Các đoàn kinh tế-quốc phòng thuộc Quân khu 9: Chung tay xây dựng vùng biên giới Tây Nam

Thứ 2, 11.09.2023 | 14:38:44
477 lượt xem

Những năm qua, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 959 và Đoàn KT-QP 915 (Quân khu 9) đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt chức năng “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”. Qua đó, góp phần củng cố thế trận quốc phòng, an ninh, từng bước giúp nhân dân vùng biên giới Tây Nam phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Nhiều mô hình giúp dân hiệu quả

Do hoàn cảnh khó khăn nên năm 2018, anh Mai Văn Phát, ấp Rạch Dứa, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang) được Đoàn KT-QP 915 hỗ trợ 2 con bò giống lai Sind. Nhờ được chăm sóc tốt, 2 con bò giống sinh được 6 con bê, anh Phát bán được hơn 100 triệu đồng và hoàn trả 2 con. “Khi nhận bò, tôi vừa mừng vừa lo bởi chưa có kinh nghiệm, sợ bò phát triển không tốt, nhưng được các anh ở Đoàn KT-QP 915 thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên bò đã phát triển tốt, sinh sản nhanh. Nhờ số tiền bán bò, kinh tế gia đình tôi đỡ vất vả”, anh Phát tâm sự.

Được thành lập năm 2015, Đoàn KT-QP 915 có nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền 2 phường, 8 xã thuộc hai huyện Giang Thành, Kiên Lương và TP Hà Tiên (Kiên Giang) tổ chức quy hoạch, bố trí, sắp xếp ổn định cuộc sống dân cư, tham gia xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội.

Đại tá Nguyễn Xuân Huy, Chính ủy Đoàn KT-QP 915 cho biết, để thực hiện những dự án đầu tư, hỗ trợ sản xuất các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, hằng năm, đơn vị phối hợp với các địa phương vùng dự án tổ chức rà soát, xét duyệt, phân loại những gia đình được hỗ trợ sản xuất theo đúng tiêu chí quy định; thực hiện nghiêm túc cam kết trong hợp đồng chuyển giao cũng như chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

"Gia đình anh Phát thuộc hàng nghìn hộ dân được chúng tôi hỗ trợ con giống để phát triển sản xuất từ khi thành lập đến nay. Bằng nguồn vốn ngân sách của trên cùng với công sức của cán bộ, chiến sĩ, thời gian qua, chúng tôi còn xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi có hiệu quả, được ứng dụng rộng rãi... Nhờ đó, cuộc sống người dân trong vùng dự án giờ đây đỡ vất vả hơn”, Đại tá Nguyễn Xuân Huy nói.

Các đoàn kinh tế-quốc phòng thuộc Quân khu 9: Chung tay xây dựng vùng biên giới Tây Nam
 Trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế -Quốc phòng 959 (Quân khu 9) dạy tin học cho các em học sinh vùng dự án.

Tiền thân là Nông trường Giồng Găng thành lập năm 2003, ban đầu Đoàn KT-QP 959 đảm nhiệm vùng dự án gồm 8 xã, 1 thị trấn thuộc huyện Tân Hồng và 1 xã thuộc huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Từ tháng 6-2022, Khu KT-QP Tân Hồng điều chỉnh quy hoạch gồm 14 xã và 1 thị trấn thuộc các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Hồng Ngự và TP Hồng Ngự (Đồng Tháp); trong đó có 8 xã giáp biên giới với nước bạn Campuchia.

Từ một vùng dự án đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng, dân cư thưa thớt, chưa đầu tư điện-đường-trường-trạm, qua 20 năm thực hiện nhiệm vụ, đơn vị đã góp phần cùng địa phương thay đổi vùng đất vốn nhiều gian khó, đời sống người dân được nâng cao, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Đồng chí Huỳnh Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng, cho biết: “Song song với việc phối hợp cùng địa phương triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí các điểm, cụm tuyến dân cư, Đoàn KT-QP 959 còn thực hiện hiệu quả dự án “Mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh trong khu KT-QP” thu hút hơn 1.200 hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia. Những hộ dân được tập huấn kỹ thuật, tham quan các mô hình mới tiên tiến, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi phù hợp... nên hiệu quả đem lại rất cao, diện mạo của vùng biên giới Tân Hồng đã chuyển mình”.

Vùng biên khởi sắc

Sinh sống tại ấp Thành Lập, xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng đã hơn 50 năm, ông Trương Thành Nam kể: “Trước đây, khu vực này chưa có các tuyến đê bao nên hằng năm, cứ tầm tháng 9-10, khi lũ về nước ngập mênh mông. Mỗi năm trồng một vụ lúa, nhà nào chưa thu hoạch kịp thì mất trắng. Cầu, đường chưa được xây dựng, việc đi lại của người dân và các cháu học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi có Đoàn KT-QP 959 về hỗ trợ đào kênh, rửa phèn các vùng đất bỏ hoang, xây dựng hệ thống nước tưới tiêu, các công trình cầu, đường, áp dụng khoa học kỹ thuật vào phục vụ nhân dân sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản... Qua từng vụ, từng mùa, chất lượng sản xuất được nâng lên hơn những năm trước rất nhiều”.

Thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng khu KT-QP trong tình hình mới, các đoàn KT-QP trên địa bàn Quân khu 9 tham mưu với Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu, UBND tỉnh Kiên Giang và UBND tỉnh Đồng Tháp đầu tư, vận động các nguồn vốn để khai thác tiềm năng vùng dự án. Với sự lãnh đạo sâu sát, quyết đoán, linh hoạt, tinh thần trách nhiệm cao, nhiều dự án, công trình hạ tầng quan trọng được triển khai thực hiện hoàn thành, góp phần kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng.

Cụ thể như cầu Giồng Găng, cầu Tân Phước, đường Tân Thành B; 2 cụm dân cư Cà Vàng, Cây Dương; hỗ trợ vốn cho 1.816 hộ di dân lên các cụm tuyến dân cư; phát triển hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng, bơm nước phục vụ nhân dân sản xuất lúa 3 vụ của Đoàn KT-QP 959. Hay tuyến đường vành đai phía nam kênh Vĩnh Tế dài 2,7km; đường kênh Nông Trường giai đoạn 2 dài 7,6km; hỗ trợ các trạm y tế trị giá gần 5 tỷ đồng của Đoàn KT-QP 915... Từ hiệu quả các công trình, dự án đến nay đã có nhiều xã trong vùng dự án đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh sự nỗ lực, trách nhiệm cao của cán bộ, chiến sĩ, sự góp sức của các đội viên trí thức trẻ tình nguyện theo Dự án 174 cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến từng hộ dân. Bằng sức trẻ, xung kích, nhiệt huyết, sáng tạo, các đội viên trí thức trẻ tình nguyện đã tham gia hỗ trợ thành lập hợp tác xã nông, lâm nghiệp; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh trên cây trồng, vật nuôi; mở các lớp dạy ngoại ngữ, tin học miễn phí cho học sinh nghèo; vận động các em trong độ tuổi đến trường; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân vùng dự án...

Thượng tá Trần Quang Thanh, Phó đoàn trưởng Đoàn KT-QP 915, tâm sự: “Trước đây, những hộ dân nuôi cá lồng bè thường theo thói quen, thiếu kỹ thuật và chọn giống cá không tốt nên hiệu quả kinh tế không cao. Hiểu được những khó khăn đó, đơn vị đã cử đội viên trí thức trẻ tình nguyện có chuyên môn hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi, chọn giống cá chất lượng cao. Nhờ áp dụng kỹ thuật mới, từ năm 2020 đến nay, nhiều bè cá của người dân đã phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Đi trên con đường với đủ màu sắc của những cánh đồng lúa chín vàng rực rỡ, công trình trên các cụm tuyến dân cư, các điểm trường học, cơ sở y tế, giao thông, thủy lợi... chắc hẳn ai từng đến vùng biên giới các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp sẽ cảm nhận được sự đổi thay. Các địa phương có được sự khởi sắc như hôm nay là do sự chung tay, góp sức của cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 915 và Đoàn KT-QP 959.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/cac-doan-kinh-te-quoc-phong-thuoc-quan-khu-9-chung-tay-xay-dung-vung-bien-gioi-tay-nam-742196

  • Từ khóa