Những vấn đề đặt ra trong đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật cấp trung đoàn, lữ đoàn

Thứ 3, 10.10.2023 | 08:37:43
794 lượt xem

Thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các đơn vị cơ sở và cấp trên cơ sở đang tiến hành sáp nhập cơ quan hậu cần và cơ quan kỹ thuật thành cơ quan hậu cần-kỹ thuật (HC-KT). Đồng thời, bắt đầu từ năm học 2023-2024 tiến hành hợp nhất hai đối tượng đào tạo chủ nhiệm hậu cần và chủ nhiệm kỹ thuật cấp trung đoàn thành một đối tượng đào tạo: Chủ nhiệm HC-KT cấp trung đoàn, lữ đoàn. Việc xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo “hợp nhất” này cần tiến hành như thế nào để đào tạo chủ

Mục tiêu đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật

Trao đổi với chúng tôi về mục tiêu đào tạo chủ nhiệm HC-KT, Thiếu tướng, GS, TS Trần Xuân Nam, Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự, cho rằng: Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới đã xác định mục tiêu đào tạo cán bộ cấp trung đoàn, sư đoàn có kiến thức toàn diện về chính trị, quân sự, quản lý nhà nước, kinh tế-xã hội, pháp luật và kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành; đồng thời có năng lực tư duy lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu, chuyên môn đáp ứng yêu cầu chức trách, nhiệm vụ. Do vậy, mục tiêu, chuẩn đầu ra, nội dung chương trình đào tạo đối với đào tạo chủ nhiệm HC-KT cần được xây dựng để sau khi tốt nghiệp thì cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, hiện nay chưa có điều lệ công tác HC-KT, điều lệ công tác tham mưu HC-KT chung làm cơ sở bổ sung, điều chỉnh nội dung học phần cho HC-KT.

Cũng theo Thiếu tướng, GS, TS Trần Xuân Nam, mặc dù một số nhà trường Quân đội có nhiều giảng viên, chuyên gia có kinh nghiệm về hậu cần và về kỹ thuật, song hiện chưa có đội ngũ giảng viên có đủ kiến thức chuyên sâu giảng đồng thời cả hai khối kiến thức HC-KT. Bên cạnh đó, quá trình đào tạo muốn đạt được mục tiêu và bảo đảm chất lượng, đáp ứng phương châm đào tạo “cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu” thì nhất thiết phải chú ý đến đầu vào, cụ thể ở đây là hai chuyên ngành khác nhau. Bởi vậy, việc xây dựng chương trình đào tạo thế nào cho cân đối, phù hợp để học viên sau khi tốt nghiệp hoàn thành tốt chức trách chủ nhiệm HC-KT cũng là bài toán khó...

Những vấn đề đặt ra trong đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật cấp trung đoàn, lữ đoàn

 Giờ học của học viên đào tạo cán bộ trung đoàn, lữ đoàn tại Học viện Hậu cần. Ảnh: ĐỨC DŨNG

Thiếu tướng, PGS, TS Phan Tùng Sơn, Giám đốc Học viện Hậu cần, cho biết: Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” vừa được phê duyệt, trong đó xác định một số nội dung cốt lõi, liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ giáo dục-đào tạo của Học viện Hậu cần và phải triển khai thực hiện ngay từ năm học 2023-2024. Theo đó, hợp nhất hai đối tượng đào tạo (chủ nhiệm hậu cần và chủ nhiệm kỹ thuật) thành một đối tượng đào tạo chủ nhiệm HC-KT. Tổ chức đào tạo “2 trong 1” là vấn đề mới, Học viện đã chủ động bám nắm chỉ đạo của các cơ quan cấp trên và tổ chức biên chế, chức năng, nhiệm vụ cơ quan HC-KT các đơn vị, chủ động xây dựng hai chương trình đào tạo chủ nhiệm HC-KT cấp trung đoàn, lữ đoàn và đào tạo ngắn hạn chủ nhiệm HC-KT trung đoàn, lữ đoàn.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, chương trình đào tạo chủ nhiệm HC-KT trung đoàn, lữ đoàn trong 1,5 năm do Học viện Hậu cần xây dựng là chương trình đào tạo dài hạn, với mục tiêu học viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm chức vụ công tác ban đầu là chủ nhiệm HC-KT trung đoàn, lữ đoàn trong toàn quân. Chương trình có nhiều điểm mới so với các chương trình trước đây với 6 chuẩn kiến thức, 7 chuẩn kỹ năng để chủ nhiệm HC-KT hoàn thành tốt nhiệm vụ “2 trong 1”. Đặc biệt, để học viên sau khi tốt nghiệp có thể thực hiện nhiệm vụ ở các quân chủng, binh chủng với nhiều chuyên ngành khác nhau, Học viện Hậu cần xây dựng phần kiến thức chuyên sâu để học viên tự chọn, đăng ký học sau khi đã hoàn thành phần kiến thức chuyên ngành với hơn 17%, gồm các khối: Bộ binh, các học viện nhà trường và biên phòng; Quân chủng Hải quân và Cảnh sát biển; Quân chủng Phòng không-Không quân; chuyên ngành quân nhu, vận tải, xăng, dầu, doanh trại. Các khối còn lại, kiến thức giảng dạy đã được tích hợp, đồng bộ giữa HC-KT.

Đối với chương trình đào tạo ngắn chủ nhiệm HC-KT trung đoàn, lữ đoàn trong một năm, với mục tiêu học viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm chức vụ công tác ban đầu là chủ nhiệm HC-KT trung đoàn, lữ đoàn trong toàn quân. Tuy nhiên, đối tượng đầu vào theo quy định của Bộ Quốc phòng là cán bộ nói chung (bao gồm công tác nhiều chuyên ngành, lĩnh vực) đã qua thực tế công tác hậu cần. Từ yếu tố đầu vào và để đạt được chuẩn đầu ra với thời gian huấn luyện là một năm, Học viện Hậu cần xây dựng chương trình với khối kiến thức chung chiếm khoảng 30%; khối kiến thức, kỹ năng cơ sở ngành, chuyên ngành, thi tốt nghiệp chiếm khoảng 70%.

Những phản hồi từ đơn vị

Để bảo đảm chương trình đào tạo chủ nhiệm HC-KT sát thực tế, Học viện Hậu cần đã lấy ý kiến của các đơn vị trong toàn quân. Thiếu tướng Lê Anh Tuấn, Phó tư lệnh Quân khu 1 cho rằng: Đào tạo hợp nhất chủ nhiệm HC-KT trung đoàn, lữ đoàn là vấn đề mới, do vậy, các nhà trường cần có sự phối hợp nghiên cứu, không ngừng đổi mới nội dung, chương trình, quy trình, phương pháp giáo dục-đào tạo; thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, nội dung, chương trình phải được “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, cấu trúc hợp lý, khoa học giữa các khối kiến thức, dành nhiều thời gian cho kiến thức chuyên ngành; tăng cường thảo luận và thực hành, tập bài, phát huy khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, có năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo cương vị công tác.

Đối với chương trình đào tạo, Thiếu tướng Lê Anh Tuấn đề nghị Học viện Hậu cần nghiên cứu bổ sung nội dung công tác bảo đảm HC-KT của lữ đoàn binh chủng trong chiến đấu vào chương trình đào tạo của hai đối tượng. Vì thực tế ở đơn vị, cán bộ HC-KT thường xuyên được điều động công tác từ trung đoàn bộ binh sang các binh chủng chuyên ngành. Nếu không được trang bị kiến thức cơ bản về công tác bảo đảm HC-KT trong chiến đấu của lữ đoàn binh chủng sẽ rất khó khăn cho chủ nhiệm HC-KT trong chỉ huy, chỉ đạo và xây dựng văn kiện bảo đảm HC-KT của lữ đoàn.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó tư lệnh Quân khu 4: Học viện được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đào tạo chủ nhiệm HC-KT cần nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo gắn với thực tiễn công tác của học viên sau ra trường, các môn học phải có tính thực tiễn, lý luận và thực hành. Muốn vậy, đòi hỏi cán bộ, giáo viên phải có thực tiễn ở đơn vị thông qua việc đi dự nhiệm của cán bộ, giáo viên về đơn vị. Từ đó mới nắm được hoạt động thực tế của đơn vị để xây dựng quy trình đào tạo, kế hoạch huấn luyện... sát thực tiễn đơn vị. Chủ động mời cán bộ đơn vị về giảng dạy ở tất cả các loại hình quân chủng, binh chủng; đưa học viên đi thực tế tại các đơn vị cơ sở; thường xuyên cập nhật các khí tài trang bị mới trong Quân đội, nhất là khí tài, trang bị của các quân chủng, binh chủng đang tiến lên hiện đại; kiến thức bảo đảm HC-KT sau khi sáp nhập thành cơ quan HC-KT các cấp. 

Đại tá Nguyễn Đức Sỹ, Chủ nhiệm Hậu cần Bộ đội Biên phòng, nêu giải pháp: "Qua nghiên cứu hai chương trình đào tạo chủ nhiệm HC-KT trung đoàn, lữ đoàn của Học viện Hậu cần, chúng tôi nhận thấy: Nội dung, chương trình đào tạo của Học viện đã bám sát quyết định, hướng dẫn của trên, đặc biệt là Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội”; chương trình đào tạo thường xuyên được cập nhật, bổ sung, ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu hòa nhập với hệ thống giáo dục quốc gia và nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay dự thảo chương trình đào tạo chủ nhiệm HC-KT của Học viện Hậu cần và Học viện Kỹ thuật Quân sự đang khác nhau, trong khi thời gian đào tạo và mục tiêu đào tạo như nhau. Vì vậy, hai học viện cần thống nhất chương trình để tổ chức đào tạo chung. Mặt khác, để chủ nhiệm HC-KT có kiến thức chuyên sâu cả hai chuyên ngành HC-KT thì Học viện Kỹ thuật Quân sự cần mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về công tác kỹ thuật cho các đối tượng đã qua đào tạo cán bộ hậu cần cấp chiến dịch, chiến thuật và lớp học ngắn hạn về công tác hậu cần cho các đối tượng đã qua đào tạo công tác kỹ thuật nhưng chưa qua đào tạo về hậu cần...".

 Trung tá Đào Minh Dũng, Chủ nhiệm HC-KT Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 (Quân khu 2): “Trước đây, tôi là chủ nhiệm hậu cần, nay đảm nhiệm cương vị chủ nhiệm HC-KT, chức trách, nhiệm vụ nặng nề hơn, nhất là kiến thức chuyên sâu về ngành kỹ thuật sẽ có phần hạn chế. Bởi vậy, các nhà trường cần căn cứ đầu vào để xác định nội dung, chương trình đào tạo phù hợp. Nếu đầu vào là cán bộ hậu cần thì tăng thời lượng nội dung đào tạo về ngành kỹ thuật và ngược lại. Đào tạo trong nhà trường là quan trọng, song yếu tố quyết định đến trình độ, năng lực của chủ nhiệm HC-KT vẫn là tự học, tự nghiên cứu. Cán bộ thấy mình yếu về lĩnh vực nào thì phải chủ động nghiên cứu, học tập thêm về lĩnh vực đó”.

 

Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-van-de-dat-ra-trong-dao-tao-chu-nhiem-hau-can-ky-thuat-cap-trung-doan-lu-doan-746406

  • Từ khóa