Tọa đàm “Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ-Bài học thực tiễn trong huấn luyện chiến đấu hiện nay”

Thứ 7, 06.04.2024 | 08:35:59
718 lượt xem

Khẳng định giá trị và phát huy nghệ thuật quân sự đặc sắc. Các tham luận tại tọa đàm với chủ đề “Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ-Bài học thực tiễn trong huấn luyện chiến đấu hiện nay” do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Bộ tư lệnh Quân đoàn 12 tổ chức ngày 4-4 đã phân tích, khẳng định đường lối, chiến lược đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định Chiến thắng Điện Biên Phủ; QĐND Việt Nam anh hùng là lực lượng nòng cốt làm nên Chiến thắng Điện Biên

Đặc biệt, tọa đàm đã nêu bật những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức tác chiến... từ Chiến thắng Điện Biên Phủ và sự cần thiết phải vận dụng, phát huy trong công tác huấn luyện chiến đấu, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Báo QĐND tiếp tục trích đăng ý kiến của các đại biểu tham gia tọa đàm.

Thiếu tướng, TS TRẦN MINH TUẤN, Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng:

 Phát huy dân chủ quân sự và vai trò của người chỉ huy

Quyết định chuyển phương án chiến đấu sang ‘‘đánh chắc, tiến chắc’’, hoãn cuộc tiến công, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương án mới là một quyết định đầy khó khăn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước đó, Đảng ủy mặt trận và Bộ chỉ huy chiến dịch đã quyết định phương châm ‘‘đánh nhanh, giải quyết nhanh’’. Làm thế nào để Đại tướng Võ Nguyên Giáp có được sự đồng thuận thay đổi phương án của Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch? Đó chính là nhờ vào việc phát huy tinh thần dân chủ quân sự.

Khẳng định giá trị và phát huy nghệ thuật quân sự đặc sắc
Thiếu tướng, TS TRẦN MINH TUẤN, Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chỉ huy đầy bản lĩnh và trí tuệ, kiên quyết và quyết đoán, nhưng Đại tướng cũng luôn tôn trọng tập thể. Việc Đại tướng tranh thủ sự đồng tình của Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh thể hiện ý thức dân chủ, tôn trọng ý kiến của đoàn cố vấn. Trong phiên họp Đảng ủy, việc thay đổi phương châm tác chiến được Đại tướng đưa ra thảo luận rất dân chủ và được sự thống nhất trong Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch. Tiếp đó, với ý thức chấp hành nguyên tắc tổ chức rất cao, dù đã được Bác Hồ giao cho toàn quyền quyết định chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị về sự thay đổi phương châm tác chiến.

Ngoài việc tôn trọng ý kiến của tập thể, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là người chỉ huy kiên quyết và quyết đoán, đề cao trách nhiệm của người chỉ huy. Đại tướng luôn đề cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân trong suốt thời gian chuẩn bị và quá trình diễn ra chiến dịch. Trước đa số các cán bộ chỉ huy trong Đảng ủy mặt trận và cả đoàn cố vấn nghiêng về phương châm ‘‘đánh nhanh, giải quyết nhanh’’, Đại tướng vẫn kiên trì bảo vệ quan điểm, cố gắng thuyết phục bằng những phân tích xác đáng, lập luận chặt chẽ để quyết định thay đổi phương châm thành ‘‘đánh chắc, tiến chắc’’.

Trong chiến tranh hiện đại, các tình huống chiến đấu diễn ra rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đòi hỏi phải xử trí rất mau lẹ, quyết đoán nhưng phải chính xác mới giành được thắng lợi. Do đó, khi xử trí các tình huống, người chỉ huy phải bám sát các nguyên tắc, quy chế, nhanh chóng bàn bạc, trao đổi thống nhất với đồng chí bí thư, chính ủy (chính trị viên) và trong cấp ủy, chỉ huy đơn vị. Quá trình huấn luyện, các cơ quan, đơn vị chú ý phát huy tốt dân chủ quân sự, động viên tính tích cực, chủ động của người học, tránh chủ quan, duy ý chí. Khi huấn luyện chiến đấu, người chỉ huy cần đặt ra nhiều tình huống, đưa ra những vấn đề, những mâu thuẫn mang tính bản chất để người học nghiên cứu, tích cực tham gia thảo luận với nhiều phương án xử trí. Trên cơ sở dân chủ thảo luận để người chỉ huy kết luận phương án hiệu quả nhất...

-----------

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội:       

Tổ chức trận địa trong lòng chảo, núi non bao bọc xung quanh là “tối kỵ”

Ngày 20-11-1953, tướng Henri Navarre cho quân Pháp nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. Bác Hồ và Bộ Chính trị đã nhận định: "Quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ là hoàn toàn có lợi cho ta và cũng đã nằm trong dự kiến của ta...”.

Thảm bại đau đớn tại chiến trường Điện Biên Phủ tháng 5-1954 nghiêm trọng đến mức chính quyền Pháp hồi ấy phải thành lập một ủy ban điều tra (ngày 31-3-1955) với các thành viên đều là những nhân vật quân sự cao cấp. Ủy ban này đã tiến hành 22 cuộc điều trần. Tư liệu mã số GR1R237 nêu: “Vị trí của Điện Biên Phủ cách bờ biển 400km, cách các căn cứ không quân của Pháp 300km, lại gần biên giới với Trung Quốc, khiến quân đội Pháp hoàn toàn bị bất lợi”...

Khẳng định giá trị và phát huy nghệ thuật quân sự đặc sắc
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. 

Nhìn từ phong thủy cổ điển thì đóng quân, tổ chức trận địa ở địa thế lòng chảo, núi non bao bọc xung quanh là một “tối kỵ”. Vì ở một vị trí thấp là tự đẩy mình vào thế bị động phòng ngự, nhất là khi bị bao vây, kìm hãm. Thế là tự tạo ra một “sân vận động để đối phương chiếm những hàng ghế bậc cao” mà quan sát, soi ngắm, thậm chí làm “huấn luyện viên”.

Cùng ý này, khi trả lời nhà báo Wilfred Burchett (Australia), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lật ngược chiếc mũ, chỉ vào lòng mũ và nói: “Đây là Điện Biên Phủ”; rồi Người chỉ tay quanh vành mũ, nói tiếp: “Núi ở đây và chúng tôi cũng ở đây”. Bác nắm tay lại, ấn vào lòng mũ, bảo: “Còn đây là quân Pháp, họ không thể thoát được”. Một cách diễn tả hóm hỉnh nhưng thể hiện rõ thế chủ động chiến lược. Bị đối phương cắt đứt các con đường vận chuyển cả đường bộ, đường thủy, đường không thì “con nhím” dù khổng lồ cũng tự chết đói. Quân ta đổi cách đánh từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" là đánh vào điểm cốt tử này!

Nhìn về tổng thể, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một khối gắn kết chặt chẽ, được bảo vệ bởi những loại phương tiện, vũ khí hiện đại nhất. Nhưng thực tế, tập đoàn cứ điểm hoàn toàn độc lập về khả năng tác chiến, khi bị tấn công, chủ yếu vẫn là lực lượng tại chỗ chi viện, hỗ trợ nhau. Quân ta đã phát huy tối đa sức mạnh của hệ thống pháo 105mm và pháo phòng không 37mm mà quân Pháp không phát hiện được vị trí. Vì lẽ này, hệ thống pháo của quân Pháp dù hùng mạnh cũng không phát huy được tác dụng, không phát hiện ra vị trí pháo của đối phương nên không thể phản pháo...

------------

Đại tá TRẦN LIÊN, nguyên cán bộ Trung đoàn Cao xạ 367 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ:

Bộ đội cao xạ sáng tạo chiến đấu thắng lợi

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn Cao xạ 367 được biên chế 6 tiểu đoàn thì 3 tiểu đoàn vào chiến đấu ở Mặt trận Điện Biên Phủ, 3 tiểu đoàn còn lại bố trí bảo vệ giao thông và hậu phương chiến dịch.

Thời gian này, ngoài việc trinh sát địa hình, chuẩn bị đội hình bố trí, làm công sự trận địa, lực lượng pháo cao xạ có khó khăn lớn là mới huấn luyện và hành quân từ Trung Quốc về, chưa có tư liệu về tính năng kỹ, chiến thuật của các loại máy bay địch để xác định phương pháp bắn hiệu quả. Ban Tham mưu Trung đoàn 367 đã có sáng kiến làm thước tính theo nguyên lý, tính chất của hai tam giác đồng dạng để đo đạc trinh sát ngay các máy bay địch đang hoạt động ở mặt trận, rồi phổ biến cho bộ đội luyện tập “ngầm” trong thời gian chờ đợi để sẵn sàng bắn rơi máy bay địch ngay từ trận đầu.

Khẳng định giá trị và phát huy nghệ thuật quân sự đặc sắc
Đại tá TRẦN LIÊN, nguyên cán bộ Trung đoàn Cao xạ 367 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sáng 11-3-1954, toàn bộ trọng pháo và cao xạ đã sẵn sàng trong công sự. 17 giờ 30 phút ngày 13-3-1954, Bộ chỉ huy ra lệnh nổ súng mở màn chiến dịch. 24 khẩu pháo 105mm bất ngờ bắn cấp tập trong 30 phút vào trận địa và sở chỉ huy địch, mở màn đợt 1 chiến dịch (diệt 2 cứ điểm ngoại vi). Đại đội Cao xạ 815 bắn hạ chiếc máy bay trinh sát của địch. Sáng 14-3, địch ồ ạt cho máy bay từ Hà Nội lên Điện Biên đánh phá nhưng bất ngờ bị cao xạ ta bắn rơi nhiều chiếc, buộc địch phải rút sớm. Ngay tối 14-3, lực lượng cao xạ đã được Bộ chỉ huy chiến dịch khen ngợi và phát động toàn mặt trận thi đua lập công với cao xạ.

Đợt 2 chiến dịch (từ ngày 30-3 đến 30-4-1954), kế hoạch tác chiến của ta là bóc vỏ-bao vây; bộ binh đào chiến hào vây lấn ở mặt đất, cao xạ bao vây siết chặt vùng trời, cắt cầu hàng không. Máy bay địch phải bay cao trên 3.000m vì sợ bị cao xạ ta bắn nên phần lớn dù chúng thả xuống đã rơi vào khu vực trận địa của ta. Trong đợt tiến công này, bộ binh ta đã đánh chiếm các cao điểm phía Đông và Tây của cứ điểm, cắt đôi phân khu trung tâm Mường Thanh với Hồng Cúm.  Đợt này, pháo cao xạ đã bắn rơi chiếc "pháo đài bay" B-24 và chiếc F-8F, bắt sống giặc lái Robert Daniel.

Đợt 3 chiến dịch (từ ngày 1 đến 7-5-1954) tổng công kích. 20 giờ 30 phút ngày 6-5, ta nổ bộc phá đánh đồi A1. Đến 4 giờ ngày 7-5, ta chiếm đồi A1; 15 giờ, địch đầu hàng. Pháo cao xạ đã bắn hạ 52 máy bay trong tổng số 62 máy bay địch bị tiêu diệt trong chiến dịch.

Vậy là lực lượng phòng không (pháo cao xạ 37mm và 12,7mm) trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mà Trung đoàn Cao xạ 367 là nòng cốt, tuy mới thành lập nhưng đã chiến đấu thắng lợi giòn giã. Trung đoàn Cao xạ 367 xứng đáng là đơn vị tiền thân và lá cờ đầu trong xây dựng, phát triển lực lượng phòng không của Quân đội ta.

--------------

Đại tá HỒ QUANG TÚ, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh:

Công binh sáng tạo bảo đảm đường cơ động và hệ thống công sự vững chắc

Cuối tháng 1-1954, Đảng ủy mặt trận và Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đổi phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đội hình tiến công thay đổi, dùng cách đánh đột phá lần lượt để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm. Công việc đầu tiên của lực lượng công binh là bảo đảm cơ động cho pháo binh di chuyển trận địa pháo từ hướng Tây Bắc sang hướng Đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và đặt các trận địa pháo trên các điểm cao có lợi. Nhận nhiệm vụ, lực lượng công binh nhanh chóng tìm và mở đường cơ động đưa pháo vào trận địa; sau đó xây dựng các công sự trận địa vững chắc để pháo thủ có thể chiến đấu dài ngày. Đến đêm 6-3-1954, toàn bộ xe, pháo của ta cơ động vào các trận địa, bảo đảm bí mật, an toàn, tạo thế bất ngờ lớn đối với địch.

Khẳng định giá trị và phát huy nghệ thuật quân sự đặc sắc
Đại tá HỒ QUANG TÚ, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh. 

Thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, Bộ chỉ huy chiến dịch triển khai xây dựng trận địa tiến công và bao vây Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trên nhiều hướng. Để công việc được thuận lợi, thống nhất, Bộ chỉ huy chiến dịch tổ chức cho một đơn vị công binh đào thực nghiệm công sự mẫu trên cánh đồng gần Sở chỉ huy Mường Phăng, từ đó rút kinh nghiệm để hướng dẫn cho các đơn vị...

Hệ thống công sự trận địa từ Sở chỉ huy chiến dịch đặt ở Mường Phăng đến sở chỉ huy các đại đoàn, trung đoàn đều được cấu trúc kiên cố, được đào sâu vào lòng núi thành những căn hầm lớn. Trong các hầm làm việc có đủ các phương tiện cần thiết, bàn viết, ghế ngồi. Hầm nghỉ, hầm thương binh đầy đủ phục vụ chiến đấu... Trận địa tiến công và bao vây của các tiểu đoàn, đại đội bộ binh và đại đội, trung đội hỏa lực phía trước cũng được xây dựng công phu với đầy đủ chiến hào, bệ bắn, ụ súng máy, đài quan sát, các vị trí chiến đấu cá nhân, tổ, tiểu đội.

Cùng với hệ thống hầm nghỉ của từng tổ 3 người có nắp, chịu được sức công phá của đạn pháo 105mm, bộ đội công binh cũng tổ chức hệ thống hào giao thông, hào chiến đấu nối liền sở chỉ huy với trận địa hỏa lực, các đơn vị chiến đấu phía trước với những đơn vị bảo đảm phía sau... tạo thành thế liên hoàn vững chắc, có chiều sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến. Qua mỗi đoạn hào ngắn đều có chỗ tránh cho cáng thương, bảo đảm giao thông hai chiều dễ dàng; hệ thống hầm hào liên tục được củng cố và tu sửa khi tiến công và ngày càng tiến sâu vào trung tâm đề kháng của địch.

Có thể khẳng định, sự nỗ lực, sáng tạo trong bảo đảm đường cơ động và hệ thống hầm hào, công sự của lực lượng công binh đã góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

-----------

Đại tá NGUYỄN ĐÌNH LÂM, Phó trưởng phòng Khoa học quân sự, Tổng cục Hậu cần:

Vận dụng trong huy động nguồn lực hậu cần

Một trong những thành công nổi bật của công tác hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là tổ chức, huy động bảo đảm tốt hậu cần cho chiến dịch. Đó là phát huy truyền thống, sức mạnh dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, sức mạnh của toàn dân; vận dụng hình thức, phương pháp phù hợp, đã huy động được nguồn lực to lớn của hậu phương, góp phần bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã động viên, huy động được hơn 261.000 dân công (với khoảng 12 triệu ngày công), gần 21.000 xe đạp thồ, 11.800 thuyền, mảng, 500 ngựa thồ, vận chuyển được hơn 25.000 tấn gạo, gần 2.000 tấn thịt và thực phẩm khác... 

Khẳng định giá trị và phát huy nghệ thuật quân sự đặc sắc
Đại tá NGUYỄN ĐÌNH LÂM, Phó trưởng phòng Khoa học quân sự, Tổng cục Hậu cần. 

Lực lượng hậu cần đã hình thành hệ thống tổ chức phù hợp, phát huy hiệu quả chức năng tham mưu, chỉ đạo, tổ chức huy động, bảo đảm kịp thời hậu cần cho chiến dịch; đồng thời tổ chức chuẩn bị, bảo đảm tốt các mặt hậu cần cho từng đợt, từng trận chiến đấu phù hợp với thực tế...

Những bài học kinh nghiệm trong công tác bảo đảm hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được vận dụng sáng tạo, sát với thực tiễn hiện nay. Công tác hậu cần tiếp tục quán triệt, thực hiện theo đường lối chiến tranh nhân dân, hậu cần toàn dân. Phát huy kinh nghiệm, truyền thống ngành hậu cần trong kháng chiến; truyền thống tự lực, tự cường, hậu cần tại chỗ, hậu cần nhân dân rộng khắp. Kết hợp chặt chẽ kinh tế-quốc phòng, quốc phòng-kinh tế, thực hiện xây dựng tiềm lực hậu cần ở tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội, ở các địa bàn, tạo tiềm lực, sức mạnh vật chất đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, sẵn sàng bảo đảm cho tác chiến.

Xây dựng lực lượng hậu cần thường trực vững mạnh, đồng bộ, thống nhất về tổ chức, biên chế, đáp ứng tốt nhiệm vụ trong thời bình, sẵn sàng mở rộng, phát triển khi có yêu cầu; xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần các cấp tinh, gọn, mạnh; đầu tư, nâng cấp trang bị kỹ thuật, vật chất hậu cần đồng bộ với vũ khí, trang bị. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng ngày càng cao, sẵn sàng động viên, huy động khi có lệnh.

Ngoài ra, thường xuyên duy trì tốt sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hậu cần, các lượng dự trữ đủ theo quy định, tình trạng trang bị, chất lượng vật chất hậu cần, kỹ thuật; bảo đảm tốt hậu cần cho toàn quân thực hiện các nhiệm vụ, nhất là cho các tình huống quốc phòng, phòng thủ dân sự. Tăng cường huấn luyện, diễn tập bảo đảm hậu cần trong điều kiện tình hình diễn biến phức tạp, thời gian chuẩn bị gấp, ở các môi trường, địa bàn đặc thù...

----------

Đại tá PHÙNG MINH NAM, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 12: 

Bài học lớn trong công tác quản lý, huấn luyện, rèn luyện bộ đội 

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Đại đoàn 312 được Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ tiến công hướng chủ yếu. Đây là niềm vinh dự, tự hào, nhưng cũng đặt ra yêu cầu nặng nề, khó khăn rất lớn cho cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn. Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của trận đánh mở màn, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí trang bị.

Khẳng định giá trị và phát huy nghệ thuật quân sự đặc sắc
Đại tá PHÙNG MINH NAM, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 12. 

Ngay sau chiến thắng trận mở màn Him Lam, chuyển sang đợt 2, đợt 3 của chiến dịch, Đại đoàn 312 được Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm đồi E, D1, D2, cứ điểm 210 và cứ điểm 505, 506, 507... Nắm chắc thời cơ, chiều 7-5-1954, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích. Từ các phía, quân ta ào ạt đánh vào trung tâm. Đại đội 360, Tiểu đoàn 130 (nay là Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209) vượt qua 3 cứ điểm, tiến thẳng vào trung tâm Mường Thanh, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng các chiến sĩ Vinh, Nhỏ và tổ dao nhọn xông vào hầm Bộ chỉ huy tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castries và toàn bộ cơ quan tham mưu tập đoàn cứ điểm, kết thúc thắng lợi chiến dịch. Với chiến công xuất sắc đó, ngày 13-5-1954, trong lễ duyệt binh của các đơn vị mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức trọng thể ngay trên cánh đồng Mường Thanh, Đại đoàn 312 vinh dự được nhận vĩnh viễn cờ thưởng luân lưu “Quyết chiến, Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chiến đấu thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu một bước trưởng thành lớn mạnh của Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312). Thực tiễn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng minh công tác giáo dục chính trị tư tưởng và rèn luyện cán bộ, chiến sĩ đã được Đại đoàn 312 thực hiện có hiệu quả từ trước và trong suốt chiến dịch, nhất là khi thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, ở thời điểm “kéo pháo vào”, “kéo pháo ra” hết sức khó khăn. Trong chiến đấu, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, tiêu biểu là đồng chí Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo... đã cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ mài sắc ý chí chiến đấu. Bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong công tác quản lý, huấn luyện, rèn luyện bộ đội và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” của Sư đoàn 312.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/khang-dinh-gia-tri-va-phat-huy-nghe-thuat-quan-su-dac-sac-771565

  • Từ khóa