Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, thống nhất đất nước mãi lưu trang vàng lịch sử dân tộc như mốc son chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam; để lại bài học quý báu về nhận định, vận dụng thời cơ chiến lược của Đảng, kịp thời tổ chức lực lượng mạnh, thực hiện các chiến dịch then chốt, tạo bước ngoặt để giành thắng lợi.
Sau Hiệp định Paris, tình hình chiến trường và tương quan lực lượng địch-ta trên chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ; ta ở thế tiến công chiến lược, làm chủ chiến trường, địch rơi vào thế bị động, phòng thủ, tinh thần chiến đấu xuống thấp khi không còn sự bảo trợ trực tiếp của quân đội Mỹ.
Đặc biệt, thắng lợi vang dội của Chiến dịch Đường 14-Phước Long (13-12-1974 / 6-1-1975) giúp ta củng cố cơ sở, phân tích, dự báo về khả năng Mỹ không trở lại chiến trường miền Nam, bởi sức ép của dư luận nước Mỹ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị nhận định “chúng ta thấy chính xác hơn thời cơ lịch sử và khả năng thực tế để quyết chiến những trận cuối cùng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn... phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976”.
Cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Ảnh: Tư liệu |
Trên cơ sở nắm chắc diễn biến tình hình, dự báo, nhận định đúng thời cơ chiến lược, nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy thời cơ chín muồi, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo mở các đòn tiến công chiến lược vào những địa bàn, mục tiêu chiến lược, nhằm đè bẹp khả năng phản kháng và khuất phục tinh thần chiến đấu của địch.
Mở đầu là Chiến dịch Tây Nguyên, ta tập trung lực lượng mạnh. Với phương châm, tư tưởng chỉ đạo tác chiến là: Mạnh bạo, chắc thắng, chủ động, cơ động linh hoạt, bí mật, bất ngờ và chỉ trong thời gian ngắn, ta đã giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, tạo ra thời cơ có tính bước ngoặt lịch sử cho cách mạng. Cùng với đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Huế-Đà Nẵng với ý chí quyết tâm hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ, nhằm đập tan ý định tập trung, co cụm của địch từ Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung kéo về.
Thắng lợi liên tiếp của hai chiến dịch trên đã gây tổn thất nặng nề về quân số, cơ sở vật chất kỹ thuật, làm cho tinh thần chiến đấu của quân địch hoang mang nghiêm trọng, ngụy quân, ngụy quyền đứng bên bờ vực sụp đổ toàn diện, Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, vì dù có tăng viện trợ cũng không cứu vãn được tình thế. Bộ Chính trị nhận định: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn-Gia Định đã chín muồi” để tiến hành trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Đồng thời, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chủ trương mở Chiến dịch giải phóng Sài Gòn và đồng ý lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh” (từ ngày 26 đến 30-4-1975). Chúng ta đã tập trung cả 4 quân đoàn chủ lực và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn); hầu hết các quân, binh chủng thuộc lực lượng dự bị chiến lược, lực lượng không quân; lực lượng quân sự, chính trị thuộc Quân khu 7 và thành phố Sài Gòn-Gia Định đồng loạt tiến về trung tâm đầu não Sài Gòn. Đúng 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 toàn thắng.
Gần 50 năm trôi qua, độ lùi thời gian và những chứng tích lịch sử đã kiểm chứng tính đúng đắn, sáng tạo về nhận định, vận dụng thời cơ chiến lược của Đảng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Theo qdnd.vn