Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị nói chung và hoạt động thi đua, cổ vũ chiến trường nói riêng có vai trò quan trọng, góp phần tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, quyết tâm và phương châm tác chiến của Bộ tư lệnh chiến dịch. Qua đó động viên, cổ vũ ý chí chiến đấu, khả năng sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cho cuộc quyết chiến chiến lược giành thắng lợi.
1. Hoạt động thi đua, cổ vũ chiến trường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã tập trung giáo dục, tuyên truyền và cổ vũ nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, làm cho toàn dân, toàn quân quán triệt, nhất quán sâu sắc với quyết tâm chiến lược của Đảng và Bác Hồ. Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong điều kiện lúc đầu địch chủ động và chiếm ưu thế áp đảo về vũ khí, trang bị, có công sự kiên cố, xe tăng, đại bác, súng phun lửa, áo giáp hộ thân, máy ngắm hồng ngoại và hàng trăm máy bay ngày đêm yểm hộ. Trong điều kiện ấy, hoạt động thi đua, cổ vũ chiến trường đã tập trung tuyên truyền, giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sĩ và mỗi người dân quán triệt sâu sắc quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; phát động lòng tự hào, tinh thần bất khuất và quật cường của dân tộc Việt Nam, cổ vũ cả nước sôi sục đứng lên đánh Pháp với mọi phương tiện sẵn có trong tay.
2. Hoạt động thi đua, cổ vũ chiến trường đã góp phần phân tích, chỉ rõ mạnh, yếu của quân đội Pháp, những khó khăn, thuận lợi của ta, chỉ rõ những gian khổ, ác liệt, hy sinh trong chiến dịch, từ đó xác định cho cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân một thái độ chính trị kiên quyết và đúng đắn, không sợ địch nhưng cũng không chủ quan, tự mãn; kháng chiến lâu dài, gian khổ nhưng nhất định thành công. Nhờ đó, quyết tâm và niềm tin của quân, dân ta ngày càng được củng cố, ý thức kỷ luật chiến trường được giữ vững trong mọi hoàn cảnh. Khi Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định chuyển phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, cán bộ, chiến sĩ tuy lúc đầu có những băn khoăn, trăn trở nhưng đã nghiêm túc chấp hành, vượt qua nhiều khó khăn để thực hiện. Khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến” đã được phát động trong toàn bộ hậu phương lớn của đất nước và được thực hiện với một quyết tâm cao độ. Nhân dân ta đã đem hết khả năng, bằng mọi phương tiện, cung cấp cho chiến dịch hàng vạn tấn lương thực, đạn dược; tham gia hàng triệu ngày công để mở đường, đào hào, vận chuyển thương binh.
Chiến sĩ Trung đoàn 741, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên thực hành gói buộc lượng nổ. Ảnh: ĐỨC HẠNH |
3. Hoạt động thi đua, cổ vũ chiến trường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã bám sát hoạt động của các đơn vị, đi sâu tuyên truyền giáo dục về tư tưởng quân sự của Đảng, phương châm chiến lược và tư tưởng chỉ đạo tác chiến, kịp thời biểu dương những cá nhân, điển hình tiên tiến, đấu tranh khắc phục những tư tưởng lệch lạc, sai lầm nảy sinh trong cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân.
Trên chiến trường Điện Biên Phủ cũng như trên các chiến trường phối hợp, những hành động chiến đấu dũng cảm, tấm gương tích cực, điển hình gương mẫu đều được kịp thời phổ biến, tuyên truyền sâu rộng. Trong điều kiện chiến dịch vô cùng gian khổ, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân không tránh khỏi dao động, lệch lạc về tư tưởng. Sau những trận thắng, đã xuất hiện tư tưởng chủ quan, trong những trận chiến đấu ác liệt, tư tưởng hữu khuynh xuất hiện. Hoạt động thi đua, cổ vũ chiến trường thông qua nhiều hình thức được tiến hành ngay tại mặt trận. Các cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân được duy trì thường xuyên, góp phần nâng cao giác ngộ chính trị cho cán bộ, chiến sĩ... Hoạt động thi đua, cổ vũ chiến trường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã linh hoạt, sáng tạo sử dụng các hình thức, phương pháp. Báo Quân đội nhân dân được ấn hành đều kỳ ngay tại mặt trận, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ. Một lực lượng đông đảovăn nghệ sĩ, các đoàn văn công đã hợp thành một binh chủng đặc biệt có tác dụng cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn. Cuộc vận động “Ba tốt”: Ăn tốt, ngủ tốt, đánh tốt được phát động trong toàn chiến dịch. Sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ nhờ thế được bảo đảm, tư tưởng “đánh chắc, tiến chắc” ngày càng được củng cố.
Hoạt động thi đua, cổ vũ chiến trường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ còn coi trọng tham gia tiến hành địch vận để tác động vào tư tưởng của binh lính địch, làm cho chúng ngày càng hoang mang, rã rời ý chí. Cùng với việc rải truyền đơn tuyên truyền về tính phi nghĩa và sự thất bại tất yếu của cuộc chiến tranh xâm lược mà binh lính Pháp tiến hành, bộ đội ta còn có sáng kiến làm những bè chở biểu ngữ địch vận, tranh cổ động thả trôi theo dòng sông Nậm Rốm để kêu gọi binh lính địch đầu hàng.
Chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 741, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên đọc báo trên thao trường. Ảnh: ĐỨC HẠNH |
4. Đã 70 năm kể từ khi Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, những bài học kinh nghiệm từ chiến thắng lịch sử này vẫn còn nguyên giá trị. LLVT tỉnh Điện Biên rút ra một số kinh nghiệm trong tiến hành hoạt động phong trào thi đua, đó là: Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về công tác thi đua-khen thưởng và Phong trào Thi đua Quyết thắng. Công tác thi đua-khen thưởng phải kịp thời, đúng người, đúng việc; thực hiện tốt việc nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời có những giải pháp, xử lý các tập thể, cá nhân có những biểu hiện lệch lạc; tạo sự đoàn kết, thống nhất trong suy nghĩ, hành động, làm cho phong trào thi đua trở thành nguồn động viên lớn thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Theo qdnd.vn