Xét xử vụ chuyến bay giải cứu: Những lời hối hận muộn màng

Thứ 5, 26.12.2024 | 09:03:44
172 lượt xem

Đứng tại bục khai báo, trước HĐXX và những cáo buộc về hành vi vi phạm, các bị cáo bày tỏ sự ăn năn, hối cải, trình bày những "cái khó" của bản thân để mong được khoan hồng.

Sau 2 ngày xét xử, phiên tòa giai đoạn 2 vụ án chuyến bay giải cứu nghị án. 17 bị cáo sẽ nhận phán quyết từ TAND TP Hà Nội vào chiều 27/12.

Trong 2 ngày vừa qua, các bị cáo đều nhận tội, chấp nhận những mô tả về hành vi vi phạm trong cáo trạng, mặc dù vẫn có một số người trình bày vào thời điểm phạm tội, họ không hiểu biết về pháp luật.

Khi được cho nói lời sau cùng, các bị cáo bày tỏ mong muốn được HĐXX xem xét mức án phù hợp, được hưởng khoan hồng để sớm trở về với gia đình, xã hội.

"Trưởng thành trong môi trường công chức nhưng nhận thức sai lầm"

Là người bị đề nghị mức án cao nhất, 12-14 năm tù về tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên Trần Tùng nghẹn ngào khi đứng tại bục khai báo.

Bị cáo nói rằng bản thân luôn day dứt, ăn năn, hối cải về việc làm sai trái của bản thân và mong tòa mở lượng khoan hồng, xem xét vai trò trong vụ án, khi thực hiện hành vi phạm tội đơn lẻ, ở một địa phương cụ thể, không phải đầu mưu.

"Bị cáo đã được rèn luyện, trưởng thành trong môi trường công chức nhưng do nhận thức sai lầm, thiếu hiểu biết mà phá hỏng tất cả, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, địa phương. Bị cáo vô cùng ân hận về điều này", cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên nói trong ân hận.

Xét xử vụ chuyến bay giải cứu: Những lời hối hận muộn màng - 1

Bị cáo Trần Tùng (Ảnh: Bảo vệ pháp luật).

Trước khi dừng lời, bị cáo Trần Tùng gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.

Theo cáo buộc, giúp sức tích cực cho ông Tùng là Giám đốc Công ty Sen vàng Đất Việt Trần Thị Quyên. Bị cáo này bị đề nghị mức án 2-3 năm tù về tội Nhận hối lộ.

Khi được cho nói lời sau cùng, Quyên cũng xin HĐXX cân nhắc hành vi, bối cảnh, hoàn cảnh để tuyên phạt mức án thấp nhất. 

Nữ bị cáo trình bày bản thân mặc dù không phải đảng viên nhưng là người rất yêu nước, tự hào dân tộc và luôn nghĩ rằng mình cố gắng làm việc thật tốt để cống hiến cho xã hội, gia đình. 

"Trong ngày đầu xét xử, bị cáo không thể rời tòa bởi xúc động, xót xa cho 2 con nhỏ không biết số phận phía trước sẽ ra sao khi bố đã qua đời, mẹ vướng vào vòng lao lý", Quyên nói.

Xét xử vụ chuyến bay giải cứu: Những lời hối hận muộn màng - 2

Bị cáo Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty Sen vàng Đất Việt (Ảnh: Bảo vệ pháp luật).

Lê Thị Phượng, cựu chuyên viên UBND tỉnh Hải Dương, giãi bày bị cáo đến tuổi nghỉ hưu nhưng lại có hành vi phạm tội, phải đối diện việc ngồi tù nên rất buồn.

"Bản thân bị cáo mắc một số bệnh, mẹ già 96 tuổi, con còn đang đi học nên mong muốn HĐXX giơ cao, đánh khẽ như phạt những "đứa con" của mình biết ăn năn, hối cải, biết quay đầu là bờ và biết cải tà, quy chính", bà Phượng nói.

Trước đó, bà Lê Thị Phượng bị đề nghị mức án 24-30 tháng tù về tội Nhận hối lộ.

"Điều đau xót nhất là nhận quà bằng tiền của doanh nghiệp"

Tại bục khai báo, cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Lê Ngọc Tường cho biết trong 20 năm công tác, dù ở vị trí nào, phân công nhiệm vụ gì ông cũng luôn nỗ lực, cố gắng hết mình, tận tâm để hoàn thành.

Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, bị cáo Trường kể đã luôn cố gắng để phòng, chống dịch và đưa công dân về nước cách ly.

"Điều đau xót, nuối tiếc nhất của bị cáo trong vụ án này là nhận quà bằng tiền của đại diện một doanh nghiệp", bị cáo Tường nói và phân trần, hành vi nhận tiền này là hoàn toàn sai nên ngay từ đầu đã tới công an đầu thú, khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, vận động gia đình nộp lại toàn bộ số tiền để khắc phục hậu quả.

Xét xử vụ chuyến bay giải cứu: Những lời hối hận muộn màng - 3

Bị cáo Lê Ngọc Tường (Ảnh: Bảo vệ pháp luật).

"Bị cáo đã nhận hình thức khai trừ khỏi Đảng, miễn nhiệm chức vụ lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, đến nay chỉ là công dân bình thường.

Bị cáo kính mong HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng án treo để có cơ hội phụng dưỡng bố mẹ, nuôi dưỡng 2 con nhỏ", ông Tường bày tỏ.

Bị cáo Nguyễn Văn Văn, cựu Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cũng cho biết bản thân rất hối hận và gửi lời xin lỗi tới Đảng bộ, chính quyền Quảng Nam.

"Trong chừng mực nào đó hành vi của bị cáo ảnh hưởng đến người dân từ nước ngoài về cách ly tại Quảng Nam", ông Văn nói. Với 35 năm làm bác sĩ, bị cáo Văn mong muốn được hưởng mức án nhẹ nhất để có thể tiếp tục chăm lo sức khỏe cho người dân tại địa phương.

Trong phần luận tội, ông Lê Ngọc Tường và Nguyễn Văn Văn bị VKSND TP Hà Nội đề nghị cùng mức án 18-24 tháng tù về tội Nhận hối lộ.

Xét xử vụ chuyến bay giải cứu: Những lời hối hận muộn màng - 4

Bị cáo Nguyễn Văn Văn (Ảnh: Bảo vệ pháp luật).

Trước đó, đánh giá về vụ án, VKS cho rằng đây là vụ án tham nhũng, chức vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp diễn ra trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, được lãnh đạo các cấp ban ngành và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, làm thay đổi tính nhân văn trong chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt trong hoàn cảnh người dân bị mắc kẹt trong đại dịch.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/phap-luat/xet-xu-vu-chuyen-bay-giai-cuu-nhung-loi-hoi-han-muon-mang-20241225232832615.htm

  • Từ khóa