Phòng Hồ Chí Minh là một thiết chế văn hóa quan trọng ở đơn vị cơ sở-nơi giáo dục lịch sử, truyền thống đồng thời là nơi bộ đội tìm hiểu các kiến thức văn hóa, pháp luật, giải trí trong những ngày nghỉ, giờ nghỉ... Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) đã có cách làm phù hợp, thiết thực để phát huy hiệu quả hệ thống phòng Hồ Chí Minh.
Đã thành nền nếp, cứ vào cuối buổi chiều và các ngày nghỉ là Trung úy Hoàng Cao Cường, Chính trị viên Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) lại cùng các chiến sĩ đến phòng Hồ Chí Minh của tiểu đoàn để đọc sách, báo, truy cập internet, tìm hiểu những thông tin bổ ích và xem những bộ phim truyền thống. Hỏi chuyện Binh nhì Nguyễn Huy Chiến (chiến sĩ mới của Đại đội 6) sau khi xem bộ phim “Chuyện về đơn vị thành lập ngày 2-9”, anh hào hứng nói với chúng tôi: “Từ ngày nhập ngũ về đơn vị, được chỉ huy các cấp giới thiệu, giáo dục và được tiếp cận những tài liệu sinh động trong phòng Hồ Chí Minh, tôi hiểu biết nhiều về lịch sử, truyền thống vẻ vang của quân đội và đơn vị, từ đó cảm thấy vinh dự, tự hào khi được công tác tại Trung đoàn 209-Trung đoàn Sông Lô anh hùng”.
Còn Binh nhất Đàm Việt Hoàng (chiến sĩ Đại đội 1) chia sẻ: “Sau một ngày huấn luyện vất vả, tôi và nhiều đồng đội đến phòng Hồ Chí Minh đọc sách, báo, vào mạng internet... Nhờ đó, tôi biết thêm nhiều kiến thức hay trong cuộc sống. Đồng thời, ở phòng Hồ Chí Minh có hệ thống điện thoại Homephone (miễn phí của Viettel), giúp chúng tôi có không gian riêng để gọi điện về cho gia đình, người thân"...
Phòng Hồ Chí Minh của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209 là điểm đến hấp dẫn bộ đội trong những ngày nghỉ, giờ nghỉ. |
Tìm hiểu chúng tôi được biết, là trung đoàn bộ binh được biên chế đủ quân, hằng năm tổ chức huấn luyện, quản lý nhiều đối tượng chiến sĩ nên bên cạnh bảo đảm tốt đời sống vật chất, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 209 luôn quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần để bộ đội phấn khởi, yêu mến đơn vị, yên tâm công tác. Trong các thiết chế văn hóa ở đơn vị cơ sở, trung đoàn đặc biệt coi trọng phát huy vai trò, hiệu quả của phòng Hồ Chí Minh.
Đại úy Lê Đức Anh, Chính trị viên Tiểu đoàn 7 chia sẻ: “Hoạt động phòng Hồ Chí Minh của đơn vị chúng tôi luôn được duy trì nền nếp, chỉ huy các cấp đã quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ của phòng Hồ Chí Minh. Để phòng Hồ Chí Minh thực sự phát huy hiệu quả, ngoài bảo đảm đầy đủ các vật tư, ấn phẩm văn hóa được cấp phát theo Thông tư số 104 của Bộ Quốc phòng, hằng năm, tiểu đoàn còn đầu tư mua mới, bổ sung, làm phong phú nguồn tài liệu phục vụ cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu. Đảng ủy, chỉ huy tiểu đoàn thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá kết quả, kịp thời rút kinh nghiệm để hoạt động của phòng Hồ Chí Minh đi vào nền nếp, chất lượng”.
Với những sách, báo, tài liệu được cấp theo tiêu chuẩn có đủ để hấp dẫn bộ đội đến với phòng Hồ Chí Minh? Đem câu hỏi này trao đổi với một số cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 209, chúng tôi nhận được câu trả lời: Ngoài các loại vật tư phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cán bộ, chiến sĩ được trên cấp phát, Trung đoàn 209 còn chủ trương xây dựng các phòng Hồ Chí Minh phong phú, sinh động bằng cách huy động mọi nguồn lực, tích cực mua sắm thêm vật tư, thiết bị, như: Âm ly, loa đài, tivi, đầu karaoke và các ấn phẩm văn hóa; vận động các đơn vị kết nghĩa tặng sách, tạp chí, đĩa CD về lịch sử, tri thức khoa học, văn hóa văn nghệ, tìm hiểu pháp luật... phù hợp với tuổi trẻ. Phòng Hồ Chí Minh được sắp xếp, bài trí khoa học, sinh động để không chỉ là nơi đọc sách, báo, nghiên cứu tài liệu, xem phim mà còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu kết nghĩa, sinh nhật đồng đội, chụp ảnh lưu niệm... để thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia.
Thiếu tá Phạm Quang Huy, Chính ủy Trung đoàn 209 cho biết: "Năm 2019, sau khi đơn vị được cấp trên đầu tư xây mới 3 phòng Hồ Chí Minh cho 3 tiểu đoàn, chúng tôi càng coi trọng phát huy hiệu quả của phòng Hồ Chí Minh, nhất là tập trung bài trí sinh động, nổi bật những hình ảnh hào hùng của Quân đội ta và truyền thống của đơn vị, tăng cường giáo dục trực quan để giúp bộ đội dễ hiểu, dễ nhớ. Trung đoàn chỉ đạo cơ quan chính trị và các đơn vị xây dựng kế hoạch, lịch hoạt động phòng Hồ Chí Minh trong từng tháng, từng tuần, bảo đảm có nội dung sinh động, cụ thể, phù hợp với nhiệm vụ và phân công cán bộ phụ trách. Tổ cán bộ, chiến sĩ phụ trách hoạt động phòng Hồ Chí Minh được tập huấn, bồi dưỡng để có phương pháp tổ chức, duy trì hiệu quả. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động của phòng Hồ Chí Minh được tính vào kết quả thi đua của các đơn vị. Do vậy, các phòng Hồ Chí Minh ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ và chấp hành kỷ luật cũng được nâng lên".
Bài và ảnh: XUÂN MINH - VĂN HUY/qdnd.vn