Để quân nhân thêm yên tâm công tác, cống hiến

Thứ 2, 13.11.2023 | 08:48:38
575 lượt xem

Mặt trái nền kinh tế thị trường, công việc bận rộn với cường độ cao, ít có thời gian chăm lo cho gia đình, đồng lương eo hẹp... là những yếu tố tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của sĩ quan, QNCN.

Thấu hiểu điều đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã luôn quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị, động viên tư tưởng, chăm lo thiết thực đến đời sống vật chất, tinh thần, giúp quân nhân chuyên tâm thực hiện nhiệm vụ. Đó là những ghi nhận thực tế tại một số đơn vị thuộc Quân khu 3.

Để quân nhân thêm yên tâm công tác, cống hiến
Chỉ huy Trung đoàn 43, Sư đoàn 395, Quân khu 3 thường xuyên gần gũi, động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, vươn lên trong công tác. 

Đặc thù hoạt động quân sự đòi hỏi đội ngũ sĩ quan, QNCN thường xuyên trực tại đơn vị, ít có thời gian chăm sóc gia đình, người thân. Điều này càng khó khăn hơn đối với những quân nhân công tác ở đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, đóng quân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo. Do đó, vấn đề giải quyết nghỉ phép, tranh thủ cho bộ đội được cấp ủy, chỉ huy các cấp rất quan tâm, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng trong tiến hành công tác tư tưởng tại đơn vị. Theo Trung tá Phạm Minh Hưng, Chính ủy Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395, Quân khu 3), xuất phát từ thực tế này, đơn vị quy định từ 2 đến 3 tuần phải giải quyết cho cán bộ cấp trung đội, đại đội đi tranh thủ một lần, cán bộ tiểu đoàn và trợ lý cơ quan 2 tuần giải quyết nghỉ tranh thủ một lần vào cuối tuần. Trường hợp quân nhân có vợ/con ốm sẽ được ưu tiên giải quyết về thăm nhà hoặc nghỉ phép. Cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm và phải giải trình lý do trước chỉ huy Trung đoàn nếu không giải quyết cho cán bộ, nhân viên nghỉ phép, tranh thủ theo quy định.

Tìm hiểu thêm ở một số đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, đóng quân trên địa bàn biên giới, hải đảo thuộc Quân khu 3 như Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327, Lữ đoàn 242, chúng tôi nhận thấy, thời gian qua, chỉ huy các cấp đều tạo điều kiện tối đa cho cán bộ, nhân viên nghỉ phép, đi tranh thủ. Việc này được triển khai rất linh hoạt, như: Tăng số ngày nghỉ phép đối với những quân nhân đóng quân ở địa bàn biên giới, hải đảo theo quy định; không dừng phép, tranh thủ khi không thật sự cần thiết; giải quyết nhanh nhất cho cán bộ, nhân viên về thăm nhà khi gia đình có việc; đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới vẫn được đề nghị cho cán bộ nghỉ phép... giúp cán bộ, nhân viên phấn khởi, hăng hái công tác.

Một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là cán bộ, nhân viên được đào tạo ở một số lĩnh vực như y tế, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật dễ xin việc bên ngoài xã hội với mức thu nhập cao hơn nhiều so với trong Quân đội. Quân nhân càng được đào tạo chuyên sâu, tay nghề cao, chuyên môn giỏi thì cơ hội việc làm bên ngoài và mức chênh lệch về thu nhập càng lớn. Điều này cũng đặt ra cho cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần có chính sách đãi ngộ phù hợp, bảo đảm quyền lợi để cán bộ, nhân viên không nảy sinh tư tưởng “chân trong, chân ngoài”. Là bệnh viện đa khoa hạng 1, tuyến cuối của Quân khu 3 với 85% bác sĩ được đào tạo chính quy dài hạn, trong đó số bác sĩ là tiến sĩ, chuyên khoa 2, thạc sĩ, chuyên khoa 1 chiếm hơn 50%, Đại tá, TS Đặng Vũ Hải, Giám đốc Bệnh viện Quân y 7 chia sẻ: “Bên cạnh làm tốt công tác giáo dục, động viên, Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện luôn tạo điều kiện thuận lợi để các y, bác sĩ tham gia học tập, nghiên cứu, tiếp cận kỹ thuật khám, điều trị tiên tiến, nâng cao trình độ chuyên môn. Bệnh viện cũng có chế độ, chính sách đãi ngộ đặc biệt về lương, thưởng đối với y, bác sĩ chuyên môn giỏi; đồng thời kết hợp hài hòa lợi ích chung với lợi ích riêng của từng người; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, qua đó giúp y, bác sĩ yên tâm công tác, gắn bó với Bệnh viện”.

Thực tế cho thấy, phần lớn sĩ quan được đào tạo cơ bản tại các học viện, nhà trường trong Quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn tốt và khát khao cống hiến. Tuy nhiên, cũng có số ít, nhất là sĩ quan trẻ mới ra trường vì lợi ích cá nhân hẹp hòi mà "chân trong, chân ngoài", dao động tư tưởng, thoái thác nhiệm vụ, thậm chí dẫn đến vi phạm pháp luật, kỷ luật. Do đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chú trọng công tác giáo dục chính trị, động viên tư tưởng; chủ động nắm, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác cũng như cuộc sống gia đình sĩ quan trẻ. Các đơn vị cần chủ động phân công cán bộ kèm cặp, giúp đỡ sĩ quan trẻ; mạnh dạn sử dụng, đề bạt sĩ quan trẻ có năng lực. Điều này sẽ góp phần khích lệ, động viên sĩ quan trẻ tích cực phấn đấu, luyện rèn và ngày càng trưởng thành.

Hiện nay, nhiều đơn vị thuộc Quân khu 3 như Trường Quân sự Quân khu 3, Lữ đoàn 513, Lữ đoàn 454, Lữ đoàn 405 đã xây dựng khu nhà công vụ cho gia đình cán bộ, nhân viên mượn. Ngoài ra, các hoạt động rà soát, hỗ trợ kinh phí xây “Nhà đồng đội”; thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn cũng được tiến hành thường xuyên... Sự quan tâm thiết thực của cấp ủy, chỉ huy các cấp đã góp phần quan trọng giúp cán bộ, nhân viên yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/de-quan-nhan-them-yen-tam-cong-tac-cong-hien-751082

  • Từ khóa