáng màn hình và khi thao tác bị loạn cảm ứng…

Theo Thượng tá Hoàng Gia Định, Sau khi tiếp nhận đơn trình báo của công dân, đơn vị đã tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh ban hành công văn gửi các sở, ban, ngành của tỉnh tăng cường tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên để người dân biết, cảnh giác, tránh “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo; phối hợp và đề nghị các cơ quan, ban, ngành chủ động khắc phục sự cố, lỗ hổng bảo mật… Đồng thời, đơn vị cũng tiếp tục điều tra, làm rõ các vụ việc mà công dân đã trình báo để xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành của tỉnh đã gửi thông báo, tăng cường tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân để cảnh báo về tội phạm lừa đảo trên. Ông Nguyễn Trọng Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Nhằm tích cực góp phần trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và phối hợp đấu tranh có hiệu quả với tội phạm giả danh công an để thủ đoan lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua phương thức cài ứng dụng VNeID giả mạo, ngày 18/9/2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã ban hành Công văn 2656-CV/BTGTU về việc tuyên truyền về nâng cao ý thức phòng ngừa, ngăn chặn thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua phương thức nóitrên. Trong đó đề nghị Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng; các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại Lạng Sơn tăng cường đăng tải các tin, bài tuyên truyền về những kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền trên các trang mạng xã hội về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng, giả danh các lực lượng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản và biện pháp phòng tránh, xử lý. Công văn gửi đến Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo tỉnh; các đồng chí cộng tác viên dư luận xã hội, báo cáo viên cấp tỉnh; ban tuyên giáo, tuyên huấn các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc để tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Theo nhận định của lực lượng chức năng, tình hình tội phạm công nghệ cao tiếp tục có diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng vùng chồng lấn sóng di động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực hoặc mỗi khi các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành chủ trương chính sách mới liên quan đến ứng dụng, thủ tục hành chính phục vụ Nhân dân ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, thì lập tức các đối tượng phạm tội (chủ yếu người nước ngoài) lợi dụng để viết ra các phần mềm, ứng dụng giả mạo sau đó tán phát trên mạng xã hội, làm cho người dân hiểu lầm, dễ bị mắc lừa.

Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với thủ đoạn của loại tội phạm trên, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân cần nêu cao cảnh giác, chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android); tuyệt đối không cài đặt ứng dụng từ các đường link lạ; người dân cần chủ động bảo vệ dữ liệu cá nhân, không đăng tải lên mạng xã hội thông tin về thẻ CCCD, tài khoản ngân hàng, số điện thoại…; không cung cấp mã OTP, mật khẩu các tài khoản ngân hàng, mạng xã hội… của cá nhân cho bất kỳ ai… Đặc biệt, người dân cần ghi nhớ, lực lượng công an không làm việc với công dân qua điện thoại, mọi vấn đề cần giải quyết, xử lý đều được thực hiện theo thủ tục, quy định của pháp luật.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/phap-luat/615215-canh-bao-lua-dao-qua-cai-ung-dung-vneid-gia.html

  • Từ khóa