"Giỏi như hậu cần bốn tám"

Thứ 7, 18.01.2020 | 12:21:21
433 lượt xem

Mô hình tăng gia, chăn nuôi của Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) trong nhiều năm qua không chỉ là điển hình để các đơn vị quân đoàn đến học tập mà ngay cả Học viện Hậu cần và nhiều đơn vị bạn ở phía Bắc cũng đến tham quan, nghiên cứu.

Quyết tâm cao và lãnh đạo, tổ chức thực hiện cương quyết của Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn; sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ các cấp và cán bộ hậu cần là bài học thành công của đơn vị.                                             

Giải những bài toán khó về tăng gia, chăn nuôi 

Chúng tôi đứng ngay cạnh hệ thống nước thải của chuồng, trại chăn nuôi với đàn lợn hơn 350 con, đàn gà 1.200 con và hơn 800 con vịt, 1.500 con chim cút lấy trứng nhưng gần như không ngửi thấy mùi hôi. Đại úy QNCN Bùi Văn Quảng, nhân viên Ban Hậu cần Trung đoàn 48-phụ trách tăng gia, chăn nuôi của đơn vị cho biết: Hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi qua nhiều hầm rút, tầng lọc khoa học nên nước thải ra môi trường sạch và không có mùi hôi. Trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, đơn vị không hề bị ảnh hưởng, một trong những nguyên nhân đạt được kết quả đó là do công tác chăn nuôi khoa học. Khi giá thịt lợn tăng chóng mặt thì ở Trung đoàn 48 vẫn bảo đảm thịt lợn cho bộ đội ăn với giá ổn định và rẻ hơn thị trường 7-10%.

Trao đổi với Trung tá Đặng Thành Tuyên, Chính ủy Trung đoàn 48, chúng tôi được biết, khí hậu Tây Nguyên có hai mùa (mùa mưa và mùa khô) rõ rệt. Những năm gần đây, sự tác động của biến đổi khí hậu làm cho thời tiết trở nên cực đoan, mưa và hạn hán kéo dài, nhiều loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi xuất hiện, làm cho công tác tăng gia, chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, trực SSCĐ ngày càng cao đòi hỏi bộ đội phải có sức khỏe tốt, giảm thời gian tăng gia, chăn nuôi trong giờ nghỉ, ngày nghỉ để tập trung cho công tác bảo quản, bảo dưỡng vũ khí trang bị, hoạt động câu lạc bộ, văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao... Để giải những bài toán này, Trung đoàn 48 triển khai mô hình tăng gia, chăn nuôi tập trung với quy hoạch bài bản, hệ thống xử lý chất thải, phân bón, tưới tiêu được đầu tư hiện đại, đáp ứng tốt cả trong mùa khô và mùa mưa ở Tây Nguyên. Công tác tổ chức tăng gia, chăn nuôi do Ban Hậu cần của trung đoàn điều hành tập trung, thống nhất, thực hiện đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng, tích cực xen canh, gối vụ, chuyên canh, thâm canh…

Chiến sĩ Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 48) thu hoạch đậu.

Vườn tăng gia rộng 16.000m2 phủ một màu xanh của su hào, bắp cải, cải thảo, cải ngọt, mồng tơi… và những giàn su su, mướp hương, bầu canh... trĩu quả. Hiện nay, đơn vị đang tự bảo đảm 100% nhu cầu rau xanh với giá rẻ hơn thị trường 20-25%; hằng ngày bộ đội có chuối ăn tráng miệng. Nhiều khi rau củ vào chính vụ, bộ đội không tiêu thụ hết, đơn vị phải bán ra thị trường. "Rau 48" có thương hiệu và nổi tiếng ngon, sạch vì đơn vị tự chế phân vi sinh thay cho phân hóa học và chế phẩm sinh học thay cho thuốc trừ sâu.

Chủ động chăm lo Tết cho bộ đội

Chúng tôi bắt đầu tìm hiểu chuyện ăn Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48 từ vườn lá dong của đơn vị. Đại úy Nguyễn Đức Nhất, Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 48 tâm đắc: "Lá dong gói bánh chưng tưởng rất đơn giản, nhưng nếu đơn vị không trồng được, phải mua thì cũng tốn không ít tiền. Đơn vị chúng tôi trồng lá dong từ nhiều năm nay và mỗi năm thu được hơn 8.000 lá, đủ để gói bánh chưng cho toàn đơn vị. Giảm chi phí không cần thiết càng nhiều thì chất lượng bữa ăn Tết của bộ đội càng được nâng lên".

Đó cũng chính là quan điểm bảo đảm hậu cần ăn Tết của Trung đoàn 48. Mọi công tác chuẩn bị được tiến hành từ rất sớm nhằm chủ động nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn ngay trong đơn vị. Theo thực đơn ăn Tết năm nay, Trung đoàn 48 chỉ phải mua ngoài một số loại thực phẩm, như: Tôm, cá đồng và một phần thịt bò. Còn lại đơn vị tự bảo đảm với giá thành rẻ hơn thị trường ít nhất 7%, có những loại rau-củ-quả rẻ hơn đến 25%. Công tác tổ chức bảo đảm được tiến hành chặt chẽ, ngoài bộ phận hậu cần chuyên trách, đơn vị còn thành lập các tổ gói bánh chưng, tổ chế biến món ăn, tổ chấm điểm, trực ban giám sát, cân đong tay ba... Đại đội 6 (Tiểu đoàn 2) thực hiện nhiệm vụ hành quân dã ngoại ăn Tết với nhân dân ở vùng dân tộc thiểu số cũng được Trung đoàn 48 lên kế hoạch tiếp phẩm chu đáo, cụ thể. Ngoài ra còn chuẩn bị vật chất, thực phẩm để tổ chức các hoạt động thi gói bánh chưng với nhân dân, khám bệnh cấp thuốc miễn phí, tặng quà gia đình người có công, người nghèo trên địa bàn.     

Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 đang tăng cường cho Ban Hậu cần chăm sóc, thu hoạch rau xanh, chúng tôi ấn tượng với chỉ số hài lòng về công tác hậu cần gần như tuyệt đối. Binh nhất Lê Công Mạnh, chiến sĩ Tiểu đội 6 (Trung đội 2, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2) tâm sự: "Hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự chỉ có một lần duy nhất được ăn Tết trong quân đội. Điều làm chúng tôi vui nhất là sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo, chỉ huy các cấp như ba mẹ ở nhà. Chế độ tiêu chuẩn Tết được phổ biến, niêm yết công khai minh bạch, rõ ràng". Còn Binh nhất Nguyễn Quốc Nhất, chiến sĩ Tiểu đội 9 (Trung đội 6, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2), tâm sự: "Công tác bảo đảm hậu cần của trung đoàn giúp tôi học tập được rất nhiều điều và có thể sẽ áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi sau khi xuất ngũ".

Đại tá Phạm Văn Dũng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 khẳng định: "Thành công của mô hình hậu cần ở Trung đoàn 48 thể hiện quyết tâm cao và công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, cương quyết của Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn. Đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. "Phải giỏi như hậu cần bốn tám" trở thành phương châm để Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn lãnh đạo, chỉ đạo trong toàn đơn vị".


Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN 

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/cuoc-thi-viet-bo-doi-hau-can-lam-theo-loi-bac-ho-day/gioi-nhu-hau-can-bon-tam-608038

  • Từ khóa