Dấu ấn mới trong thiết kế tàu quân sự

Chủ nhật, 01.10.2023 | 00:00:00
739 lượt xem

Một trong những giải pháp được Đảng ủy, chỉ huy Viện Thiết kế tàu quân sự thực hiện hiệu quả, đó là đơn vị luôn chú trọng đẩy mạnh nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học....

“Nghiên cứu, thiết kế, đóng mới; tích hợp hệ thống vũ khí, khí tài trên tàu quân sự; nâng cao năng lực tư vấn và thẩm định, giám sát thi công đóng tàu, sửa chữa tàu quân sự... đặt ra yêu cầu ngày càng cao. Việc càng khó càng phải có quyết tâm cao, phải phát huy tốt tinh thần 7 "dám" để sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn”, Đại tá Phạm Quang Chiến, Viện trưởng Viện Thiết kế tàu quân sự (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy về việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Tổng công ty Sông Thu (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) vừa hạ thủy tàu VDN-150 bàn giao cho Quân khu 5. Đây là tàu vận tải đa năng do Viện Thiết kế tàu quân sự thiết kế, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép, thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, chuyên chở trang bị kỹ thuật cho các đơn vị, lực lượng làm nhiệm vụ trên biển.

Điểm nổi bật là tàu VDN-150 có thể hoạt động liên tục trên biển nhiều ngày.

Dấu ấn mới trong thiết kế tàu quân sự

Cán bộ, nghiên cứu viên Viện Thiết kế tàu quân sự (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) trao đổi phương án thiết kế tàu biển.

Đây là một trong những minh chứng khẳng định năng lực thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công của đội ngũ cán bộ Viện Thiết kế tàu quân sự. Với việc triển khai thiết kế, hoán cải nhiều gam tàu cho các nhà máy đóng tàu và sửa chữa tại các đơn vị, những năm qua, Viện đã triển khai thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán 19 gam tàu cho các chủ đầu tư, đặc biệt là chủ trì thiết kế thi công cho các gam tàu, như: Tàu kéo, tàu trinh sát, tàu vận tải đa năng, tàu chở xăng dầu từ 300-3.000 tấn, tàu bổ trợ tàu ngầm... Đối với loạt tàu hải đội dân quân thường trực, Viện tham gia từ bước lập dự án cho đến khi bàn giao tàu.

Theo Đại tá Phạm Quang Chiến, để nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế tàu quân sự, dân sự, Viện thực hiện chuyên môn hóa theo hướng thành lập tổ thiết kế tập trung, lựa chọn cán bộ có trình độ của các cơ quan chuyên môn làm nòng cốt, phát huy trí tuệ tập thể trong thiết kế các sản phẩm; rà soát, ban hành các quy trình làm việc (thiết kế, giám sát, biên soạn tài liệu...) nhằm kiểm soát, quản lý chất lượng, tiến độ thực hiện công việc và phát hiện những khâu yếu để khắc phục kịp thời.

Hiện nay, Viện có đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên trẻ, cơ bản được đào tạo bài bản từ nước ngoài, có khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ thiết kế, đóng tàu quân sự của nhiều nước và thực hiện các đề tài, nhiệm vụ theo hướng chuyên sâu, nhất là làm chủ các phương pháp tính toán, các phần mềm thiết kế tàu. Đó là cơ sở quan trọng để Viện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Một trong những giải pháp được Đảng ủy, chỉ huy Viện Thiết kế tàu quân sự thực hiện hiệu quả, đó là đơn vị luôn chú trọng đẩy mạnh nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Đại tá Hồ Văn Châu, Chính trị viên Viện cho hay, Đảng ủy, chỉ huy Viện khuyến khích cán bộ, nghiên cứu viên đề xuất các biện pháp, cách làm trong đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề tài, nhiệm vụ được giao; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm đối với các tập thể, cá nhân trong toàn đơn vị.

Cùng với đó, Viện đã phối hợp với Viện nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) và Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo, thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế tàu tham dự; qua đó, đề xuất được nhiều nội dung có hàm lượng khoa học cao trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế các loại tàu biển.

Vì vậy, những năm qua, Viện đã thực hiện 37 đề tài, nhiệm vụ các cấp trong đó có một đề tài cấp nhà nước, 3 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng, 15 đề tài cấp tổng cục. Các đề tài, nhiệm vụ của Viện tăng cả số lượng và chất lượng.

Nhiều sản phẩm được đưa vào phục vụ công tác thiết kế, đóng mới, bảo đảm kỹ thuật tàu, như: Xuồng cứu hộ bằng vật liệu PPC; cụm bàn trượt tống đạn pháp AK-726; móc kéo thủy lực 15 tấn... Một số sản phẩm đề tài phục vụ triển khai các dự án xây dựng, đóng mới, chế tạo các hệ thống, trang thiết bị mang tính chiến lược về kinh tế biển, quốc phòng, an ninh...

Ngoài ra, Viện thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm kỹ thuật cho các nhà máy đóng tàu và các đơn vị sử dụng tàu trong toàn quân, với nhiều sản phẩm được đưa vào trang bị trên tàu, như: Sửa chữa hệ thống điều khiển máy chính, hệ thống tay chuông truyền lệnh; chế tạo mạch điều khiển C0B10 cho máy chính MTU; hỗ trợ bảo đảm kỹ thuật đối với bắn đạn thật của Vùng I Hải quân; hệ thống điều khiển đèn hàng hải; hệ thống báo ngập khoang két trên tàu; hệ thống giám sát toàn tàu; hệ thống thủy lực trên xe thiết giáp chống khủng bố XTC-02...

Về những định hướng trọng tâm trong thời gian tới, chỉ huy Viện Thiết kế tàu quân sự cho biết, Viện tập trung thiết kế gam tàu chiến, các gam tàu bổ trợ, tàu mới phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước, quốc tế. Chủ động tham gia vào việc tư vấn xây dựng các chương trình, đề án đóng tàu của Quân đội; đề xuất mở mới các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao, thực sự cấp thiết trong lĩnh vực đóng tàu quân sự. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu tích hợp vũ khí, khí tài trên tàu và tham gia tiếp nhận chuyển giao công nghệ một số hệ tàu mới...


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dau-an-moi-trong-thiet-ke-tau-quan-su-745079

  • Từ khóa