Bộ CHQS tỉnh Bến Tre: Bám sát địa bàn, huấn luyện sát thực tế

Thứ 2, 25.09.2023 | 15:07:02
627 lượt xem

Tỉnh Bến Tre có 8 huyện, 1 thành phố; 3 huyện ven biển là Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, địa hình nhiều kênh, rạch, cồn, bãi bồi kéo dài theo bờ biển gồm 4 cửa sông lớn: Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên. Xuất phát từ tầm quan trọng của vị trí chiến lược trong thế trận Khu vực phòng thủ Quân khu 9, Bộ CHQS tỉnh Bến Tre chủ động đổi mới chương trình huấn luyện phù hợp từng đối tượng, địa bàn nhất là địa phương giáp biển, nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, lụt bão. Nhờ vậy, trình độ, khả năng xử

Xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri là địa phương giáp biển, việc huấn luyện đối tượng dân quân biển luôn được Ban CHQS xã canh theo thời tiết, thủy triều, nhất là các bài bắn mục tiêu trên biển. “Nước lớn, nước ròng mình không thể dự báo trước, vì vậy, trước khi ra bãi tập, chúng tôi chuẩn bị thêm vật chất để sẵn sàng hoán đổi nội dung. Ví như nước ròng thì không thể bắn súng, chúng tôi sẽ chuyển sang huấn luyện võ thuật hoặc các nội dung kỹ thuật, chiến thuật. Nhờ vậy, nội dung, chương trình huấn luyện luôn được thực hiện đúng, đủ và đảm bảo chất lượng”, đồng chí Khổng Minh Nghị, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Bảo Thạnh chia sẻ.

Thạnh Phú cũng là 1 trong 3 huyện giáp biển và có vị trí quan trọng trong khu vực phòng thủ của tỉnh. Chính vì vậy, việc xây dựng và huấn luyện dân quân biển được Ban CHQS huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian qua. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thạnh Phú: "Hiện tại, đơn vị đã xây dựng được 3 tiểu đội dân quân biển. Bên cạnh huấn luyện theo chương trình của Bộ Tổng Tham mưu, đơn vị còn phối hợp với địa phương, Đồn Biên phòng Cổ Chiên tuyên truyền pháp luật về biển; đồng thời, phối hợp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật nâng cao khả năng chiến đấu trên biển cho cán bộ, chiến sĩ; giúp anh em nắm chắc diễn biến và thông tin kịp thời tình huống bất ổn diễn ra trên biển để có biện pháp xử lý".

Bộ CHQS tỉnh Bến Tre: Bám sát địa bàn, huấn luyện sát thực tế

Dân quân Ban CHQS huyện Giồng Trôm (Bộ CHQS tỉnh Bến Tre) huấn luyện bắn súng AR15.

Cùng với huấn luyện thích ứng địa bàn, đối tượng dân quân ở địa phương không giáp biển còn được huấn luyện kỹ năng ứng phó với thiên tai, lụt bão. Đồng chí Phan Thanh Nhuần, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Thới Lai, huyện Bình Đại, cho biết: “Trong thời gian tập trung huấn luyện, chúng tôi còn lồng ghép huấn luyện kỹ năng xử trí tình huống khi có thiên tai, lũ bão và ứng phó sự cố môi trường. Ví như cách chuẩn bị thuyền, phao, bè, vật nổi, cách gia cố nhà, cất giữ đồ đạc đề phòng giông bão… Từ sự chủ động này mà năm 2021, lực lượng của chúng tôi giúp xã Thạnh Phước khắc phục hậu quả lốc xoáy, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống”.

Bám sát thực tiễn, tích cực đổi mới nội dung, tổ chức, phương pháp huấn luyện là phương châm xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh thời gian qua. “Với vai trò là cơ quan tham mưu, điều hành huấn luyện, chúng tôi bám sát chỉ thị, kế hoạch của trên và cụ thể hóa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Quá trình huấn luyện, chú trọng nâng cao sức cơ động, hiệp đồng giữa các bộ phận, khả năng xử trí tình huống trong phòng, chống thiên tai, lụt bão. Đồng thời, kết hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên để kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ cơ quan, đơn vị khắc phục hạn chế, nhất là tài liệu huấn luyện, thao trường bãi tập và phương pháp huấn luyện của cán bộ”, Thượng tá Mai Văn Chính, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Bến Tre cho biết.

Ngoài ra, Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh còn lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khắc phục khó khăn, củng cố sửa chữa, nâng cấp thao trường, bãi tập bảo đảm cho các nội dung huấn luyện. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huấn luyện cho tất cả các đối tượng bộ đội thường trực, dự bị động viên, dân quân tự vệ phù hợp phương châm từng đối tượng, coi trọng huấn luyện cán bộ, lực lượng làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, làm nhiệm vụ A2. Huấn luyện sát với thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến, đặc điểm của địa phương, phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị hiện có, sẵn sàng chiến đấu cao. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các loại mô hình học cụ, đồ dùng thiết bị bảo đảm cho các nội dung, đề mục huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu.

Bộ CHQS tỉnh Bến Tre: Bám sát địa bàn, huấn luyện sát thực tế
 Dân quân xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc vận chuyển nước ngọt giúp nhân dân vùng hạn mặn.

Thời gian tới, Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh tiếp tục đổi mới phương pháp huấn luyện, khắc phục lối truyền thụ một chiều; người dạy và người học tăng cường trao đổi phát hiện cái mới, ứng dụng triệt để các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống giáo án, bài giảng điện tử. Huấn luyện gắn với địa hình, sát đối tượng, đặc biệt là huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên.

“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ huấn luyện ở cấp xã, huyện. Bởi cán bộ có đánh giá đúng thực trạng chất lượng huấn luyện, từ đó mới đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện sát với tình hình nhiệm vụ của đơn vị và từng đối tượng. Qua đó nâng cao năng lực nghiên cứu, tham mưu với cấp ủy, chính quyền ở cơ sở, tập trung vào diễn tập chiến đấu phòng thủ, diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đạt chất lượng tốt”, Đại tá Nguyễn Thanh Xuân, Phó chỉ huy trưởng – Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Bến Tre, thông tin.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/bo-chqs-tinh-ben-tre-bam-sat-dia-ban-huan-luyen-sat-thuc-te-743281

  • Từ khóa